(CMO) Đầu năm 2022, nghe tin quê hương Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, trang trọng đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái (ấp Cái Bát), lòng chúng tôi chộn rộn nỗi vui chung. Tròn 60 năm, kể từ chiến công bắn rơi 4 máy bay CH47 (sâu rọm) với 8 phát súng cạc-bin của người anh hùng du kích, một lần nữa, sự ghi nhận, vinh danh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã làm cho câu chuyện huyền thoại năm nào đi vào bất tử.
Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái (ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân) - một địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng vẻ vang và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Cà Mau. Ảnh: QUỐC RIN |
Những mẩu chuyện nhỏ về người anh hùng
Chân dung người anh hùng du kích Nguyễn Việt Khái được phác hoạ bằng sự mến thương, kính phục của đồng bào, đồng chí từng tiếp xúc, kề vai sát cánh trong đời sống, chiến đấu với ông, nhất là ở mảnh đất chôn nhau cắt rốn Tân Hưng Tây.
Tên khai sinh của anh hùng Nguyễn Việt Khái là Nguyễn Văn Huôi, sinh năm 1940 (có tư liệu viết là năm 1939). Cha, mẹ của ông Nguyễn Việt Khái là ông Nguyễn Văn Bằng và bà Nguyễn Thị Khả. Ông sinh ra trong gia đình bần cố nông, từng ở đợ cho địa chủ Xã Đậu tại ngã tư Tân Quảng, có 7 anh chị em (5 trai, 2 gái). Về sau này, cả 5 anh em trai của ông Nguyễn Việt Khái đều tham gia bộ đội.
Theo lời kể của ông Ngô Văn Nhị, ấp Cái Bát, năm nay 74 tuổi, thì: “Ông Ba Khái (cách gọi theo thứ của gia đình) là con trai lớn trong nhà, hơn tôi khoảng 7, 8 tuổi. Ấn tượng của tôi về anh Ba Khái là người vui vẻ, hoạt bát, cởi mở, đặc biệt là có cảm tình, yêu mến, gần gũi đối với những thanh thiếu niên trẻ tuổi ở xóm làng”. Cũng theo ông Nhị, việc ông Ba Khái có vợ, con vẫn xung phong thoát ly đi du kích xã Tân Hưng Tây là điều khiến bà con hết sức khâm phục. “Có lẽ cảm tình cách mạng của gia đình ông Ba Khái bắt đầu từ việc được Đảng, Nhà nước phân chia ruộng đất để sống đời của người dân một nước độc lập, tự do sau thời kỳ 9 năm (kháng chiến chống Pháp). Hơn nữa, chứng kiến tội ác dã man của giặc thù ở biệt khu Hải Yến - Bình Hưng, khiến cho ông Ba Khái quyết chí cầm súng đánh đuổi giặc thù”, ông Nhị tâm tình.
Năm 1959, bà Lê Thị Xuyến, tức Hai Trung, Mẹ Việt Nam anh hùng, Bí thư Chi bộ ấp Tân Quảng, nhìn thấy ở Nguyễn Việt Khái tố chất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung nên xây dựng Ba Khái làm nòng cốt thanh niên, kết nạp vào Đoàn. Có lần Ba Khái bắn chết 1 tên giặc, bọn địch lấy thây họp dân, rêu rao luận điệu xuyên tạc, tố Việt cộng giết người, gây dư luận không tốt. Khi bị kiểm thảo, Ba Khái nói: “Nếu tổ chức cần thiết thì kỷ luật. Lúc nó chửi Đảng, tôi đã ráng nhịn được, nhưng khi nó chửi Bác Hồ tôi không thể chịu đựng nổi nữa”.
Một chiến sĩ du kích yêu đời, lạc quan, ham học hỏi cũng được tái hiện qua đôi dòng nhật ký lãng mạn cách mạng của Ba Khái lúc sinh thời:
“Vườn hoa văn nghệ đượm màu xinh
Hoa đẹp, nhuỵ thơm thắm thía tình
Gắng chí sưu tầm nghiên bút đỏ
Để làm công cụ dựng hoà bình”
Năm 1961, Ba Khái là ấp đội trưởng, đến năm 1962 được giao nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, lãnh đạo và chỉ huy lực lượng du kích xã Tân Hưng Tây.
