Văn học, nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hoá, chứa đựng nhiều giá trị trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm và nhân cách con người và xây dựng đạo đức xã hội. Do phạm vi tác động, ảnh hưởng đối với xã hội và con người, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ để tác động, lôi kéo nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”.
Những “chiêu trò” của thế lực thù địch
Lợi dụng các kẽ hở trong quản lý Internet, mạng xã hội hiện nay, các thế lực thù địch bên ngoài đăng tải, truyền bá, lan truyền các sản phẩm văn học nghệ thuật có nội dung phản động, chống đối chế độ vào Việt Nam. Chúng đả kích bản sắc văn hoá dân tộc, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, hạ bệ thần tượng, các vị anh hùng, vĩ nhân trong lịch sử, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Chúng bôi nhọ một số lãnh tụ cách mạng, phủ nhận tính chính nghĩa các cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, ca ngợi chế độ tư bản chủ nghĩa, dung túng cho các phần tử bán nước, tay sai.
Chúng tác động, lôi kéo các văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà phê bình tạo ra những tác phẩm có nội dung đả kích, xuyên tạc không có lợi cho cách mạng, đi ngược lại tinh thần dân tộc. Các thế lực thù địch tập trung mua chuộc một số người có tư tưởng dao động, chống đối chế độ, khuyến khích việc sáng tác các tác phẩm phản ánh mặt trái của đời sống xã hội, khoét sâu những khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, coi đó là khuyết điểm chung của cả bộ máy.
Hoặc tung hô, thổi phồng giá trị những tác phẩm của một số văn nghệ sĩ, khiến họ bị ngộ nhận về tài năng nhằm mục đích lôi kéo họ vào các mưu đồ chính trị xấu xa, tạo ra sự hoài nghi của văn nghệ sĩ đối với chủ trương, đường lối của Ðảng về văn học, nghệ thuật, từ đó, quay ra chỉ trích, bất mãn tiêu cực, quay ngược lại với chính nghĩa. Ngoài ra, chúng tìm mọi cách tài trợ dưới hình thức các giải thưởng, mời đi tham quan, giao lưu ở nước ngoài đối với những người có các tác phẩm chống đối chế độ; can thiệp cho một số văn nghệ sĩ, những người có quan điểm “cấp tiến” ra nước ngoài dự hội thảo, học tập để chúng thực hiện mưu đồ chống phá.
Tuyên truyền đề cao và tuyệt đối hoá cái tôi cá nhân văn nghệ sĩ để kêu gọi tự do sáng tác, tự do báo chí... Qua đó, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với văn học, nghệ thuật; chỉ trích, phê phán sự “áp đặt, cưỡng bức” của chính trị đối với văn học, nghệ thuật. Chúng cho rằng văn học, nghệ thuật cách mạng là những sáng tác theo sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, tô hồng, minh hoạ cho nghị quyết, còn văn nghệ sĩ chưa được tự do sáng tác, chưa được bảo đảm điều kiện hoạt động dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, làm đội ngũ văn nghệ sĩ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”... Rồi hô hào, kích động muốn được tự do nói và viết, chỉ có hình mẫu văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài mới bảo đảm cho văn nghệ sĩ được tự do sáng tác, nói và viết, không còn chịu ảnh hưởng, không bị chi phối bởi chính trị.
Chúng lên tiếng phủ nhận các thành tựu, giá trị văn học, nghệ thuật đã được khẳng định, tôn vinh, xuyên tạc tầm vóc, giá trị vĩnh cửu, trường tồn của một số tác phẩm lớn và sự cống hiến, đóng góp, tên tuổi của một số văn nghệ sĩ trong nền văn học, nghệ thuật cách mạng, đồng thời xuất hiện xu hướng ca ngợi, đề cao một số tác phẩm, tác giả vốn đã bị lên án trong quá khứ.
Chúng lợi dụng việc sáng tác về các đề tài lịch sử để xét lại, phục vụ âm mưu “hạ bệ thần tượng, giật đổ tượng đài”. Sử dụng một số tác phẩm văn học để tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Ðảng; thổi phồng một số sai lầm của cán bộ, đảng viên, truyền bá những quan điểm, lối sống thực dụng, không lành mạnh. Qua đó, làm dao động tư tưởng, lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân vào Ðảng và chế độ [1].
