Chiếc xuồng giao liên đưa tôi vào con rạch, gọi là Rạch Hàng, con rạch dẫn sâu vào rừng U Minh, để nhập trường, Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố.
Ấy là mùa hè năm 1948, những năm đầu kháng chiến chống Pháp, học sinh là những người đã từng tham gia kháng chiến, đã từng đi bộ đội, hoặc cán bộ, nhân viên trong các cơ quan Dân Chính Ðảng của cả chiến trường Nam Bộ.
Khi tôi nghe giọng hát trong trẻo của cô bé tuổi 12 ấy, tuổi thơ trong tôi bỗng bừng dậy, tôi trở lại hồn nhiên là đứa học trò.
Minh hoạ: Minh Tấn
Tình cờ tôi ngồi cùng một bàn với Ðoàn Thế Hối, hai đứa cùng tuổi và nhỏ người như nhau. Nhìn lên bục giảng thì tôi bên tay mặt, Hối ngồi bên trái. Ðoàn Thế Hối người mảnh khảnh, mái tóc mềm, nước da xanh, nụ cười hiền, nho nhã thư sinh. Nghèo, quần áo hai đứa mặc chung thật khắn khít. Về mặt học hành có điều ngược nhau, Hối rất giỏi Văn, bài văn nào cũng 17, 18 (thang điểm 20), còn tôi thì tệ đến mức có lần chỉ được 0,5 điểm. Ðoàn Thế Hối có cây đàn Banjo nhưng tôi lại đàn khá hơn Hối. Dù dở môn Văn nhưng tôi rất thích văn thơ. Tôi thích giờ văn của thầy Nguyễn Văn Chì, giọng thầy thâm trầm, mỗi lời của thầy đều đọng lại trong lòng tôi. Một hôm thầy bảo:
- Ngoài những bài luận văn của trường, các cháu nên viết thêm nhật ký, hồi ký, nghĩ sao viết vậy, không gò bó theo khuôn khổ, viết xong nộp.
Sau ngày tôi tập kết, Ðoàn Thế Hối vào Sài Gòn hoạt động, anh nhanh chóng nổi tiếng với bút danh Lê Vĩnh Hoà trên các báo: Nhân Loại, Tiến Thủ, Quyền Sống, Bông Lúa, Phụ Nữ Diễn Ðàn; với những truyện ngắn: “Trăng lu”, “Chiếc áo thiên thanh”, “Nước cạn”, “Mưa rơi trên sông”, “Hội banh Xóm Giếng”...
Năm 1959, Lê Vĩnh Hoà bị chính quyền Ngô Ðình Diệm bắt, ngồi tù suốt 5 năm. Năm 1964, ra tù, anh vào chiến trường miền Tây, tiếp tục viết, một loạt truyện ngắn ra đời trên mặt báo của chiến trường: “Những người cùng xóm”, “Chuyện một người săn máy bay”, “Trước đêm tập kết”, “Trông ra tiền tuyến”, “Mấy trang nhật ký trên chiến hào”...
Từ R, tôi gửi một lá thư dài về miền Tây cho Lê Vĩnh Hoà, nhắc lại cây đàn Banjo và nhiều chuyện...
Một năm sau, mùa nước nổi ở chiến trường Ðồng Tháp, tôi nhận được thư của một bạn văn nghệ ở miền Tây cho tôi biết, Lê Vĩnh Hoà đã nhận thư tôi, mừng lắm, chưa kịp viết thư trả lời thì hy sinh trong trận đánh lớn ở Thanh Thuỷ - Xẻo Giá - Cần Thơ, ngày Mồng 7, tháng Giêng năm Ðinh Mùi - 1967.
Nhà văn Lê Vĩnh Hoà đã để lại cho đời nhiều tác phẩm xuất sắc, mang nhiều dấu ấn qua từng thời kỳ của cuộc chiến tranh cứu nước. Với tôi, giọng văn của Lê Vĩnh Hoà như giọng nói của anh, rất quen thuộc với tôi, nó ngọt ngào, nhỏ nhẻ, buồn buồn, dễ vào lòng người.
Khi ra trường, mỗi đứa mỗi ngành công tác, với mỗi tương lai, ai sẽ là ai khó đoán trước được. Xin nói thêm một đứa bạn, Huỳnh Nhựt Minh. Minh cũng là đứa học trò giỏi văn, vừa được điểm cao, thường được thầy đọc cho cả lớp nghe. Cũng như Ðoàn Thế Hối, chắc hẳn Minh cũng sẽ là nhà văn. Nhưng không! Huỳnh Nhựt Minh trở thành người chỉ huy pháo binh... Biết bao bạn bè nữa, kể sao cho hết.
Sau năm 1975, mỗi năm thầy trò Trường Nguyễn Văn Tố đều có buổi họp mặt vào những ngày giáp Tết. Tình thầy trò của Trường Nguyễn Văn Tố thật đặc biệt, vừa chú cháu, vừa thầy trò, vừa đồng chí, thật chan hoà. Và chúng tôi lại hát.
“Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau...”. Lạ! Ở tuổi 60 mà giọng hát của “bé Thiện”, của Tô Kỳ Phát vẫn trong trẻo, vang vọng, bật cao lên dàn đồng ca. Tiếng hát đưa chúng tôi trở về tuổi học trò.
(Trích từ Ký của NGUYỄN QUANG SÁNG)
Nguyễn Bá