Đầu năm 1962, trong một trận càn, bọn địch ở chi khu Bình Hưng (tên gọi khác của biệt khu Hải Yến - Bình Hưng) tập trung khoảng 600 quân, chia làm 3 cánh nhằm đánh úp cơ quan chỉ huy xã, tiêu diệt lực lượng du kích, cướp của và dồn dân vào ấp chiến lược. Ở thế bất ngờ, phía ta 10 đồng chí du kích hy sinh. Ba Khái bình tĩnh tổ chức đội hình, đánh trả quyết liệt, ghìm chân địch từ nửa đêm hôm trước đến hết ngày hôm sau. Gặp kháng cự, bị tổn thất nặng nề, lũ ác ôn Bình Hưng phải rút quân, phá sản trận càn.
Cũng cần nói thêm, chi khu Bình Hưng với tên Nguyễn Lạc Hoá đội lốt tôn giáo cầm đầu được sự hậu thuẫn và nhận chỉ đạo trực tiếp từ phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm, được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, khét tiếng ác ôn, thủ đoạn thâm độc. Chính ở biệt khu Hải Yến - Bình Hưng, nơi Mỹ gọi là “ngôi sao của tự do”, những tội ác dã man, phi nhân tính nhất của giặc đã được phơi bày rùng rợn: đập đầu, uống máu, ăn gan, nuốt mật đồng loại. Tại biệt khu Hải Yến - Bình Hưng, có cây cầu được gọi là “cầu vĩnh biệt”, những người đi qua đó đều bị giặc thủ tiêu. Sau giải phóng, trên nền biệt khu, những ụ xương trắng của đồng bào, chiến sĩ cách mạng được bốc dỡ lên với niềm đau đớn, căm hờn thấu tận trời xanh.
Chiến công vang dội
Sáng sớm ngày 8/12/1962, Mỹ - Diệm dùng chiến thuật “trực thăng vận” (tên gọi khác là “Phượng hoàng vồ mồi”, “kỵ binh bay”) quần thảo chỉ đường, đổ quân với hàng chục máy bay CH47 (sâu rọm) vùng Cái Bát, Rạch Chèo, Tân Hưng Tây. Thêm vào đó, khoảng 500 quân của biệt khu Hải Yến - Bình Hưng mở càn phối thuộc, tạo vòng vây hòng tiêu diệt đầu não cách mạng của Tân Hưng Tây. Theo lời ông Ngô Văn Nhị, lúc đó trú ẩn tránh giặc gần khu vực đóng quân của du kích xã Tân Hưng Tây ở Kênh Năm, diễn biến trận đánh có nhiều yếu tố bất ngờ: “Nhận định giặc đổ quân phía Tân Quảng, anh Ba Khái tổ chức một tổ chặn đường đón đánh địch, ở đơn vị chỉ còn lại 2 người là anh Ba Khái và anh Sáu Hoà trực tác chiến, chỉ huy. Bất ngờ, máy bay giặc đổi hướng, quay đầu, dàn trận đổ quân ngay nơi đơn vị du kích Tân Hưng Tây tại Kênh Năm”.
Cũng theo ông Nhị, “trước tình thế quá bất ngờ, cả Ba Khái và Sáu Hoà rút lui ra phía rẫy của người dân, anh Sáu Hoà chạy lọt tới rìa hậu, còn Ba Khái lọt ngay trận địa đổ quân. Trên đầu “sâu rọm” cách chừng 3 tầm, dàn thành hàng chuẩn bị đổ quân. Lúc này, Ba Khái nguỵ trang bằng cách đắp dây khoai lên người, bình tĩnh ứng biến. Rồi Ba Khái ngắm nghía kỹ càng, bắn 8 phát cạc-bin, mỗi chiếc “sâu rọm” ăn 2 viên. Đội hình bay của giặc tán loạn, 1 chiếc rơi tại chỗ, 1 chiếc lê lết được đến mé bên này rừng, rớt ở kênh Ông Xe, 2 chiếc khác cố bay về và rớt ở Cỏ Xước (nay thuộc xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời). Toàn bộ cuộc càn quân “trực thăng vận” tan tác, tháo chạy”.
