(CMO) Nhân vật “Ba Giai” xuất hiện trên sóng truyền hình Cà Mau do Nghệ sĩ Đặng Lâm Triều (Hải Triều), Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Đầm Dơi thủ vai. Tính cách anh “Ba Giai” ở ngoài đời cũng y chang như nhân vật trong những vở kịch, tuồng: bình dị, dễ gần gũi, hoà đồng và pha chút hài hước.
Đúng như lời anh bạn giới thiệu với tôi: Đây là anh “Ba Giai” trên truyền hình đó! Trước giờ tôi chỉ biết anh trên tivi khi xem chương trình An toàn giao thông của Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau. Ngoài đời, “Ba Giai” rất bảnh trai, ngoại hình to cao, nước da ngăm đen. Anh nói: “Dãi dầu sương gió đó chú mầy ơi! Vui sướng gì đâu!”... Nét mặt anh có duyên và rất "nghệ sĩ", đúng chất con người và hoạt động nghề nghiệp hiện tại của anh.
Anh Hải Triều và anh Quốc Tín (Trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm) đóng cặp rất ăn ý với nhau. Giờ anh Quốc Tín không còn tham gia chương trình này, thay vào đó là Nghệ sĩ Sân khấu Nguyễn Thanh Triều (Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau) trong vai “Tú Xuất”.
Anh cho biết, anh sinh ra, lớn lên và công tác trên mảnh đất xứ Đầm. Trước đây, Đầm Dơi là xứ rừng cây rậm rạp, được bao bọc bởi những con sông, con rạch. Những dòng sông uốn khúc hiền hoà và những câu hát chứa đựng biết bao hình ảnh quê hương mượt mà, đậm tình người, tình đất: “Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng/Thương em một đời dãi nắng dầm mưa/Thương cây bần ngày đêm ru hát/Bên lở bên bồi, sông nước Đầm Dơi...”.
Đầm Dơi, vùng đất đã sinh ra những anh hùng bất khuất, những nghệ sĩ, nghệ nhân tài hoa như: Nhạc sĩ Hoàng Bửu, Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Khánh, Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Thành An (Anh Đạo), Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Kim Hương (Năm Chi), Nghệ sĩ Sân khấu Nguyễn Xuân Thơm (Xuân Thơm)... Và anh, Nghệ sĩ Hải Triều, được nhiều người biết đến với nhân vật anh “Ba Giai” hết sức gần gũi, dễ thương.
Nghệ sĩ Hải Triều tâm sự: Lúc nhỏ, mỗi lần gánh hát về quê phục vụ không đêm nào anh vắng mặt. Sau này lớn lên, "máu văn nghệ" tự nhiên ăn vào trong người tự hồi nào không hay. Trong xóm có văn nghệ phục vụ hoặc đám tiệc mà không có anh, mọi người bảo nhau thấy buồn buồn, thiếu thiếu... Nhất là những khi đám cưới về khuya, anh cất giọng hát thì từ già đến trẻ, nhất là mấy chị đang nấu nướng cũng phải bỏ công việc chạy lên nghe anh ca.
Năm 1992, anh tham gia công tác ở xã Tân Duyệt, được phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Văn hoá xã. Tại đây, anh khơi dậy phong trào văn nghệ, các hội thi ở xã, ở huyện anh đều "rinh" giải. Các anh lãnh đạo ở huyện thấy anh có năng khiếu nên rút về Phòng Văn hoá - Thông tin huyện vào năm 1994.
"Lúc bấy giờ, mình làm diễn viên, "đa hệ" lắm, thể loại nào cũng tham gia, từ ca nhạc, ca cổ, hài kịch... đều làm tuốt”, anh Triều cười tươi cho biết.
Con đường đến với nghệ thuật ngẫu nhiên nhưng cũng lắm chông gai, dù vậy, anh vẫn chấp nhận và dấn thân hết mình. Anh được các bậc tiền bối như: Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Hảnh, Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Đương, Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Khánh, Đạo diễn Trọng Sơn và thầy Đắc Thắng hướng dẫn và dàn dựng cho anh nhiều vở diễn đi vào lòng người. Đó là các vai diễn “Hải da trâu” trong vở “Sáu Thánh đổi đời” tại Sân khấu kịch ngắn tỉnh Cà Mau năm 2006, vai này anh đã đoạt giải A; vai “Hùng” trong vở “Nỗi đau của mẹ” tại Hội thi “Phòng chống bạo lực gia đình” tỉnh Cà Mau năm 2010, đoạt giải A... Vai nào được giao, anh đều tận tâm và hoàn thành tốt.
