(CMO) Xuôi dòng Cửa Lớn, chúng tôi về thăm lại Viên An. Theo dấu xưa, ở chỗ đầu doi vàm Ông Trang là “nhà việc” của bọn Pháp, Nhật, rồi sau này là nền đồn của bè lũ tay sai thời kháng chiến chống Mỹ. Sự kiện 30/4/1975, Đảng bộ, quân và dân Viên An tổ chức rước Đền thờ Bác bằng bè thuỷ lục ra thị xã Cà Mau chào mừng hoà bình, thống nhất.
Chuyến đi 7 ngày đêm đi và về, đoàn người quyết định đặt Đền thờ Bác tại đầu doi vàm Ông Trang, ngay trên xác đồn của giặc. Đền thờ Bác ở Viên An là đền thờ đầu tiên của tỉnh Cà Mau được xây dựng ngay sau những ngày Bác mất năm 1969. Và khi đón Bác từ thị xã trở về, đúng dịp 19/5/1975, ngày sinh nhật Bác. Kể từ đó, ngày sinh nhật Bác trở thành ngày hội của đất và người Viên An trung dũng, kiên cường.
Cách đây khoảng 7 năm, khi về Viên An để tìm thêm tư liệu cho bài viết các đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Cà Mau, chúng tôi đã ghi lại câu chuyện của ông Hai Ứng (Tạ Văn Ứng), người giờ đã thành thiên cổ. Ông Hai Ứng cùng gia đình là một trong những chứng nhân lịch sử tham gia trực tiếp, đóng góp nhiều công sức cho quá trình xây dựng Đền thờ Bác tại Viên An. Khi ấy, tin Bác Hồ qua đời là sự kiện chấn động, đau thương và mất mát vô hạn với bà con. Nhiều người đã bịt khăn tang, khóc thương sự ra đi của Bác Hồ. Ý kiến đề đạt lên tổ chức Đảng ở Viên An là tiến hành lập Đền thờ Bác để người dân hương khói, tưởng nhớ Người.
Những vạt rừng đước lỗ chỗ vết thương vì chất độc hoá học ở Ông Bọng (nay thuộc ấp Ông Trang) được lựa chọn làm nơi dựng Đền thờ Bác. Ông Nguyễn Hoàng Ở (Hai Ở), nguyên Phó chủ tịch UBND xã Viên An, cũng là một trong những chứng nhân trực tiếp tham gia sự kiện này. Ông Hai Ở kể: “Khi đó, tôi là đoàn viên thanh niên. Phải nói rằng không khí xây dựng Đền thờ Bác Hồ lúc đó vô cùng khẩn trương, ai ai cũng hạ quyết tâm làm cho bằng được để có nơi hương khói Bác Hồ đàng hoàng, trang nghiêm”. Vật liệu xây dựng Đền thờ Bác làm hoàn toàn bằng đước “súc”, không làm theo kiểu nhà sàn mà làm móng theo kiểu kê “liệt địa”, tức là chất chồng những thân đước lớn lên với nhau. Các hướng chính của đền thờ đều dựng cửa, có bắc cầu bằng gỗ đước để thông xuống bến sông.
Các thế hệ tiếp nối của Viên An luôn trọn lòng thành kính và tưởng nhớ Bác Hồ. |
Theo ông Hai Ở, đền thờ dù được xây dựng trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, hoàn toàn bằng thủ công, nhưng được trang hoàng rất đẹp. Trong đó, trang trí sơn hoa văn có sự đóng góp của ông Châu Văn Mính. Thợ mộc đục đẽo có các thợ Tám, thợ Năm kỳ công trong từng chi tiết. Riêng ảnh Bác, Viên An tổ chức rọi hình và phóng lớn từ mẫu của tổ Đảng bí mật chuyển về. Khi ấy, Bác Hồ được thông báo là mất vào ngày 3/9, đến ngày 22/9 công trình đền thờ đã hoàn thành. Suốt quá trình ấy, Nhân dân Viên An không quản công sức, giữ gìn bí mật tuyệt đối, nén lại nỗi đau thương vô hạn để tạo nên công trình có ý nghĩa to lớn ở vùng địa đầu cực Nam Tổ quốc.
