ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 20:54:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

”Người mẹ hiền” ở Trường Mầm non Thạnh Phú

Báo Cà Mau “Hằng ngày, nhìn những gương mặt ngây thơ với ánh mắt trong veo của các cháu mà nghe lòng mình ấm áp lạ thường. Dù trong cuộc sống có bao nhiêu lo âu, muộn phiền nhưng khi bước chân vào lớp là niềm vui lại ùa về", đó là lời tâm tình của cô giáo đã 56 tuổi đời, 38 tuổi nghề, chỉ vài ngày nữa cô sẽ từ giã mái trường thân yêu theo chế độ hưu trí.

38 năm trong ngành giáo dục cũng là 38 năm gắn bó với nhóm trẻ, cô giáo Ðặng Xuân Lan luôn hết lòng thương yêu, chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Bằng tất cả tình yêu thương của người chị, người mẹ rồi người bà, cô đã vượt lên tất cả khó khăn, thiếu thốn để gắn bó với nhiều thế hệ trẻ khi các cháu mới chập chững làm quen với mái trường mầm non.

Hình ảnh thân thương này sẽ còn đọng mãi, những người mẹ hiền dịu bên những thiên thần. Ảnh: MỌNG CẦM

Hình ảnh thân thương này sẽ còn đọng mãi, những người mẹ hiền dịu bên những thiên thần. Ảnh: MỌNG CẦM

18 tuổi cô đã vào nghề, lúc đó, học xong lớp 9 là đã đủ điều kiện. Năm 1986, vừa mới mở cửa, kinh tế đất nước còn khó khăn, rồi những năm tiếp theo, ngành giáo dục, nhất là hệ mầm non còn thiếu thốn mọi thứ. Mấy chục đồng bạc lương của giáo viên mầm non không đủ nuôi sống bản thân, nhiều bạn bè đồng trang lứa của cô vì mưu sinh đành bỏ nghề. Với lòng yêu nghề, mến trẻ và sự động viên của gia đình, nhất là người cha từng làm thầy giáo, cô quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức. Cô thường nói đùa với bạn bè thời đó: "Giáo viên mầm non cái gì cũng thiếu nhưng chỉ có một món là dư dả... Ðó là ngày nào cũng được các cháu đãi... vài bãi". 

Những năm 1980 làm gì có tã, có bao tay như bây giờ, đa số học trò lại nghèo nên mọi thứ cô giáo đều phải “xử” bằng đôi bàn tay của mình. Ðiều đặc biệt với cô giáo Lan là, từ ngày vào ngành đến nay, cô luôn phụ trách nhóm trẻ từ 24-36 tháng tuổi. Lúc mới vào nghề cô công tác tại Trường Mầm non thị trấn Cái Nước, đến tháng 8/2011 cô xin chuyển về Trường Mầm non Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, ở trường nào cô cũng được phân công phụ trách nhóm trẻ. 38 năm ròng rã, cô chăm sóc không biết bao nhiêu thế hệ trẻ thuộc nhóm mầm non từ 24-36 tháng tuổi, chuyện các cháu tè, ị dù có tã hay không cô vẫn vui vẻ xử lý. Ðiều đáng nói là cô chưa bao giờ dùng bao tay, vì cô cho rằng, sử dụng bao tay tuy tiện lợi nhưng có khi vô ý sẽ làm cháu bị đau, hoặc không sạch ở những vùng kín, nhất là bé gái. Và, cô luôn giữ thói quen ấy cho đến tận bây giờ. Cô nhớ lại, có lúc 6 bé đại tiện một lượt, cô giáo dạy cùng lại mới ra trường, từ nhỏ đến khi đi dạy chưa nhìn thấy cảnh tượng này, cô sẵn sàng “cân” hết. Cô nghĩ, cùng dạy chung thì phải san sẻ, giúp đỡ nhau không nên tỵ nạnh, nhất là đối với các em, các cháu mới vào nghề, mình là thế hệ trước phải truyền lửa cho đàn em, đàn cháu. Cô giáo Trịnh Mọng Cầm cho biết, năm đầu vào nghề, được phân công phụ trách nhóm trẻ cùng cô giáo Lan, thấy các cháu bé quá, đầu năm vào lớp hầu hết các cháu đều khóc ngằn ngặt, rồi tiểu tiện liên miên, phải bồng bế dỗ dành, rồi còn phải làm vệ sinh lúc các cháu tiểu tiện, đại tiện... nhờ có sự giúp đỡ của cô Lan cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm chăm sóc các cháu mà cô đã vững vàng vượt qua, nay trở thành một trong những giáo viên năng nổ của trường.

