Cùng với phong trào “3 sẵn sàng” của thanh niên, phong trào “3 nhất” trong quân đội, “Gió Ðại phong” trong nông nghiệp ở miền Bắc, đầu năm 1965, Ðại hội Ðoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam đã đề ra phong trào “5 xung phong” chống Mỹ cứu nước nhằm tập hợp mọi tầng lớp thanh niên ở cả 3 vùng: giải phóng, tạm chiếm và đô thị đánh bại cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.
Cùng với phong trào “3 sẵn sàng” của thanh niên, phong trào “3 nhất” trong quân đội, “Gió Ðại phong” trong nông nghiệp ở miền Bắc, đầu năm 1965, Ðại hội Ðoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam đã đề ra phong trào “5 xung phong” chống Mỹ cứu nước nhằm tập hợp mọi tầng lớp thanh niên ở cả 3 vùng: giải phóng, tạm chiếm và đô thị đánh bại cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.
Ðó là xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch; xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; xung phong đấu tranh chính trị, chống bắt lính; xung phong đi dân công và thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ tiền tuyến và xung phong sản xuất nông nghiệp.
Nhiệm vụ cho từng đối tượng thanh niên đã rõ ràng. Thanh niên trong quân đội xung phong đánh giỏi, thắng lớn, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ðối với thanh niên nông thôn vùng căn cứ, giải phóng thì có nhiều sự lựa chọn, hoặc xung phong tòng quân bổ sung vào các đơn vị tập trung, hoặc tham gia dân quân du kích làm nòng cốt trong chiến tranh Nhân dân; hoặc xung phong đi dân công và TNXP phục vụ tiền tuyến; hoặc sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều lương thực, của cải nuôi quân đánh giặc. Ðối với thanh niên vùng tạm chiếm và đô thị thì xung phong đấu tranh chính trị chống bắt lính, đôn quân. 1 phong trào có khả năng bao quát mọi tầng lớp thanh niên nam nữ, kể cả nhận thức, giác ngộ chính trị thời cuộc khác nhau cũng có thể tham gia.
Thanh niên xung phong với niềm tin thắng lợi. Ảnh tư liệu |
Phong trào "5 xung phong" đã giúp cho các cấp bộ Ðoàn từ tỉnh đến cơ sở đều có khả năng vận dụng phổ biến, tập hợp thanh niên dưới mọi hình thức như tuyên truyền nhỏ lẻ, hái hoa dân chủ đến cắm trại, các buổi văn nghệ. Ðặc biệt, phong trào này còn giúp các cấp uỷ Ðảng chỉ đạo phong trào hành động cách mạng trong thanh niên thông qua các nội dung của nó.
Trong các năm 1965-1968 có thể gọi là đỉnh cao của phong trào "5 xung phong". Hàng ngàn thanh niên tòng quân, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, chuẩn bị cho Tết Mậu Thân 1968. Tháng 5/1965, Ðại hội TNXP Nguyễn Việt Khái I đã làm lễ xuất quân về “R”. Sau đó, Ðại hội TNXP Nguyễn Việt Khái II và III cũng được thành lập với bộ khung lãnh đạo, chỉ huy là cán bộ Ðoàn, làm nòng cốt trong Liên đội I TNXP Tây Nam Bộ. Hàng trăm TNXP, hầu hết là nữ, có người tuổi đời từ 15, 16 đã trở thành người chiến sĩ thực thụ, gánh trên vai 2 nhiệm vụ chiến đấu để phá vây, mở đường vận chuyển; vận chuyển vũ khí và các khí tài khác phục vụ chiến đấu của quân, dân miền Tây Nam Bộ.
1 đội TNXP hoạt động vùng ven thị xã, ấp chiến lược cũng được thành lập, hỗ trợ quần chúng phá kềm, phá ấp chiến lược, trở về ruộng vườn sản xuất và chiến đấu, rút thanh niên ra vùng giải phóng, tránh bắt lính đôn quân và hướng dẫn hành động cách mạng.
Từ chiều sâu của phong trào "5 xung phong", phong trào toàn dân xây dựng ấp, xã chiến đấu, cắm cọc chống trực thăng đổ quân mà thanh niên là nòng cốt. Hàng ngàn cuộc đấu tranh chính trị trực diện với hàng vạn người tham gia có phần lớn là nữ thanh niên, chống bắt lính, đôn quân, chống bắt giết người vô tội, đòi dân sinh dân chủ. Nhiều thanh niên trong vùng giải phóng có khi phải phát cỏ, cấy lúa, gặt hái ban đêm để tránh máy bay địch.
