(CMO) Không có trường hợp nào ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết; hàng trăm lượt thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trước, trong và cả sau Tết đã được triển khai ráo riết; nhiều cơ sở vi phạm được xử lý, nhắc nhở theo từng mức độ, đó là kết quả đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, tạo được những chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao ý thức của người dân về sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
“Công tác giám sát ATTP được triển khai trên toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền về ATTP cho người dân, người sản xuất, kinh doanh liên quan đến thực phẩm được đẩy mạnh. Thông tin về nguy cơ mất ATTP ở các sản phẩm thực phẩm được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin và thông qua các lớp tập huấn kiến thức ATTP, các đợt kiểm tra, hậu kiểm. Nhờ đó, đã kịp thời phát hiện nguy cơ gây mất ATTP để cảnh báo đến người tiêu dùng”, Bác sĩ Trần Quang Khoá, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết.
Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. |
Hiện toàn tỉnh có 11.851 cơ sở kinh doanh thực phẩm, ăn uống. Trong đó, số cơ sở có giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện/tổng số cơ sở phải cấp GCN là 1.695 cơ sở. Ðể đảm bảo công tác ATTP, tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập 488 đoàn thanh tra, kiểm tra, tiến hành kiểm tra gần 6.400 cơ sở với 8.260 sản phẩm. Qua đó, phát hiện 669 lượt vi phạm, chiếm 10,45%, giảm so với cùng kỳ năm trước. Xử lý phạt hành chính 11 cơ sở, nhắc nhở 658 cơ sở. “Các lỗi vi phạm chủ yếu là vệ sinh chưa đạt, sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc, không khám sức khoẻ cho nhân viên. Ðặc biệt, số cơ sở vi phạm tập trung ở các cơ sở nhỏ lẻ, số lượng hàng hoá vi phạm ít, giá trị nhỏ, nên biện pháp xử lý chủ yếu là nhắc nhở”, ông Trần Quang Khoá lý giải.
Bên cạnh đó, ngành y tế còn đẩy mạnh giám sát ô nhiễm thực phẩm, đã lấy 828 mẫu, thực hiện 867 lần test, trong đó có 60 mẫu test không đạt, chiếm 6,9%. Tiến hành xét nghiệm trên 5.600 mẫu hoá - lý - vi sinh (cùng kỳ 7.665 mẫu), có 638 mẫu không đạt, chiếm 11,3% (cùng kỳ 3,2%). Ðồng thời, cấp mới 235 GCN và cấp lại 228 GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Ngoài việc kiểm tra, giám sát thường xuyên các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh, trong năm 2022 ngành chức năng còn giám sát, đảm bảo ATTP trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện diễn ra trong tỉnh; kiểm tra, giám sát chất lượng nước uống tại các trường học có trang bị hệ thống lọc nước dùng trực tiếp trên địa bàn; tham gia cùng đoàn liên ngành kiểm tra ATTP trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022.
Theo đó, hướng dẫn, cung cấp Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Quốc tế… và các văn bản liên quan đến chất lượng ATTP cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Tư vấn cho các cơ sở tự lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm.
Ở các trường học, công tác đảm bảo ATTP cho trẻ luôn được chú trọng. |
Dù vậy, trong năm 2022 cũng ghi nhận 14 người ngộ độc thức ăn (giảm so năm 2021 với 22 người). Ðáng chú ý, xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại ấp Tân Hiệp, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, có 6 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.
Ông Trần Quang Khoá chia sẻ, công tác ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Trong đó, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, bảo quản thực phẩm… còn lạc hậu; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chủ quan nên một số công đoạn trong sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP.
Việc nhận thức trách nhiệm trong thực hiện, duy trì điều kiện đảm bảo ATTP xuyên suốt trong quá trình sản xuất, kinh doanh của một số cơ sở sau khi đã được cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP còn hạn chế, vẫn còn mang tính đối phó khi có đoàn đến kiểm tra.
Các thực phẩm test nhanh không đạt (hải sản qua muối ướp, dầu mỡ đã chiên, rán...) thuộc các địa điểm bán hàng nhỏ lẻ, thời vụ, đường phố, địa điểm không cố định dẫn đến khó khăn cho việc lấy mẫu.
Ngoài ra, đối với các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, việc tự trang bị kiến thức về ATTP cho người tiếp xúc với thực phẩm, thực hiện các hồ sơ tự công bố sản phẩm và kiểm soát chất lượng sản phẩm của cơ sở còn gặp khó khăn.
Theo Nghị định số 15/2018/NÐ-CP, ngày 2/2/2018, các cơ sở dịch vụ ăn uống có giấy phép kinh doanh được cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP, song, do điều kiện của các cơ sở này quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc thẩm định cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các đối tượng này còn đang gặp khó khăn.
Ông Trần Quang Khoá đề nghị, ngoài đa dạng hoá công tác tuyên truyền về ATTP, cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm về ATTP, yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các cơ sở vi phạm trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Ðồng thời, liên kết tổ chức tốt công tác kiểm tra liên ngành, kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, góp phần đảm bảo ATTP cho tất cả người dân, người tiêu dùng trên địa bàn./.
Hồng Nhung