ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 16:57:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bánh quê “lên ngôi”

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày giáp Tết, nhà ông Tư Khởi (Lê Văn Khởi, ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) bận rộn từ sáng sớm cho đến tối muộn với việc làm bánh quê: chuối sấy, bánh kẹp cuốn, bánh nhúng. Vợ chồng ông Tư Khởi cùng hai cô con gái thứ ba và út, ai cũng có việc riêng của mình. Ông Tư Khởi thì phụ trách đốn chuối, phụ lột và bào chuối cùng con gái út, con gái thứ ba thì nướng bánh kẹp, còn việc chiên chuối sấy thì bà Trần Thị Hạnh, vợ ông Tư Khởi, đảm đương.

Sản phẩm chuối sấy của cơ sở Liên Lê qua 7 năm hình thành, đã có mặt thị trường ở nhiều nơi.

Nhiều năm nay, cơ sở sản xuất chuối sấy Liên Lê, ngay đầu kênh Hai Lưu đã quá quen thuộc với các tiểu thương ở Cà Mau, ngoài tỉnh và bà con lân cận. Người xây dựng nên danh tiếng chuối sấy Liên Lê này là bà Trần Thị Hạnh, người phụ nữ đảm đang, khéo léo. Chia sẻ về nghề làm bánh quê của gia đình, bà Hạnh tâm tình: “Lúc trước cũng làm bánh dùng trong nhà, rồi biếu bà con. Người này người kia khen ngon, kêu làm bán. Rồi, cũng thử tập làm, xưa chưa biết, có mấy nải chuối mà làm cả nửa ngày trời. Dần dà rút kinh nghiệm, tìm hiểu rồi có được quy trình làm bài bản như bây giờ”.

Nghề dạy nghề. Sau những mẻ chuối sấy chưa đạt như mong muốn, cuối cùng bà Hạnh cũng thành công khi tạo ra được miếng chuối sấy giòn xốp tự nhiên, vừa ăn, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Ban đầu là vài khách hàng mua lẻ, dần dần có mối lái trong xã, trong huyện. Năm nay cơ sở mở rộng nhiều, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nghề càng phát triển mạnh.

Chị Lê Thị Liên mạnh dạn chọn bánh quê để khởi nghiệp nơi quê nhà.

Bà Hạnh vui mừng cho biết: “Giờ làm không xuể, bỏ mối rất nhiều, không chỉ trong tỉnh mà còn bỏ các mối ở TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, xa nhất là Hà Nội… Cơ sở sản xuất chuối sấy quanh năm. Cứ ngày lột, ngày chiên. Bình thường thì 30-35 kg/cữ, còn dịp Tết nhiều hơn, 50-55 kg”.

Ðể kịp sản xuất chuối sấy cung cấp cho các đầu mối, cách một ngày là ông Tư Khởi đốn chuối của bà con trong vùng, khuya thì phải thức dậy sớm để bào chuối.

Ông Tư Khởi bộc bạch: “Mỗi lần đốn cả trăm nải. Ðể giữ mối mang, hỗ trợ nhau cùng làm ăn, tôi thu mua chuối của bà con cao hơn giá thị trường chút đỉnh, còn họ thì chừa lại chuối ngon cho mình”.

Làm bánh ngoài khéo léo, còn cần những bí quyết riêng. Không giấu nghề, bà Hạnh chia sẻ, để chuối sấy ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng, chuối phải già, cùng với đó là những kinh nghiệm khi làm, như chuối bào xong phải tách từng mảnh, bột củ năng trộn với đường rắc lên miếng chuối từng lớp, sau đó rắc thêm bột củ năng nếu thấy cần. Tác dụng của bột củ năng là để cho miếng chuối không dính vào nhau khi chiên và đều màu. Chuối sấy của cơ sở Liên Lê giòn xốp, thơm ngon, không dùng chất bảo quản nên được khách hàng tin dùng.

Bà Hạnh cho biết: “Giá bỏ sỉ gần thì 80 ngàn đồng/kg, còn xa thì 120 ngàn đồng, bán lẻ cũng vậy để bà con dễ dùng. Thời gian gần đây giá dầu ăn, đường lên nhưng cơ sở vẫn giữ nguyên giá để giữ mối làm ăn, khách hàng dùng được, mình lời ít lại”.

Không chỉ phát triển mạnh nghề sản xuất chuối sấy, mấy tháng nay, cơ sở Liên Lê còn mạnh dạn sản xuất bánh kẹp, bánh nhúng. Chị Lê Thị Liên, người khởi xướng nghề làm bánh kẹp cuốn, bánh nhúng của gia đình, bộc bạch: “Mới làm vài tháng thôi mà làm không xuể để cung cấp cho các mối. Nướng bánh kẹp thì ngày nào cũng làm, từ sáng sớm cho đến tối. Sản phẩm làm ra tới đâu là giao tới đó. Mỗi bữa nướng chừng 4-6 kg bột. Bình quân 2 kg bột ra 15 bịch bánh kẹp cuốn (200 gram/bịch). Bỏ sỉ ở Cà Mau thì giá 25 ngàn đồng/bịch, ở đây thì 22 ngàn đồng/bịch, còn bán lẻ 25 ngàn đồng. Bánh nhúng thì hai ngày làm một lần”.

Tâm sự về nghề làm bánh quê, chị Liên cho biết, làm bánh vốn là sở thích, niềm đam mê từ nhỏ, chị lại có tay nghề, từng biết làm bánh kẹp, bánh nhúng từ lúc còn ở nhà. Những năm tháng bươn chải nơi đất thành thị, món bánh quê được người dân nơi đó ưa dùng vì chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi về quê do ảnh hưởng đại dịch, chị Liên quyết định đưa thêm món bánh kẹp, bánh nhúng vào nghề làm bánh của gia đình.

Món bánh nhúng truyền thống vẫn được người dân thôn quê và đô thị lựa chọn.

“Từng trải qua những năm tháng đi làm xa, mình hiểu nỗi khổ của người lao động xa quê. Thu nhập đâu ổn định, chi trả đủ thứ lại còn nhiều nỗi lo khác. Làm bánh tuy thu nhập không quá cao, nhưng ở quê với mức 6 triệu đồng mỗi tháng từ nướng bánh thì khá ổn. Hơn nữa, được gần cha mẹ, chị em. Cả gia đình cùng làm, vui lắm. Mình làm bánh chất lượng, thơm, ngon thì sẽ tìm được khách hàng. Như mối bánh kẹp là từ xã Khánh Bình ra đến TP Cà Mau là nhiều, vì bánh kẹp dễ vỡ nên không gởi đi xa được”.

Tất bật với việc làm bánh để góp phần đem lại cái Tết vui vầy cho mọi nhà, gia đình ông Tư Khởi chưa chuẩn bị gì cho cái Tết sắp tới. Ông Tư Khởi bảo: “Nhà có heo, gà sẵn, rau cải cũng có trồng. Tới Tết thì mua thêm vài loại bánh, kẹo, ít cải làm dưa. Chớ làm chuối, bánh này mọi năm tới 29 Tết mới nghỉ thì không còn thời gian lo chuyện Tết nhất, nhưng lo làm ăn xong, mấy ngày Tết cũng chơi tới bến nghe”./.

 

Ngọc Minh

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).