(CMO) Đây không hẳn là một bài báo mà đơn giản chỉ là những mảng hồi ức thật đẹp được ghép lại để nhớ về Nhà thơ BT Áo Tím. Hơn một năm kể từ ngày ngòi bút trữ tình nữ của mảnh đất Cà Mau thôi tạo tác những vần thơ, nhưng câu chuyện về cuộc đời lẫn gia tài nghệ thuật của bà vẫn luôn được gia đình, bạn bè và đông đảo khách văn chương nâng niu giữ gìn, kính trọng. Có lẽ nhiều năm sau nữa, những mảng hồi ức này cũng chẳng thể phôi pha mà ngược lại còn điềm nhiên mượn nắng gió thời gian trang điểm để đậm đà, sắc nét hơn…
Chị Hà Trần Như Thúy (con gái lớn của Nhà thơ BT Áo Tím) nâng niu tập thơ “Tự tình” của mẹ. |
Nhà thơ BT Áo Tím trong lòng đồng nghiệp
Ðó là một cuộc hội ngộ đầu xuân ấm áp nhân Ngày Thơ Việt Nam do Hội VHNT tỉnh Cà Mau tổ chức. Mở đầu chương trình, không khí lắng đọng để tất cả “tao nhân mặc khách” cùng nhớ về Nhà thơ BT Áo Tím.
Tác giả Nguyễn Tuyết Nga, nguyên Chánh Văn phòng HÐND tỉnh Cà Mau, nghèn nghẹn nhớ về người bạn thơ bằng tất cả sự yêu thương: Tôi không có dịp thường xuyên gặp gỡ Nhà thơ BT Áo Tím mà thỉnh thoảng chỉ gặp nhau qua các cuộc họp mặt văn nghệ và qua các tác phẩm của chị. Ai đó nói rằng: “Thơ là tiếng hát của trái tim”, quả thật đúng như vậy. Ðối với Nhà thơ BT Áo Tím, ngay từ thời son trẻ đến những tháng ngày sống bên gia đình, chồng con sau này, tất cả những tình cảm, nỗi niềm… đều được chị tâm sự qua thơ của mình. Trong làng thơ Cà Mau, nhắc đến BT Áo Tím là nhắc đến một nhà thơ tình nữ tuyệt vời, rất tinh tế và đặc biệt. Thơ của chị khai thác rất nhiều khía cạnh, gam màu của tình yêu, nhất là tình yêu lứa đôi. Có khi là những tình yêu dang dở để rồi nuối tiếc, nhớ thương, khi lại là những vần thơ yêu đợi chờ, hoài vọng... Trong ký ức của tôi, Nhà thơ BT Áo Tím vừa có cá tính đặc biệt mà lại vừa gần gũi, dễ thương. Chị lúc nào cũng xinh đẹp, tha thướt mượt mà.
Người nay không còn nhưng tác phẩm của chị chắc chắn sẽ được lưu hoài cho nhiều năm sau nữa... Tôi đọc rất nhiều thơ BT Áo Tím nhưng tiếc là không thể thuộc hết, chỉ còn nhớ đôi dòng thơ cũ chị đã viết lúc Nhà thơ Nguyễn Duy Minh từ trần:
“Vắng anh con nhớ lời ru
Em như nhặt cả rừng thu lá vàng
Xô nghiêng màu trắng khăn tang
Rưng rưng em gửi lá vàng cho anh…”
Mải miết hoà theo dòng nhớ, bà Ðàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, kể lại những kỷ niệm thật đẹp với người em thân thiết cả trong nghệ thuật lẫn cuộc sống đời thường của mình: "Nhắc đến BT Áo Tím là nhắc đến một cô giáo có tâm hồn nghệ thuật, một nhà thơ rất giàu tình, một trái tim đa cảm. Còn nhớ những năm tháng sau ngày giải phóng, mặc dù phải trải qua cuộc sống rất vất vả, bận rộn để nuôi các con nhưng nguồn sống trong BT Áo Tím vẫn cứ ngồn ngộn, cháy bỏng… Em ấy là người như vậy, khao khát sống, khao khát yêu thương và làm thơ liên tục. Em từng tâm sự như vầy: “Khát vọng của em là muốn làm thơ, sẽ làm thơ và mãi làm thơ. Em sẽ viết, viết, viết. Em yêu cuộc sống này…”. Vậy mà tôi không thể ngờ em lại ra đi đột ngột, để lại bao niềm thương tiếc vô hạn về một nhà thơ trữ tình nữ không giống ai như thế. Không giống ai ở chỗ: Em luôn đặt khát vọng, nghị lực vào cuộc sống và đong đầy tình yêu thương.
Ngót hơn một năm trời, tôi đã dừng thói quen ra quán trước nhà mình để uống cà phê, vì trước đó khi em còn, mỗi sáng đi làm ngang qua con đường nhà tôi, em đều tạt vào ngồi ăn sáng, uống cà phê với tôi. Cho dù là buổi sáng gấp rút, bận bịu nhất, em vẫn nói chuyện về thơ, tâm sự về thơ: một bài thơ mới, một câu chuyện mới, một gương mặt thơ mới của Hội VHNT tỉnh nhà…Khát vọng thơ và tình yêu thơ của BT Áo Tím cứ nồng nàn như vậy. Ngay tại buổi họp mặt này, tôi xin kính tiếc một nhà thơ tài năng đã ra đi…".
