Nhằm tôn vinh âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà, tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề “Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.
Ngày 3/9/1960, tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng Nhân dân Thủ đô hát Bài ca kết đoàn chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Với ý nghĩa đó, ngày 26/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 3/9 hằng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam.
Tiết mục khai từ: Niềm tin thống nhất (thơ: Trần Hiếu Hùng, nhạc: Nguyễn Ngọc Hiện, biên đạo: Phúc Tuấn, biểu diễn: tốp ca múa).
Phát biểu tại đêm nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Tiêu Minh Tiên nhấn mạnh: “Trong đời sống xã hội, âm nhạc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là “món ăn tinh thần” phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Âm nhạc đồng thời khẳng định vai trò qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử và quá trình phát triển của quê hương, đất nước. Như khẳng định của nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội âm nhạc Việt Nam: “Khi âm nhạc cất lên, xoá nhoà mọi ranh giới về ngôn ngữ, không còn hận thù, ở đâu có âm nhạc, ở đó có sự lan toả tình yêu thương”".
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi".
Phân hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau hiện có 29 hội viên hoạt động sôi nổi, thường xuyên có nhiều tác phẩm mới, đóng góp cho hoạt động âm nhạc của địa phương và cả nước. Từ năm 2023 đến nay, có hơn 40 ca khúc mới được sáng tác, với 2 giải thưởng âm nhạc quốc gia và nhiều giải thưởng âm nhạc cấp tỉnh và khu vực. Các thế hệ nhạc sĩ Cà Mau đã đóng góp quan trọng qua các thời kỳ đấu tranh, xây dựng và phát triển quê hương. Nhiều nhạc sĩ đã cống hiến cả cuộc đời, để lại nhiều tác phẩm gắn liền với mảnh đất, con người Cà Mau. Chúng ta không thể quên các nhạc sĩ tiền bối như: Lê Lương, Lê Quang Phong, Thanh Trúc, Thanh Trần, Thanh Hoà, Thanh Tâm, Lê Hoàng Bửu… và những nhạc sĩ có sáng tác về Cà Mau, đóng góp nhiều ca khúc đi vào lòng người, vang mãi ký ức, tâm hồn của người Cà Mau như ca khúc "Về Đất Mũi" của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, "Lãng mạn Cà Mau" của Phạm Minh Tuấn, "Trên quê hương Minh Hải" của Nhạc sĩ Phan Nhân, "Gởi về nơi cuối đất" của Vũ Đức Sao Biển, "Dịu dàng Cà Mau của Nhạc sĩ Hoàng Bửu…
Ông Tiêu Minh Tiên (thứ 4 từ phải sang) và ông Lê Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau (thứ 4 từ trái sang) tặng hoa cho các tác giả có tác phẩm trong Chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”.
Ngày Âm nhạc Việt Nam không chỉ là dịp để tôn vinh những thành tựu và cống hiến của các thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, mà còn là cơ hội cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển của âm nhạc Việt Nam nói chung, hoạt động âm nhạc trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng.
Trong chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”, các ca sĩ, diễn viên múa đã trình diễn 10 tiết mục đặc sắc, đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
"Làm theo lời dạy của Người" (sáng tác Lữ Minh Ngọc, biểu diễn: Viết Tuyền).
"Thành phố cuối trời phương Nam" (sáng tác: Đặng Quốc Hưng, biểu diễn: tốp ca nữ).
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Để tặng hoa ca sĩ Nguyệt Sơn và Bách Dương sau khi 2 ca sĩ thể hiện ca khúc "Lung linh Đá Bạc".
"Hoa đỏ tháng tư" (thơ: Bùi Quốc Thắng; nhạc: Sỹ Nhâm, biểu diễn: Mã Anh Dũng).
"Tuổi trẻ vững bước" (sáng tác: Ngô Thành Công, biểu diễn: tốp ca).
Đơn ca "Về quê em nhé!" (sáng tác: Sam Lee, biên đạo: Bích Ngọc, biểu diễn: Sam Le cùng nhóm múa).
"Hy vọng" (sáng tác: Lê Vụ Viết Thịnh, biểu diễn: Thanh Tâm - Nguyên Phương).
"Cà Mau thành phố trẻ" (sáng tác Lê Hoàng Bửu, biên đạo: Huỳnh Như, biểu diễn: tốp ca múa).
Huỳnh Lâm