Những năm gần đây, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử (TMÐT) ngày càng được mở rộng, hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp và người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động và đối tượng tham gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại. Tuy nhiên, sự phát triển này kéo theo tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp.
- Kiểm soát hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- Ðảm bảo an toàn sức khoẻ người tiêu dùng
- Hãy là người tiêu dùng thông thái
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QÐ-TTg, phê duyệt Ðề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMÐT đến năm 2025.
Lực lượng QLTT kiểm tra lĩnh vực hàng hoá công nghệ thực phẩm.
Ông Huỳnh Vũ Phong, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, cho biết, các đội QLTT luôn quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, kế hoạch, nội dung chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, bình ổn thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá hợp pháp lưu thông.
Ông Phong cho biết thêm, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi để kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Họ vận chuyển hàng hoá bằng nhiều hình thức và thủ đoạn xé nhỏ, phân tán nhằm qua mặt các lực lượng chức năng kiểm tra. Kết quả kiểm tra, xử lý đối với một số nhóm hàng vi phạm nổi cộm và nhóm hành vi vi phạm phổ biến trên địa bàn gồm: vi phạm quy định công khai thông tin về giá, hàng hoá, dịch vụ (không niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định); kinh doanh hàng hoá nhập lậu; không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá; vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy); vi phạm kinh doanh bán lẻ thuốc tân dược (không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược đối với trường hợp phải có chứng chỉ hành nghề dược hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở); vi phạm quy định về biển hiệu (không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại); vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hoá, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác.
Lực lượng QLTT kiểm tra lĩnh vực kim khí điện máy.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các đội QLTT trên địa bàn đã thực hiện giám sát, quản lý địa bàn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; quản lý, giám sát, kiểm tra tình hình thị trường theo kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; kế hoạch chuyên đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024; kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024; kiểm tra đột xuất chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả, đã kiểm tra 519 vụ việc, phát hiện 326 vụ có hành vi vi phạm hành chính. Hiện đã xử lý 317 vụ, tổng số tiền xử phạt hành chính, nộp ngân sách Nhà nước hơn 2 tỷ đồng.
Ðể nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trên môi trường TMÐT, Cục QLTT tỉnh đã chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể. Ðồng thời, Cục đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng trong TMÐT trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Sự phát triển của TMÐT cùng với sự bùng nổ công nghệ đã làm phát sinh các đối tượng điều chỉnh mới, với những biểu hiện tồn tại đa dạng và liên tục thay đổi, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có cách tiếp cận mới và phương pháp quản lý mới. TMÐT nhất thiết và cần thiết phải thực hiện trên nền tảng số, nên các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phải ứng dụng công nghệ để thực hiện chức năng quản lý và luôn nắm rõ được sự thay đổi công nghệ trong suốt quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ông Huỳnh Vũ Phong thông tin, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý địa bàn, phối hợp các ngành chức năng địa phương tuyên truyền, ký cam kết trong kinh doanh xăng dầu, mặt hàng vàng, TMÐT; kiểm tra mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới và đường cát, thuốc thú y, thuỷ sản, TMÐT, đảm bảo cung - cầu hàng hoá phục vụ người dân; công tác quản lý, giám sát địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời triển khai kiểm tra, kiểm soát ngành hàng theo tình hình hiện nay và theo địa bàn quản lý.
"Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, thông tin đầy đủ, kịp thời về các trường hợp vi phạm hành chính; cảnh báo cho người dân, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện cam kết không kinh doanh buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, xăng dầu, khí đốt giả mạo nhãn hiệu, thực phẩm, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ..., đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong tình hình hiện nay", ông Huỳnh Vũ Phong chia sẻ./.
Phúc Duy