Sáng 14/3, Sở Công thương tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau với chủ đề: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.
Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Cà Mau, thời gian qua các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương đã đã tiếp nhận và giải quyết tốt các đơn, thư yêu, cầu khiếu nại của người tiêu dùng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp hoạt động chân chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển lành mạnh, tiêu dùng an toàn trên địa bàn tỉnh.
Buổi phát động có sự tham gian của đại diện chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan cùng đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về quyền của người tiêu dùng. Theo đó, trong năm 2023, đã thực hiện treo 458 băng rôn, 250 cờ phướn tại các chợ, trung tâm thương mại và các tuyến đường chính trên địa bàn huyện, thành phố, trung tâm các xã, phường, thị trấn; tổ chức xe cổ động tuyên truyền trên các tuyến phố chính của tỉnh; tuyên truyền hơn 105 tin, bài, video trên Báo Cà Mau, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Cà Mau, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, TP Cà Mau, xã, phường, thị trấn; tổ chức hơn 14.262 cuộc tuyên truyền bằng hình thức phát thanh, truyền thanh với khoảng 1.430.530 lượt người nghe cùng nhiều hoạt động khác.
Phát biểu tại buổi phát động, ông Huỳnh Văn Minh, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: Các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức và thực hiện trong cả năm 2024, tập trung vào các khoảng thời gian như: tết dương lịch, tết âm lịch và các dịp lễ hội. Cao điểm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức trong tháng 3/2024 và kéo dài đến hết tháng 5/2024.
Trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 927 vụ, phát hiện vi phạm 597 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước gần 4 tỷ đồng.
Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức nhằm kêu gọi, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống xã hội; góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, ổn định, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, trong thời gian này, Cà Mau khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại các chương trình tri ân người tiêu dùng như: hỗ trợ bảo hành sản phẩm, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại; các chương trình cam kết doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng.
Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức các chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hoạt động hội thảo, hội nghị, toạ đàm; truyền thông trên các phương tiện truyền hình, truyền thanh, báo điện tử, phóng sự truyền hình, tờ rơi; treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức các chương trình, sự kiện công cộng và các hình thức khác.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp và các cơ quan Nhà nước quan tâm tiếp nhận, giải quyết các đơn, thư yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp hoạt động chân chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển lành mạnh./.
Văn Đum