Các cháu làm nũng với cô. Ảnh: MỌNG CẦM

Các cháu làm nũng với cô. Ảnh: MỌNG CẦM

Giáo viên mầm non đã cực, mà phụ trách nhóm trẻ còn cực hơn nhiều. Là trường nông thôn nên cả trẻ tự kỷ hay tăng động đều phải nhận không được từ chối, các cháu cá biệt cần phải có cách dạy riêng, phải được sự thông cảm, phối hợp thật tốt với phụ huynh nhưng đây là điều rất khó... Nhiều cháu còn nhỏ nhưng đã nghiện điện thoại nặng nên khi vào lớp không chịu nghe lời cô, nằm lăn ra, đập đầu xuống đất đòi điện thoại, hoặc cào cấu bạn, cô phải lấy thân mình ra che chắn để cháu không bị đau. Cô Lan chia sẻ, khó nhất không phải là khâu chăm sóc trẻ mà là làm thế nào để phụ huynh hiểu, chủ động phối hợp tốt cùng cô trong việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ. Bằng trách nhiệm cao và tình yêu thương của mình, cô Lan không chỉ chăm sóc tốt cho các cháu mà còn giúp nhiều phụ huynh nhận ra được những trường hợp đặc biệt của trẻ để phối hợp với giáo viên và nhà trường chăm sóc tốt cho các cháu, vì vậy, cô luôn được phụ huynh tin tưởng, còn các cháu thì luôn quấn quýt bên cô, đòi được cô bồng ẵm, dỗ dành. 

Với lòng yêu nghề, không ngừng học tập nên cô có trình độ chuyên môn vững vàng, tham gia tích cực mọi hoạt động của trường, nhất là tự làm đồ dùng dạy học. Các tiết thao giảng của cô đều đạt giỏi, năm nào cô cũng hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi lần thi giáo viên giỏi vòng trường cô đều đạt, 3 lần đạt giáo viên giỏi vòng huyện. Quá trình công tác cô Lan được tặng nhiều giấy khen của UBND huyện, 2 bằng khen của Sở Giáo dục - Ðào tạo và UBND tỉnh. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2008, cô vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Không chỉ giỏi việc trường, trong gia đình cô luôn là người vợ đảm đang, người mẹ hiền dịu, hết lòng yêu chồng, thương con, cùng chồng xây dựng nên một gia đình ấm no, hạnh phúc, cậu con trai duy nhất của cô đã tốt nghiệp đại học và đang công tác tại tỉnh nhà. Ðối với cha mẹ, thân tộc hai bên, vợ chồng cô luôn là tấm gương hiếu thảo, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.  

Cô Võ Hồng Quởn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Phú, nhận xét: "Cô Lan rất tâm huyết với nghề, có trách nhiệm cao với công việc, luôn hoà đồng và đoàn kết, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, thẳng thắn đóng góp xây dựng dù với Ban Giám hiệu hay bạn đồng nghiệp. Cô có công rất lớn trong việc xây dựng Trường Mầm non Thạnh Phú đạt chuẩn quốc gia, cô luôn được đồng nghiệp quý mến, phụ huynh tin tưởng, là tấm gương tiêu biểu của trường./.

 

Huyền Linh

 

Ươm mầm mơ ước con trẻ

Chủ đề “Nghề nghiệp” là 1 trong 9 chủ đề thú vị được đưa vào chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ được khám phá thế giới nghề nghiệp, hiểu hơn về đặc thù công việc, những vất vả cũng như giá trị mà mỗi nghề mang lại cho xã hội.

214 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024-2025

Sau gần một tháng diễn ra, Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Cà Mau, năm học 2024-2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Hơn 150 triệu đồng hỗ trợ Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2

Sáng 11/4, tại Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với chính quyền địa phương và nhà tài trợ tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” nhằm trao tặng học bổng và trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Sáng nay (11/4), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã triệu tập hội nghị triển khai các văn bản liên quan và tập huấn phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau. 

416 học sinh đạt giải học sinh giỏi THCS cấp tỉnh

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau, Kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2024-2025 có 416 em đạt giải ở 7 môn thi.

Giúp học sinh nhận thức đúng về giới tính

Ở lứa tuổi vị thành niên, các em còn hạn chế hiểu biết, kiến thức về giới tính cũng như chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Ðể giúp các em hình thành những quan điểm đúng đắn về sức khoẻ sinh sản và cung cấp thêm kiến thức để bảo vệ bản thân, giáo dục giới tính cho học sinh là điều hết sức cần thiết trong môi trường học đường.

Ðể con em đồng bào tiếp cận giáo dục

Ðể đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, tỉnh Cà Mau có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Trọng tâm là tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc để người dân hiểu hơn về vai trò của giáo dục trong thời kỳ mới, từ đó thay đổi nhận thức, chủ động đưa con em đến với nền giáo dục chính quy, hiện đại, đúng độ tuổi.

Ưu tiên đầu tư nâng cấp Trường THCS - THPT Tân Bằng

Sáng 2/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân có chuyến khảo sát thực tế tại 2 trường THCS - THPT trên địa bàn huyện Thới Bình để đầu tư nâng cấp hướng đến đạt chuẩn quốc gia.

Thiết thực chính sách nội trú, miễn giảm học phí

Ðối với sinh viên vùng sâu, vùng xa như tỉnh Cà Mau, các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, giúp các em giảm bớt khó khăn về chi phí học hành, thêm điều kiện thực hiện ước mơ tri thức.

Giáo dục Cà Mau khẳng định vị thế

Kết quả đạt được trong phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh thời gian qua khẳng định hướng đi đúng trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi (HSG) - “hạt nhân” tương lai của tỉnh, đất nước. Ðó là cơ sở, nền móng vững chắc, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh và bền vững. “Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, những năm qua, ngành giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế trong sự nghiệp “trồng người””, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), khẳng định.