Trong đời sống báo chí ở nước ta, báo chí giải pháp không phải khái niệm mới và trong 2 thập niên trở lại, đặc biệt là những năm gần đây, báo chí giải pháp được quan tâm và được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các nghiên cứu về báo chí truyền thông.
Chiều 21/9, tại Novaworld Phan Thiết, Bình Thuận, Báo Nhà báo & Công luận tổ chức chương trình Diễn đàn Tổng biên tập 2024 với chủ đề: “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?”. Tham dự chương trình Diễn đàn Tổng biên tập 2024 có hơn 100 Tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu đề dẫn phiên thảo luận chủ đề thứ nhất tại Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024.
Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề "Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?" - Một gợi mở thú vị và đầy triển vọng của báo chí nước ta trong bối cảnh mới.
Theo Nhà báo Lê Quốc Minh: “Báo chí xây dựng, báo chí giải pháp là sự đi ngược lại xu hướng báo chí lá cải ngày càng tăng, đi ngược lại sự xuất hiện chủ nghĩa giật gân và xu hướng tiêu cực trên các phương tiện truyền thông, đồng thời đặt ra yêu cầu các tờ báo, các cơ quan báo chí phải nghiên cứu các vấn đề xã hội, đề xuất các giải pháp cải thiện tình hình theo hướng tích cực, chứ không chỉ là đưa tin thuần tuý hay nhấn mạnh quá mức vào những tiêu cực. Cho đến nay, nhiều cơ quan và tổ chức báo chí có uy tín trên thế giới đã chuyển đổi theo mô hình báo chí giải pháp”.
Diễn đàn Tổng biên tập đã được tổ chức lần thứ 6, đây là dịp để các lãnh đạo cơ quan báo chí gặp gỡ, trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cho hướng đi, sự phát triển của báo chí trong bối cảnh mới.
Tại Việt Nam, xu hướng báo chí giải pháp đã, đang được các cơ quan báo chí triển khai ra sao? Tại sao báo chí giải pháp nên là một trong những hướng đi chính yếu của báo chí Việt Nam? Báo chí giải pháp có phải là một trong những cách thức hiệu quả để báo chí Việt Nam phát triển và giữ vững vị thế trong bối cảnh hiện nay? Cách thức nào để triển khai báo chí giải pháp hiệu quả? Đó là những nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn Tổng biên tập 2024.
Nhà báo Ngô Minh Toàn, Tổng Biên tập Báo Cà Mau tham dự Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024.
Với 2 phiên thảo luận, phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp- Xu hướng và tiềm năng; phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả, Diễn đàn Tổng biên tập 2024 là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí chia sẻ, thảo luận về báo chí giải pháp - xu hướng báo chí đang được các toà soạn trên thế giới cũng như tại Việt Nam hết sức quan tâm.
Quang cảnh Diễn đàn Tổng biên tập năm 2024 diễn ra tại Bình Thuận.
Những trao đổi thẳng thắn, những kinh nghiệm được chia sẻ cùng với hơn 30 tham luận gởi đến Diễn đàn Tổng biên tập năm 2024 đã nêu bật những đề xuất, giải pháp gợi mở để góp phần định hình hình rõ hơn xu hướng báo chí giải pháp tại Việt Nam, từ đó giúp các toà soạn có cách làm phù hợp hơn trong thực tế hoạt động báo chí, thúc đẩy sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số, mang đến thông điệp ý nghĩa góp phần vào hành trình phát triển của báo chí nước nhà trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Các đại biểu tham dự diễn đàn cùng thể hiện tinh thần tương thân, tương ái với đồng bào các tỉnh, thành phía Bắc bị ảnh hưởng bão, lũ.
Được khởi đầu từ năm 2019, đến nay Diễn đàn Tổng biên tập đã bước sang mùa thứ 6, là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu của các toà soạn, cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn.
Trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển.
Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, chủ đề “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?” cho Diễn đàn Tổng biên tập 2024 được xem là sự kiện có tính chất quan trọng của các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo để cùng nhau thảo luận, trao đổi và tìm ra hướng đi, sự phát triển của báo chí trong bối cảnh mới. Diễn đàn giúp nhận diện thấu đáo về vấn đề nền tảng, cốt lõi: Báo chí giải pháp liệu có thể là hướng phù hợp cho báo chí Việt Nam hiện nay?
Trong bối cảnh báo chí truyền thống đã, đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội. Thực tế đời sống báo chí thời gian qua đã cho thấy báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Vì thế, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới. Với báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đi đó còn là việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ để giữ chân độc giả mà còn để củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí.
Quốc Rin