Ở các hội thi cấp khu vực và toàn quốc, anh diễn rất chắc vai, đem về nhiều huy chương cho tỉnh nhà như: Huy chương Vàng tiết mục “Con tôm ôm cây lúa” tại Liên hoan “Tiếng hát hẹn hò chín dòng sông" lần thứ XI tại Bến Tre năm 2009; Huy chương Vàng tiết mục “Ông Chệt bán nước tương” tại Liên hoan “Tiếng hát hẹn hò chín dòng sông” lần thứ XII tại Hà Nội năm 2011; Huy chương Vàng tiết mục “Lạc quan tếu!...” tại Liên hoan Sân khấu kịch ngắn, kịch vui không chuyên toàn quốc tổ chức ở Bình Dương năm 2013...
Anh trải lòng: Những thành công đã qua của anh phần lớn là nhờ vào các cô, chú, anh, chị dìu dắt; được bạn bè, đồng nghiệp, người thân, khán giả ủng hộ, khuyến khích. Vì thế, anh càng thấy trách nhiệm của mình đối với nghệ thuật.
“Ban đầu bà xã không đồng tình với nghề tôi theo đuổi, nhưng dần dần thấy được niềm đam mê, nhiệt huyết của tôi, cuối cùng bà xã cũng đồng tình ủng hộ hết mình. Một người chồng đam mê nghệ thuật, nghiệp diễn phải rày đây mai đó, có khi cả tháng về nhà được 1-2 ngày, rồi phải đi nữa, vì thế mọi công việc nhà đều do vợ chu toàn”.
Điều đáng quý ở anh là dù đã gặt hái nhiều thành công trong nghề nhưng anh vẫn không ngừng học hỏi. Ngoài những kiến thức cơ bản từ trường lớp, anh còn học ở bạn bè, đồng nghiệp và những người đi trước. Tất cả những gì học hỏi, tích góp được với anh đều là hành trang, vốn liếng quý báu để anh bước vững trên con đường nghệ thuật.
Năm 2014, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Đầm Dơi. Từ đó đến nay, ngoài nhiệm vụ quản lý, dàn dựng, anh còn đứng ra đào tạo thế hệ kế thừa của huyện, nhằm góp phần đưa sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của huyện ngày càng phát triển. 20 năm làm nghề, anh đã đúc kết nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn sống cho bản thân. Anh bắt đầu viết và dàn dựng chương trình văn nghệ quần chúng cấp huyện, đồng thời viết và dàn dựng chương trình cho nhiều hội thi trong tỉnh.
Anh "lấn sân" sang lĩnh vực truyền hình gần 4 năm nay. Với vai Ba Giai, một vai diễn hài hước trong các tiểu phẩm lồng ghép tuyên truyền về an toàn giao thông. Anh chia sẻ: "Không gì hạnh phúc bằng được làm những việc mình yêu thích". Khi được mời tham gia vai Ba Giai, anh thầm cảm ơn Đài Phát thanh - Truyền hình đã tạo cơ hội cho anh được cống hiến.
Tôi nói đùa với anh: "Dường như cái tên Hải Triều dần bị lãng quên thì phải...". Anh cười thật tươi và nói: “Giờ đi ra đường mọi người thường kêu là “Ba Giai”, chứ cái tên Hải Triều thiệt tình chỉ anh em trong ngành mới biết tới".
Anh kể: “Có bữa anh đang ngồi uống cà phê, có mấy bậc phụ huynh hỏi: Có phải chú Ba Giai không? Tôi nói: phải. Rồi được mọi người mời chụp hình lưu niệm, nhớ lại thấy hạnh phúc lắm".
Trên sân khấu, anh cố gắng thể hiện sắc nét qua từng nhân vật. Về lĩnh vực đạo diễn và dàn dựng, anh chỉn chu, hoàn thiện từng tác phẩm của mình. Nỗ lực của anh đã được đền đáp xứng đáng: năm 2008, anh được tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam, năm 2012 được tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hoá - Thể thao và Du lịch, năm 2011 anh được công nhận Đạo diễn xuất sắc tại Hội thi “Hộ tịch viên giỏi” tỉnh Cà Mau, năm 2017 anh đoạt giải A tại Hội thi kịch ngắn, chập cải lương không chuyên lần thứ V, với vai trò đạo diễn, dàn dựng tác phẩm “Ba xui, con hên”...
Năm 2003, anh được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, tham gia Hội diễn toàn quốc đoạt 4 Huy chương Vàng và cấp khu vực đoạt 4 Huy chương Vàng (lĩnh vực sân khấu). Năm 2005, anh được kết nạp hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Trong 3 nhiệm kỳ liền, anh được anh em tín nhiệm bầu đi dự Đại hội Nghệ sĩ Sân khấu toàn quốc.
Hiện anh đang ấp ủ viết và dàn dựng kịch bản về nhân vật một thời đấu tranh trực diện với kẻ thù - nữ anh hùng Tô Thị Tẻ. Đây là tác phẩm anh dành nhiều tâm huyết để thực hiện./.
Hoàng Vũ