Chúng cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nhấn mạnh một chiều cái xấu, cái ác, phủ một màu đen lên hiện thực muôn màu của đời sống, dẫn đến tâm lý hoài nghi, bi quan, mất niềm tin vào tương lai của dân tộc, không ít những tác phẩm “lệch pha”, lạm dụng khai thác quá đà các hành vi tiêu cực, các tệ nạn xã hội... dẫn tới phản tác dụng giáo dục đạo đức và lối sống lành mạnh.
Kiên định những giải pháp
Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, mang tính nhạy cảm và tinh tế. Ðể nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thời gian tới chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cần chú trọng bồi dưỡng về tình cảm, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ lành mạnh của công chúng để họ có thể nâng cao khả năng xem xét, đánh giá các giá trị thẩm mỹ tích cực, tiến bộ. Ðấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ những thứ nghệ thuật lệch lạc, phản động, trái với thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hoá dân tộc thông qua việc định hướng, phổ biến những tác phẩm có chất lượng tư tưởng, nghệ thuật tốt, có giá trị lành mạnh đến với công chúng. Về phía người tiếp nhận, thưởng thức văn học, nghệ thuật, ngoài việc trau dồi tri thức đã được truyền dạy trong nhà trường, qua sách báo, phim ảnh, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình nền tảng cơ bản để xây dựng một thị hiếu đúng đắn, lành mạnh, có văn hoá, tránh sai lệch khi đánh giá, lựa chọn tác phẩm.
Hai là, cần coi trọng nhân cách, tài năng, cá tính của tri thức, văn nghệ sĩ, bồi dưỡng cả về vật chất và tinh thần, tôn trọng các ý kiến đóng góp của họ. Nhà nước đặt hàng, tạo ra môi trường thuận lợi cho các tác phẩm tích cực, có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật có thể đến với công chúng rộng rãi. Ðề cao tinh thần trách nhiệm của người sáng tạo. Văn nghệ sĩ phải luôn đi cùng Nhân dân, sáng tạo vì Nhân dân, không sa vào xu hướng chạy theo các thị hiếu tầm thường và cái nhìn lệch lạc. Văn nghệ sĩ trong sáng tạo càng không lầm lẫn, sai lệch trong cách nhìn dẫn đến cái xấu, cái ác, cần lên án thì ca ngợi, còn cái tốt, cái đẹp cần ngợi ca lại phê phán. Tác phẩm phải dựa trên điểm tựa là chính cuộc đời, cuộc sống và phải gắn với đường lối văn hoá, văn nghệ của Ðảng.
Ba là, lãnh đạo một số nhà xuất bản, cơ quan làm nghệ thuật cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên tập viên của cơ quan thuộc quyền. Họ phải là người không những có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, nắm vững chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn phải có hiểu biết sâu sắc về văn học, nghệ thuật và các xu hướng, trào lưu, lý thuyết văn học, nghệ thuật khác nhau trong nước và thế giới.
Bốn là, để chủ động giải quyết việc sản xuất, quảng bá sản phẩm văn học, nghệ thuật xấu độc, lệch lạc ngay từ gốc, cần phát huy vai trò của Ðảng, Ðoàn, lãnh đạo hội văn học - nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương; nâng cao trình độ nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, quản lý để đưa việc xuất bản, phát hành văn hoá phẩm, tổ chức biểu diễn, tổ chức công bố tác phẩm vào nền nếp; kiên quyết xử lý nghiêm hiện tượng vi phạm.
Năm là, tăng cường kiểm soát các sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung, tư tưởng lệch lạc, chống phá chế độ trên Internet, mạng xã hội. Khi phát hiện thông tin, những sản phẩm văn học, nghệ thuật độc hại, tuyên truyền chống Ðảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân và đất nước cần kiên quyết xử lý nghiêm. Ðình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật [2]. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet trong nước và nước ngoài, các mạng xã hội, ngăn chặn truy cập các website có nội dung xấu, đồng thời gỡ bỏ các ấn phẩm, sản phẩm văn học, nghệ thuật xấu độc, xuyên tạc, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân và đất nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Tăng cường đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật https://www.tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tang-cuong-dau-tranh-chong-quan-diem-sai-trai-thu-dich-tren-linh-vuc-van-hoc-nghe-thuat-113350.
[2] Luật An ninh mạng: Những thông tin bị nghiêm cấm và hình thức xử lý https://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/luat-an-ninh-mang-nhung-thong-tin-bi-nghiem-cam-va-hinh-thuc-xu-ly-112721.
Trần Ngọc Nguyễn