Là một nước nông nghiệp, bước chân ra tới sân là đã thấy cây, thấy ruộng… nên trong tâm thức người Việt, cây cỏ, thiên nhiên, rau trái quanh nhà đi vào lời ăn, tiếng nói, tình cảm ghét thương và cả trong ca dao, câu hò, lời ca, tiếng hát…
Là một nước nông nghiệp, bước chân ra tới sân là đã thấy cây, thấy ruộng… nên trong tâm thức người Việt, cây cỏ, thiên nhiên, rau trái quanh nhà đi vào lời ăn, tiếng nói, tình cảm ghét thương và cả trong ca dao, câu hò, lời ca, tiếng hát…
Câu cửa miệng “Ðói ăn rau, đau uống thuốc” hầu như ai cũng biết, nhưng “ứng dụng” rau cỏ vào từng món ăn sao cho đúng vị theo kiểu “Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…” thì hẳn đó là cách dạy của mẹ, của bà dành cho con gái trong nhà về kinh nghiệm nấu nướng, nội trợ. Hay như trong cả lời ru “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay” nghe qua tưởng đó chỉ là mớ rau răm, vài ba cây cải hay ăn hằng ngày, nhưng ẩn sau đó là cả một câu chuyện sầu thương về thân phận một người thiếu phụ vốn là bậc mẫu nghi thiên hạ mà cuối đời lại chịu số phận luỵ phiền, bi thảm.
![]() |
Minh hoạ: HOÀNG VŨ |
Bởi thế nên người ta “còn thương rau đắng mọc sau hè”, con gái đi lấy chồng xa ngoài nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ nhà, nhớ luôn cả bông điên điển, rau ngổ, vạt cải, giàn bầu, dây bí… Chàng thanh niên mới lớn thì “Ðưa tay anh ngắt cọng ngò/Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”, hay “bạo miệng” hơn một chút thì cũng lấy luống khoai, vài dây dưa gang mà bắt chuyện “Trên đất giồng mình trồng khoai lang/Trên đất giồng mình trồng dưa gang/Hỡi cô gánh nước đường xa/Còn bao là bao gánh nữa, để qua là qua gánh giùm” để rồi nên duyên hò hẹn.
Ðể ý sẽ thấy, nếu như trong những bản tình ca, những nụ hồng rực rỡ, hoa quỳnh ngát hương hay thuỷ tiên kiêu kỳ… thường được các nhạc sĩ đưa vào trong nhạc thì trong ca dao, trong lời ăn, tiếng nói của mình, bà con miền quê cũng yêu hoa, nhưng có phần “yêu” những loài hoa… ăn được như bông điên điển, bông bí vàng, bông so đũa… và cả rau, cải, hành, ngò… cũng đi vào lời ca, tiếng hát một cách rất “ngọt”, rất tự nhiên mà vô cùng tình cảm.
Những ai từng lỡ duyên, lỡ nợ, khi nghe bài “Bông bí vàng ngoài giàn, công em trồng anh không hái. Trời sa mưa bông kết trái. Từ đó buồn, em buồn” hẳn sẽ thấy lòng thổn thức, xốn xang. Hay như “Ai cách xa cội nguồn ngồi một mình/Nhớ luỹ tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh” nghe sao mà thấy thương, thấy nhớ…
Lan man chợt nhớ về những hội chợ ẩm thực miền Tây được tổ chức tại các thành phố lớn, thể nào cũng có mắm kho trứ danh, món bánh xèo ăn kèm với các loại rau, hoa… đủ màu sắc. Ban tổ chức thường “cẩn thận” ghi một bảng chú giải về các loại rau, hoa, nào là lá xoài non, bông so đũa, bông điên điển, đọt cóc, bông súng, rau đắng đất… cho những thực khách mới làm quen với sự đa dạng của dân miệt sông nước theo kiểu “gặp gì ăn nấy”.
Ðể rồi giữa những tiếng “ồ, à… trời, bông/rau đó cũng ăn được hả… vậy mà tôi đâu có biết”, có một anh bạn nhà văn, ngày thường vốn xuất khẩu thành thơ, nhưng trong buổi ẩm thực hôm đó chuyển tông sang dùng ca dao, tự làm “hướng dẫn viên” cho nhóm bạn bằng cách chỉ vào từng loại rau theo kiểu “Cá kho chấm đọt nhãn lồng/Ngày má gả chồng, con vẫn nhớ quê” hoặc “Thân em như cây sầu đâu/Ngoài tươi trong héo, giữa sầu tương tư”. Rồi bỗng đâu một chàng Tây đang học tiếng Việt cất giọng hoà vào “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, làm cả nhóm tưởng như muốn bật cười nhưng rồi lại chuyển sang lằng lặng vì ai cũng có một quê nhà… để nhớ./.
Ngọc Lợi