ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 14:44:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bảo vệ môi trường từ những Ngôi nhà 100 đồng

Báo Cà Mau (CMO) Bên cạnh công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất cho học sinh, vài năm trở lại đây, nhiều điểm trường còn tích cực đi đầu trong phong trào thu gom, tái chế rác thải từ nhựa. Việc làm này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống, mà thông qua hành động nhỏ như phân loại rác còn giúp giáo viên và học sinh của trường nâng cao ý thức xử lý rác an toàn, đồng thời tạo ra những giá trị thiết thực.

Tại trường học, tần suất sử dụng đồ dùng từ nhựa, nhất là chai nước khá nhiều. Thay vì để chúng bị vứt đi lung tung ảnh hưởng tới môi trường sống hoặc tạo thành những mảng rác xấu xí, khó phân huỷ thì Ðoàn Thanh niên và Ðội Thiếu niên Trường THCS&THPT Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh, kết hợp lập ra mô hình Ngôi nhà 100 đồng nhằm mục đích làm nơi chứa rác thải nhựa.

Việc thu gom và tập kết rác thải nhựa được thực hiện sau tiết cuối của buổi học, giúp khuôn viên các lớp, phòng học sạch sẽ và vệ sinh hơn.

Mô hình được phát động từ tháng 10/2022. Theo đó, Ngôi nhà 100 đồng được thiết kế chắc chắn trên nền khung sắt, rào lưới và phần mái lợp tôn với kích thước 1 m2, kinh phí trích từ quỹ Ðoàn - Ðội.

Hàng ngày, sau khi kết thúc buổi học, các lớp cử thành viên mang rác xuống và bỏ vào Ngôi nhà 100 đồng. Ðịnh kỳ sau 2 tuần, hoặc khi đầy rác sẽ bán phế liệu. Số tiền thu được sẽ dùng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Lâm Thị Thuỳ Dương, Bí thư Ðoàn Trường THCS&THPT Khánh An, chia sẻ: “Lúc trước khi chưa có Ngôi nhà 100 đồng, đa phần rác tại trường sẽ được đào hố chôn, đốt hoặc bán phế liệu, nhưng vì công tác thu gom diễn ra không đồng loạt nên hiệu quả mang lại chưa cao. Ða phần giáo viên và học sinh rất quan tâm đến việc thu gom và phân loại rác; đặc biệt, thông qua mô hình, ý thức của mọi người đều được nâng lên. Nhiều học sinh trong quá trình đến lớp, hoặc tại nhà có đồ nhựa cũng mang góp vào Ngôi nhà 100 đồng. Các em hiểu rằng, càng thu gom được nhiều thì sẽ có nhiều bạn nghèo, khó khăn được giúp đỡ, đó cũng là cách để hỗ trợ nhau gián tiếp”.

Ðây không phải là lần đầu tiên trường cho ra mắt các phong trào liên quan đến thu gom, tái chế rác thải nhựa. Vào năm học 2021-2022, để tạo sinh khí thi đua giữa các khối, lớp, Ðoàn trường còn phát động nhiều cuộc thi chủ đề bảo vệ môi trường như: trang trí ghế đá, tái chế chai nhựa thành thùng đựng rác, thành vật dụng hữu ích để phục vụ cho sinh hoạt, trang trí khuôn viên thêm xanh. Sắp tới, trường còn thực hiện phong trào làm bồn cây bảo vệ, đây cũng là chuỗi hành động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.

Ðể có được kết quả như hiện tại, hàng ngày, các buổi lên lớp, chào cờ, sinh hoạt định kỳ, giáo viên chủ nhiệm, Ðoàn - Ðội trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở và gián tiếp thông báo qua hệ thống phát thanh học đường. Bên cạnh việc thu gom, để mang lại hiệu quả cao, thay vì sử dụng các loại chai nhựa, lon trong các buổi đến trường, họp hội, thì đổi sang dùng các bình, ly chịu nhiệt có thể tái sử dụng.

Thông điệp sống yêu thương và thân thiện với môi trường còn được thực hiện qua nhiều phong trào thi đua lấy màu xanh sự sống làm chủ đề. (Trong ảnh: Cuộc thi trang trí ghế đá của học sinh Trường THCS&THPT Khánh An).

Em Nguyễn Hạ Vy, lớp 10C4, hào hứng: “Thông qua tìm hiểu và được tuyên truyền, em hiểu được tầm quan trọng của việc tái chế rác thải nhựa trong đời sống hàng ngày. Tại trường, các phong trào bảo vệ môi trường liên tục được làm mới, thu hút sự tham gia của các bạn. Riêng em cũng rất tự hào vì số tiền từ Ngôi nhà 100 đồng mang lại phát huy được tính nhân văn, sẽ trao tặng cho những người thực sự cần, mặc dù hành động rất nhỏ và đơn giản nhưng ý nghĩa lớn”.

Còn đối với em Nguyễn Thị Thảo Nghi, lớp 10C1, em luôn thích sự ngăn nắp và gọn gàng. Thảo Nghi có thói quen làm các vật trang trí học tập, chậu hoa kiểng… tái chế từ nhựa. Nghi tâm đắc: “Không chỉ chai nhựa mà bọc ni lông, hộp xốp, đũa, muỗng sử dụng một lần, em cũng rất hạn chế sử dụng. Ðể giảm tần suất, thường em sẽ tự chủ động chuẩn bị hộp đựng thức ăn, bình giữ nhiệt khi đi học, hoặc khi quên em chọn cách ăn tại chỗ thay vì mua mang đi. Mỗi người sẽ có những biện pháp, cách riêng để sống và học tập, lao động thân thiện với môi trường, riêng em chọn những hành động nhỏ nhưng thiết thực nhất. Ngoài ra, cũng giúp tiết kiệm phần chi phí mua sắm không cần thiết, tự sử dụng đồ dùng do mình sáng tạo cũng khá thú vị”.

Tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, mô hình Ngôi nhà 100 đồng cũng đã được duy trì thực hiện suốt 3 năm qua. Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Phải Tây, cho biết: “Ðối với cấp tiểu học, học sinh thường có thói quen làm theo những điều mà thầy cô, người lớn khuyến khích. Chính vì vậy, Ngôi nhà 100 đồng ra mắt giúp rất nhiều bạn nhỏ hiểu và tự giác thực hiện các hành động bảo vệ môi trường. Ðịnh kỳ mỗi tháng nhà trường sẽ tiến hành tổng hợp cân ký, số tiền thu được từ 200-300 ngàn đồng/lần, đóng góp vào quỹ chung của đơn vị. Không chỉ có chai nhựa mà còn có cả giấy vụn, thùng giấy, lon… Tất cả các vật dụng có thể bán phế liệu, chúng tôi đều tập kết lại”.

Không chỉ lan toả trong các sở, ban, ngành mà phong trào thu gom, tái chế rác thải nhựa còn từng bước lan sâu rộng vào các điểm trường học, tạo ra những giá trị nhất định, truyền tải những thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng xã hội văn minh và thân thiện. Riêng học sinh có thể tiếp cận, trở thành những tuyên truyền viên giỏi để kết nối cộng đồng cùng hành động bảo vệ môi trường./.

 

Ngô Nhi

 

Liên kết hữu ích

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.

Ðảm bảo chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), cho biết, toàn ngành sẽ tập trung quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mọi hoạt động giáo dục: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể - thầy cô giáo làm động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình làm điểm tựa - xã hội làm nền tảng".