Ông Tạ Nhuỵ Quốc (Bảy Quốc), cũng là đoàn viên thanh niên Viên An tham gia dựng Đền thờ Bác năm 1969, cho biết: “Khi thấy bà con có nhiều dấu hiệu bất thường, giặc cũng truy xét dữ lắm, nhưng không một ai khai báo. Chỉ có tình cảm thật sự sâu đậm, thiêng liêng dành cho Bác Hồ, người dân Viên An mới có thể làm xong công trình đáng tự hào này”. Từ năm 1969 cho đến ngày giải phóng, Đền thờ Bác ở Viên An cũng tuyệt đối an toàn, dù chỉ cách đồn giặc khoảng 2 cây số theo đường chim bay. Ông Bảy Quốc kể: “Tụi giặc nó nghi, tức dữ lắm, nhưng đâu dám bén mảng vô rừng. Phụp vô đó là bỏ mạng liền. Dân Viên An thề quyết tử để bảo vệ Đền thờ Bác mà”.
Những năm trước giải phóng, mỗi dịp ngày mất hay sinh nhật Bác, Đền thờ Bác là nơi Đảng bộ, quân và dân Viên An tề tựu để hạ quyết tâm chiến đấu. Dù đền thờ chỉ bằng cây lá địa phương nhưng luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho sự đoàn kết và niềm tin tất thắng. Sau giải phóng, Đền thờ Bác tiếp tục là ngọn lửa thiêng để kết nối và lan toả ngọn nguồn truyền thống cách mạng của vùng đất này. Phó chủ tịch UBND xã Viên An Thái Thị Kim Dung thông tin: “Năm 1996, Đền thờ Bác được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Đây là vinh dự, niềm tự hào của Viên An. Hàng năm, nhân ngày sinh nhật Bác hay những ngày lễ lớn, địa phương đều tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống và vinh danh các cá nhân, tập thể tiên tiến để nhân lên giá trị công trình này”.
Phó trưởng ban Tuyên giáo huyện Ngọc Hiển Nguyễn Quốc Quân cho biết: “Từ khi thành lập huyện Ngọc Hiển, hàng năm, vào dịp sinh nhật Bác, huyện đều tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, báo công và vinh danh các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong công tác”. Không chỉ riêng Viên An, Đền thờ Bác là tài sản quý báu của Ngọc Hiển và của cả tỉnh Cà Mau trong việc đời đời tôn vinh, tưởng nhớ Người. Tấm lòng và khí tiết của người dân Viên An đã được sử sách lưu giữ, để rồi tiếng thơm truyền lại ngàn đời. Đền thờ Bác là kết tinh những gì cao đẹp nhất của xứ sở Viên An.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, chúng tôi trở về Viên An với nhiều cảm xúc đan xen. Lớp người xưa lần lượt ra đi. Câu chuyện xây dựng Đền thờ Bác đầu tiên ở đất Cà Mau đã đôi chỗ không còn người nhắc nhớ. Nỗi tiếc nuối như xác cây cầu bằng cây đước bắc qua sông Ông Trang những năm xưa cũ, giờ mục ruỗng dưới lòng sông. Nhưng không! Vàm Ông Trang vẫn còn đó. Đền thờ Bác Hồ vẫn uy nghiêm, trầm mặc nhìn triều lên xuống, bồi đắp hạt phù sa con sông Cửa Lớn cho quê hương. Nói như Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Viên An Nguyễn An Lâm: “Ở đâu không biết, chớ ở Viên An này, hầu hết nhà dân đều lập bàn thờ Bác. Cái này không ai vận động, cũng đâu ai bắt buộc, bà con tự nguyện làm thôi”.
Bởi vậy, không hề bóng bẩy hay phóng đại khi nói, ở Viên An, đâu đâu cũng có hình bóng Bác Hồ./.
Phạm Quốc Rin