Người dân vùng Cái Bát mô tả: “Khi giặc lui quân, xác máy bay tại rẫy khoai Kênh Năm loang lỗ màu máu bầm, nhang do giặc cắm rải đều khắp rẫy khoai”. Trận đánh rơi 4 máy bay “sâu rọm”, với chỉ 8 phát súng của anh hùng Nguyễn Việt Khái theo ông Nhị là “sự ứng biến trong tình huống bất ngờ, xuất phát từ bản lĩnh can trường, dũng cảm của cá nhân anh Ba Khái, không có kế hoạch tác chiến từ đầu, cũng không kịp nhận được sự yểm trợ của lực lượng phía ta. Bởi vậy, chiến công này là độc nhất vô nhị”.
Ngay sau chiến công vang dội này, Tân Hưng Tây mở cuộc mít tinh lớn (theo chủ trương của Tỉnh uỷ), bà con khiêng vác những bộ phận của trực thăng rơi tại Kênh Năm đến sân ông Sáu Bèo để mừng công. Theo mô tả của ông Nhị, có khoảng 2.000 người đến dự. Lễ mít tinh tuyên dương và mời ông Ba Khái lên khán đài trình bày rõ trường hợp nổ súng, kêu gọi tinh thần yêu nước của Nhân dân, cổ vũ thanh niên lên đường cầm súng giết giặc thù, giải phóng quê hương. “Đại để trong bài nói, ông Ba Khái không nhận công lao riêng mình, mà là chiến thắng chung của cách mạng, của quê hương. Điều hay nhất mà anh Ba Khái làm được đó là chứng minh súng nào cũng bắn rơi được máy bay, người nào cũng có thể thành dũng sĩ diệt máy bay, xoá tan nỗi sợ hãi của bà con về chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ - Diệm”, ông Nhị thuật lại.
Cảm hứng từ chiến công của anh hùng Nguyễn Việt Khái thật lớn lao. Có thể thấy dư âm ấy trong bóng dáng “chuyện một người săn máy bay” trên trang viết của liệt sĩ, nhà văn Lê Vĩnh Hoà. Thậm chí, phảng phất ở câu chuyện dân gian Bác Ba Phi được ứng tác thành hình trong kháng chiến, có chi tiết “dao mác vót chém trực thăng”. Cảm hứng của chiến công ấy vẫn vang lên trong nhiều sáng tác văn học - nghệ thuật của người Cà Mau từ lớp này sang lớp khác, đến tận hôm nay và cả mai sau...
Tháng 10/1963, ông Ba Khái hy sinh trong trận công đồn Vàm Cái Tàu. Khi đó ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung đội phó Trung đội 3, Đại đội Quyết chiến thuộc Tiểu đoàn U Minh 2. Ông Ba Khái đã sống và chết vì quê hương, Tổ quốc, với tư thế chiến đấu và chiến thắng của một anh hùng.
Ngày 5/5/1965, ông Ba Khái được truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Vùng Tân Quảng, nơi ông sinh ra, sau này được đặt thành xã mang tên ông - xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân.
Ông Lương Minh Trường, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Tây, cho biết: “Khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái được hoàn thành vào năm 2009. Tại đây, hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tân Hưng Tây tổ chức ngày giỗ của ông (15/10); đây cũng là địa điểm các tổ chức, đoàn thể, địa phương và Nhân dân tổ chức các cuộc về nguồn nhân những ngày lễ lớn của đất nước. Di tích có diện tích hơn 1.000 m2, do gia đình ông Phạm Quốc Hùng hiến tặng. Địa điểm di tích hiện nay là nơi ngày xưa chiếc “sâu rọm” bị ông Ba Khái bắn rơi tại chỗ. Tân Hưng Tây vô cùng vui mừng, tự hào khi địa phương có một di tích gắn liền với tên tuổi và chiến công lừng lẫy của dũng sĩ diệt máy bay - Anh hùng Nguyễn Việt Khái”.
Ghi chép của Phạm Quốc Rin