Ðảng uỷ - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo toàn đơn vị làm tốt công tác vận động quần chúng. Bộ đội Biên phòng tăng cường lực lượng bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Nhân dân để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, phát huy được sức mạnh và lòng tin của Nhân dân.
Ðảng uỷ - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo toàn đơn vị làm tốt công tác vận động quần chúng. Bộ đội Biên phòng tăng cường lực lượng bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Nhân dân để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, phát huy được sức mạnh và lòng tin của Nhân dân.
Địa bàn biên giới biển tỉnh Cà Mau có 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển, có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế biển và nuôi trồng thuỷ sản. Do yếu tố địa lý, dân cư phân bố không đều nên số hộ thiếu đất sản xuất, số hộ nghèo vẫn còn cao so với các địa bàn nội địa, đặc biệt những hộ dân di cư từ các nơi khác về cư trú sinh sống. Là những chiến sĩ ngày đêm sát cánh bên Nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Cà Mau rất thấu hiểu từng hoàn cảnh của người dân nơi đây.
Người dân ấp Bảo Vĩ, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt tại vùng mặn. |
Gia đình ông Ngô Văn Màu, ngụ Khóm 6B, anh Nguyễn Thanh Phương, ngụ Khóm 6A, thị trấn Sông Ðốc, là 2 trong nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nhất trên địa bàn đóng quân của Ðồn Biên phòng Sông Ðốc. Ông Màu bị tai biến cách đây hơn 15 năm không thể lao động và cuộc sống của 3 cha con ông Màu đều nhờ vào sự cưu mang của hàng xóm và cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Sông Ðốc. Từ ký gạo, viên thuốc đến căn nhà cũng do bộ đội biên phòng xây cất trao tặng.
Cùng hoàn cảnh nghèo khó, tật nguyền, nhưng anh Phương còn có người vợ sớm hôm chia sẻ khó khăn, cùng nhau vươn lên. Trong căn nhà gỗ, lợp tôn xi-măng rộng trên 50 m2, phía sau có chuồng nuôi heo, phía trước đóng vỉ phơi cá khô bán cho dân trong vùng, cuộc sống chưa được trọn vẹn, nhưng với vợ chồng anh Phương đã rất hạnh phúc.
Sửa lại tư thế ngồi vì đôi bàn chân tật nguyền, anh Nguyễn Thanh Phương tâm sự: "Tôi sinh ra đã không được may mắn như người khác, gia đình đã nghèo, bản thân bị tật bẩm sinh, 2 chân không đi được, chịu nhiều thiệt thòi. Từ nhiều năm nay, Ðồn Biên phòng Sông Ðốc luôn đồng hành hỗ trợ, động viên để gia đình có thêm nghị lực vươn lên trong lao động, Ðồn Biên phòng Sông Ðốc đã bảo lãnh cho vay vốn chăn nuôi heo, mua dụng cụ đóng vỉ phơi cá khô bán cho dân trong vùng, nhờ vậy cuộc sống gia đình đã thoát khỏi đói nghèo, hai đứa con có điều kiện ăn học, gia đình luôn mang ơn anh em ở Ðồn Biên phòng Sông Ðốc".
Tuy chỉ ở cách đất liền 17 hải lý, nhưng cuộc sống của cư dân ở đảo Hòn Chuối còn quá nhiều gian nan, vất vả. Tất cả vì cuộc sống hằng ngày mà họ phó mặc cho ngày tháng trôi qua, chỉ mong sao con cái khoẻ mạnh, phụ giúp được nhiều việc. Thế nhưng bộ đội biên phòng không thể bỏ mặc các em và lớp học tình thương do những người lính dạy đã ra đời và duy trì hàng chục năm nay. Từ lớp học này hiện nay đã có nhiều em vào bờ học lên đại học và có việc làm ổn định, số ở lại đảo cũng đọc thông, viết thạo, biết tính toán con số nhân, chia.
Thực hiện Nghị quyết số 24, ngày 20/12/1998 của Ðảng uỷ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác cán bộ tăng cường tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh các xã, thị trấn biên giới, năm 1999, Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã điều động 12 sĩ quan tăng cường cho các xã, thị trấn ven biển. Ðến nay, hầu hết sĩ quan được tăng cường đều phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tham mưu cho địa phương nhiều chủ trương, giải pháp trong củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hà, Ðồn Biên phòng Tam Giang Tây, về phụ trách địa bàn cùng tham gia sinh hoạt tại Chi bộ ấp Bảo Vĩ từ năm 2015. Ông Lý Công Thành, Bí thư Chi bộ ấp Bảo Vĩ, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, cho biết, cách đây 2 năm, ấp Bảo Vĩ chưa có đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể. Thiếu đảng viên, Ðảng uỷ xã phải phân công thêm đảng viên về tham gia sinh hoạt, đồng chí Hà đã giúp ấp Bảo Vĩ kiện toàn về hệ thống chính trị, đồng thời phát triển thêm 1 đảng viên mới.
Những việc làm mang ý nghĩa thiết thực của những người lính vùng biên không chỉ mang lợi ích trực tiếp cho những hộ dân nghèo mà còn mang ý nghĩa quan trọng là cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước ta trong thực hiện chính sách xã hội đối với Nhân dân trên địa bàn biên giới biển./.
Bài và ảnh: Anh Vy