(CMO) Thời gian qua, huyện Phú Tân tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện và rộng khắp, các trục lộ chính từ huyện đến trung tâm xã đều được đầu tư xây dựng, các tuyến đường từ trung tâm các xã, thị trấn về các ấp, khóm cơ bản được bê tông hoá, nhiều công trình đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo lưu thông thuận tiện trong hai mùa mưa, nắng.
Đến nay, toàn huyện Phú Tân có gần 13.000 m đường đô thị, gần 70.000 m đường về trung tâm xã, hơn 750.000 m đường bê tông và hơn 600 cây cầu trên tuyến. Hệ thống giao thông đường bộ những năm qua phát triển mạnh. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, nhiều công trình cầu, lộ xuống cấp, hư hỏng và bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.
Ðể bảo vệ tốt hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng, tuổi thọ công trình, năm 2011, Ban Thường vụ Huyện uỷ Phú Tân ban hành Chỉ thị số 08, nay là Nghị quyết số 09 của Huyện uỷ Phú Tân, về duy tu, sửa chữa và kè chống sạt lở các tuyến giao thông bộ. Qua thời gian triển khai thực hiện, cán bộ và Nhân dân trong huyện đồng thuận cao, tạo bước đột phá trong công tác duy tu, sửa chữa đường bộ.
Năm 2022, huyện Phú Tân đã thực hiện kè chống sạt lở các công trình giao thông được hơn 81.000 m, đạt trên 136% so kế hoạch đầu năm. Hiện tại, các xã, thị trấn tiếp tục rà soát lại tình hình sạt lở trên địa bàn. Ðối với những tuyến thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở cao sẽ ưu tiên phối hợp thực hiện kè chống sạt lở trước; các tuyến còn lại cũng sẽ vận động người dân, tuỳ điều kiện của gia đình mà thực hiện kè chống sạt lở bằng bê tông hoặc cây gỗ địa phương, trồng cây chắn sóng. Qua đó, góp phần bảo vệ các công trình giao thông nông thôn và giữ phần đất của gia đình không bị sạt lở. Việc làm này mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực nên ngày càng có nhiều hộ tự nguyện thực hiện. Xã Phú Mỹ là địa phương điển hình trong thực hiện nghị quyết này.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Bí thư Chi bộ ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ, cho biết: “Chi bộ cùng với Nhân dân thường xuyên tổ chức họp trên các tuyến để triển khai cho bà con nắm chủ trương, thực hiện tốt nội dung nghị quyết. Ðến nay, đa số bà con trong ấp đều thực hiện tốt”.
Những năm trước đây, hộ ông Trần Thanh Nhã, ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ làm bờ kè bằng cây gỗ địa phương. Thông thường khoảng 2 năm là bờ kè xuống cấp phải làm lại. Ðiều kiện kinh tế phát triển, ông Nhã chuẩn bị làm bờ kè bằng bê tông để sử dụng được lâu dài.
Ông Nhã cho biết: “Với bờ kè bằng bê tông với chiều dài khoảng 100 m, tôi mua 500 cây cọc, mỗi cây trên 80.000 đồng, ước tính thực hiện bờ kè trên 100 triệu đồng”.
Ðể ngăn chặn tình trạng sạt lở đất, ông Huỳnh Công Lý, ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ đã triển khai phương án làm bờ kè chống sạt lở bằng bê tông hơn 2 năm qua, chiều dài gần 160 m, tổng trị giá trên 150 triệu đồng. Ông Lý cho biết: “Bờ kè này rất hiệu quả, không bị sạt lở đất, bảo đảm sử dụng lâu dài”.
Với chi phí trên, những hộ dân có điều kiện kinh tế mới thực hiện được, còn những gia đình hoàn cảnh khó khăn là điều không thể. Hộ ông Trần Hoàng Khải, ấp Vàm Xáng thì thực hiện kè chống sạt lở bằng cây gỗ địa phương, với chiều dài gần 80 m. Theo ông Khải, làm bờ kè thế này ít tốn chi phí, chỉ bỏ công thực hiện. Sau khi hoàn thành, sẽ trồng cây mắm để hạn chế sạt lở vì dễ trồng, có thể dùng hạt hoặc cây con, với đặc tính lớn nhanh, tàn nhỏ, sống lâu, bộ rễ chùm bám chặt trong đất nên phù hợp để trồng ven sông chống xói lở”.
Ông Huỳnh Băng Hồ, Bí thư Chi bộ ấp Vàm Xáng cũng vừa thực hiện hoàn thành bờ kè trước nhà gần 50 m. Ông Hồ cho biết: “Trước đây đã thực hiện một đoạn trồng dừa nước làm bờ kè rất hiệu quả. Nay tôi tiếp tục làm bờ kè bằng cây gỗ địa phương, sau đó sẽ trồng dừa nước hết phần bờ kè trước nhà. Tôi thấy mô hình này rất hiệu quả, dừa nước rễ rất nhiều và ăn sâu, chống sạt lở rất tốt. Ðồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế từ bán lá dừa nước, có huê lợi từ trái dừa nước”.
Ông Huỳnh Băng Hồ làm kè bằng cây gỗ địa phương để trồng dừa nước chống sạt lở. |
Còn đối với ông Trần Minh Thương, ấp Thọ Mai thì tận dụng bạt nuôi tôm công nghiệp khi không còn sử dụng dùng để làm bờ kè chống sạt lở trên 100 m. Ông Thương chia sẻ: “Trước đây phần đất trước nhà bị sạt lở, từ khi làm bờ kè bằng bạt thì đất không còn lở nữa, rất dễ làm, ít tốn chi phí, hiệu quả cao”.
Ông Trần Thanh Bạch, ấp Thọ Mai cũng làm bờ kè bằng bạt gần 40 m, cho biết: “Do bạt xin của người thân nuôi tôm công nghiệp khi không còn sử dụng nên làm bờ kè không tốn chi phí, hiệu quả cao, giữ được đất tốt. Tôi sẽ trồng thêm cây mắm để bảo đảm bờ kè được sử dụng lâu dài, hạn chế sạt lở đất”.
Hơn 2 năm qua, xã Phú Mỹ duy tu, sửa chữa trên 3.000 m lộ bê tông bị xuống cấp, kè chống sạt lở gần 20.000 m, những hộ có điều kiện thực hiện bằng bê tông, hộ không có điều kiện thì làm bằng cây gỗ địa phương, kết hợp trồng mắm, đước, dừa nước, phong trào phát triển rộng khắp.
Nhân dân ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ sửa chữa lộ để đi lại dễ dàng. |
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: “Hiện nay trong xã có nhiều mô hình thực hiện Nghị quyết số 09 đạt hiệu quả cao, nhiều công trình bờ kè bền chắc, bảo vệ các tuyến lộ. Tuỳ điều kiện của gia đình mà triển khai thực hiện, bà con nâng cao ý thức, tự giác thực hiện kè chống sạt lở, bảo vệ phần đất mặt tiền trước tuyến lộ đi qua phần đất của mình. Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai thực hiện trong dân, nhất là các tuyến lộ trọng yếu, lộ mới xây dựng… để các công trình cầu, lộ sử dụng được lâu dài hơn”.
Nghị quyết 09 của Huyện uỷ Phú Tân đáp ứng được tình hình thực trạng giao thông hiện nay, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của các cấp, các ngành và Nhân dân, được đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần đưa nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống./.
Anh Phan