“Con ôm thơ má vào lòng”
Ðêm. Ôm tập thơ của má vào lòng, chị Hà Trần Như Thuý, người con gái lớn của Nhà thơ BT Áo Tím thả từng giọt nhớ giọt thương. Ước gì được ngược giấc chiêm bao về những ngày còn má…
Chị Thuý nghẹn ngào: "Nghe má kể, hồi đó ông ngoại mê đờn ca, lại có tài biết chơi nhiều loại nhạc cụ, tính tình lãng tử, hào hoa lắm. Cũng chính từ chiếc nôi nghệ thuật êm đềm đó mà má sớm mê văn chương. Những bài thơ đầu tiên của má được sáng tác từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mê văn, lớn lên vào sư phạm văn rồi trở thành cô giáo. Má đi dạy bằng tất cả tình yêu văn, để rồi năm nào cũng có học sinh giỏi đậu vòng tỉnh, thậm chí là vòng quốc gia. Nhớ hoài những buổi má đưa học trò thuộc đội tuyển Văn về nhà để dạy bồi dưỡng, cứ giảng say sưa hết bài này đến bài khác bên tai, làm cho đứa con gái nhỏ cũng thương văn chương, thơ ca hồi nào không biết. Lạ một điều, má là cô giáo dạy Văn nhưng lại không muốn cho con gái học Văn nhiều. Hồi tiểu học, con của má đã có khiếu viết, có những bài tập làm văn được chọn đọc trước trường. Rồi lên cấp hai, lại được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Văn. Ðem niềm vui này về khoe, cứ tưởng má vui, ai dè má lại bàn ra: “Thôi con đừng đi học, má đi dạy bận quá…”. Vậy là không cho con theo học bồi dưỡng thật, cứ hỏi hoài lý do “Sao không cho con học?”, rồi lúc nào cũng nhận lại ánh mắt ngó bâng quơ không rõ. Lúc đó không hiểu gì, con gái cứ trách má, giận má lâu lắm… Sau này má mới thỏ thẻ: “Con gái mà có tính lãng mạn khổ lắm con ơi!”.
Má cản thì cản, nhưng niềm đam mê thấm vô máu rồi, biết sao được. Con lén lén đọc thơ, lén xem quyển nhật ký thiệt dầy của má. Có khi đọc mê quá, con đem bài thơ vừa đọc lén đi hỏi má, lần nào má cũng cười rồi nói sang chuyện khác, không trả lời.
Con cũng không thể đếm hết suốt một hành trình dài gắn với thơ ca má đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm. Chỉ biết má đã xuất bản một tập thơ mang tên “Tự tình” hơn mười năm trước và đến khi mất, má để lại một di cảo rất nhiều thơ, được bạn bè văn nghệ tổng hợp thêm một tập nữa. Hầu hết những bài thơ trải rộng tình yêu người, yêu đời của má con đều rất thương. Trong cuộc sống đời thường đến việc kinh doanh, má cũng tình cảm như thơ. Má đi học rồi trở thành cô giáo. Khi con gái lớn được mười hai tuổi, má bắt đầu nối tiếp nghề kinh doanh vải sợi của bà ngoại và một vài năm sau cũng dừng công việc dạy học, tập trung lo cho đàn con bốn đứa thành nhân.
Giai đoạn mấy mươi năm trước, ai cũng mong con cái đi học thiệt cao, còn má thì suy nghĩ khác, má nói: “Thôi, con gái học chi nhiều”. Vậy là, con vừa học xong lớp 12, má đã quyết định gả chồng. Chồng con cũng là một thầy giáo hiền lành dạy chung với má, được má chọn và sau đó hướng cho con nối tiếp việc kinh doanh. Tới bây giờ, khi đã làm vợ rồi làm mẹ của hai con trai đã lớn, con mới hiểu, có lẽ do cuộc đời má quá vất vả, long đong nên cỡ nào cũng hướng con mình phải là kiểu phụ nữ vì gia đình, với cuộc sống ổn định, bền vững.
Ngày đau buồn nhất cuộc đời con là ngày má ra đi. Tối đó má vẫn nói chuyện bình thường với con qua điện thoại, một lúc sau nhức đầu rồi hôn mê, ra đi đột ngột. Một chuyến đi xa chẳng có dự báo trước, chẳng có lời tạ từ và cho đến phút sau cùng má vẫn ôm trọn tình yêu với những vần thơ đẹp…
Má không còn, nỗi khao khát thơ lại càng âm ỉ trong con. Xen lẫn trong đó là niềm tự hào khi có rất nhiều người thương má, thương thơ của BT Áo Tím. Con giữ tài khoản Facebook má như giữ hoài một kỷ niệm quý giá. Thỉnh thoảng con đăng lại thơ của má, con cũng tập tành làm thơ và đăng những dòng thơ chân phương lên mạng xã hội để thoả niềm đam mê mà lâu rồi đành xếp lại, và cũng để thoả nỗi nhớ má nữa, má ơi!".
Nhà thơ BT Áo Tím tên thật là Trần Thị Bé Tư (1949-2022), nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Phường 5, thị xã Cà Mau, nay là Trường Tiểu học Quang Trung (từ 1972 -1995); hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Cà Mau.
Bà sáng tác thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Suốt một hành trình dài gắn bó với thơ ca bà đã để lại cho đời rất nhiều bài thơ hay. Trong đó, đã xuất bản tập thơ “Tự tình” (NXB Phương Ðông, năm 2011), nhiều tập thơ in chung và nhiều bài thơ được đăng trên các báo, tạp chí…
(*) Một câu thơ trong bài “Cầm tay thơ” của Nhà thơ BT Áo Tím
Minh Hoàng Phúc lược ghi