Những năm ác liệt, cam go nhất của cách mạng miền Nam 1969-1971, Trường Bồi dưỡng cán bộ của Tỉnh đoàn vẫn mở, khi thì ở Xẻo Ðước - Phú Mỹ, khi thì Rạch Chèo - Tân Hưng Tây, khi thì ở kinh Tư Là - Năm Căn. Mái lá che mưa nắng, vạc nằm bằng róng đước; mò cá, bắt cua tự lo bữa ăn. Phong trào "5 xung phong" chống Mỹ cứu nước trở thành nội dung chính khoá. Hàng trăm cán bộ được bồi dưỡng trở về cơ sở làm tăng thêm sức truyền lửa cho phong trào "5 xung phong". Các cán bộ chủ chốt của Tỉnh đoàn như Lâm Chí Khảm (Út Cũ), Phó Bí thư Tỉnh đoàn, được điều làm chính trị viên Tiểu đoàn U Minh 2, Ngô Quang Nhơn (Tư Ðạo) làm Chính trị viên Tiểu đoàn U Minh 3. Cuộc biểu dương lực lượng với quy mô gần 1 vạn thanh niên từ các nơi kéo về Trần Mót - Tân Hưng kỷ niệm 42 năm thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, chào mừng thắng lợi Hiệp định Paris làm tăng thêm hào khí sức trẻ. Với khẩu hiệu “Xung phong lên trước, lướt mọi gian nguy, đâu cần cũng đi, tiến lên dứt điểm” đã tiến đến mùa xuân 1975 đại thắng.
Từ chiều sâu của phong trào "5 xung phong", những thanh niên Cà Mau trong Liên đội 1 TNXP Tây Nam Bộ bằng máu xương, mồ hôi và cả nước mắt vượt qua mưa bom, bão đạn, đói cơm, khát nước, bệnh tật đã biến con đường 1C thành huyền thoại, thành sự ngưỡng mộ, có khi đến thán phục của những người đã từng trải qua 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Sự vinh danh những Anh hùng lực lượng vũ trang như Nguyễn Thị Hồng Láng, Nguyễn Thị Ðẹp, Hồ Thị Kỷ, Dương Thị Cẩm Vân và hàng trăm anh hùng khác là việc làm công bằng với lịch sử. Tôi đặc biệt chú ý rất nhiều tấm gương và phẩm chất anh hùng khác không bao giờ được xướng tên như Ðoàn Văn Hiệp (Năm Nhựt) nhân viên mã thám của Văn phòng Tỉnh uỷ Cà Mau. Ðoàn Văn Hiệp đã kịp thời cung cấp thông tin địch ở Ðặc khu Bình Hưng hành quân biệt kích vào khu vùng 388 theo hướng Ðòn Dong - Tân Quảng đánh phá trại giam của ta, giải thoát tù binh, tề điệp gian ác bị giam giữ cải tạo để bộ đội ta phục kích tiêu diệt gọn Tiểu đoàn bảo an 47 và 1 trung đội thám báo khét tiếng gian ác có cố vấn Mỹ và tên Thiếu tá Hồ, Tiểu đoàn trưởng, bắt sống hàng chục tên, có 1 cố vấn Mỹ, bảo toàn khu căn cứ vào ngày 5/7/1966.
3 tháng sau, anh cũng đã báo tin cho hội nghị Tỉnh uỷ ở Bù Mắt - Năm Căn tránh được đợt ném bom của máy bay địch. Trên đường về lán làm việc, anh đã hy sinh trong trận bom đó ở tuổi còn rất trẻ.
Năm Tuấn cán bộ phụ trách đô thị của Tỉnh đoàn đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 ở mũi tiến công vào phường 11 (cũ). 4 con người cường tráng, nhiệt huyết, phơi phới sức trẻ Nguyễn Minh Lối, Mười Thâm và 2 cán bộ thiếu nhi Bùi Thanh Thế, Huỳnh Chí Nam trong 1 chuyến qua sông định mệnh đêm 21/7/1969 ở vàm Rạch Ruộng - Sông Ðốc; Cỗ Minh Thắng cán bộ Tỉnh đoàn ở Bảy Ghe - Khánh Bình Tây (cũ).
Chiến tranh kết thúc, phong trào "5 xung phong" đã thấm sâu trong hàng vạn thanh niên Cà Mau suốt quá trình 10 năm, góp phần hình thành 1 lực lượng không gì ngăn cản nổi trong đại thắng mùa xuân 1975. Thắng lợi trong chiến tranh bao giờ cũng đánh đổi bằng xương máu, sẽ không thể kể hết. Bởi, trong tất cả các xã, phường, thị trấn ở Cà Mau đều có bia ghi danh những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong hàng ngàn người con trai, con gái đó đã đem tuổi xuân của mình quyết sống ngang tầm vóc của thời đại, vì phong trào "5 xung phong"./.
Nguyễn Thái Thuận, nguyên UVTV Tỉnh đoàn Cà Mau