ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 18:33:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bên dòng Chắc Băng

Báo Cà Mau Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân ra Bắc của Nam Bộ. Trong thời gian 200 ngày đêm, Cà Mau bừng lên khí thế của chiến thắng, của đời sống mới thực sự tự do, hạnh phúc trong không khí hoà bình, vui tươi, phấn khởi dưới sự lãnh đạo, tổ chức của chính quyền cách mạng sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Giai đoạn cuối năm 1954, lực lượng tập kết và thân quyến đưa tiễn đổ dồn về vùng ngã ba Chắc Băng, nơi có bến chuyển quân ra tàu lớn ở vàm sông Ông Ðốc.

Bên dòng Chắc Băng. Ảnh: P.H.N

Địa danh Chắc Băng gắn với nhiều giai thoại thời “Gia Long bôn tẩu” mà cuốn “Bạc Liêu xưa” của tác giả Huỳnh Minh cho biết rằng, thời chạy trốn quân Tây Sơn, đến đây thì Nguyễn Ánh lâm bệnh nặng, trăng trối “chắc trẫm băng hà”; hoặc theo lý giải của Nhà văn Sơn Nam, đọc trại từ tiếng Khmer “chap tung”, nghĩa là chim chàng bè, loại chim có nhiều ở vùng đất này. Ðến năm 1919, nhận thấy vị trí chiến lược của dòng thuỷ đạo này, Pháp tiến hành cải tạo, mở rộng và hình thành tên gọi kênh xáng Chắc Băng, dài khoảng 40 cây số, nối sông Cái Lớn (Vĩnh Thuận, Kiên Giang) với sông Trèm Trẹm (Thới Bình, Cà Mau).

Dẫn giải thêm để thấy vị trí của bến chuyển quân Chắc Băng là vô cùng thuận lợi, bởi chỉ cần tới sông Trèm Trẹm, rẽ trái là thẳng đến vàm sông Ông Ðốc, nơi có các tàu lớn chuyển quân ra Bắc.

Ông Phạm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Trí Phải, thông tin: “Thông qua tư liệu lịch sử và những chứng nhân kể lại, vùng Trí Phải ven kênh xáng Chắc Băng là bến chuyển quân lớn tại Cà Mau trong sự kiện 200 ngày đêm tập kết ra Bắc. Càng gần đến ngày chia tay thì nơi đây càng nhộn nhịp lực lượng tập kết và thân quyến tiễn đưa”.

Tại Chắc Băng, Ban Chuyển quân của ta và Pháp cùng phối hợp công việc cho các chuyến trung chuyển. Cứ cách khoảng 7-10 ngày sẽ có một chuyến chuyển quân ra bến lớn ở vàm sông Ông Ðốc. Ở kênh xáng Chắc Băng, ta tổ chức xây dựng bến tàu dã chiến, không làm cầu tàu, bởi trưng dụng tàu đổ quân của Pháp, chỉ cần quay mũi tàu, hạ bửng cặp bờ làm cầu di chuyển thuận lợi.

Chắc Băng nhộn nhịp hẳn khi gần đến ngày chia tay. Một khu lán dài mấy công đất được cất ngay bên dòng Chắc Băng cho lực lượng tập kết. Nhân sự vào khu vực này nghĩa là đã có danh sách “đi”, chỉ chờ chuyến trung chuyển điểm danh là lên đường ra các tàu lớn của Ba Lan, Liên Xô đang đợi sẵn ở sông Ông Ðốc. Trong thời gian chờ đợi, bà con vùng Trí Phải đã niềm nở đón tiếp lực lượng tập kết và thân quyến trong tình đồng bào, đồng chí ruột thịt.

Bà Nguyễn Thị Mang, Ấp 10, xã Trí Phải, vẫn nhớ về chuyện người cha của mình: “Cha tôi, ông Nguyễn Văn Mênh, dân cố cựu Trí Phải này, hồi tập kết đã mua hẳn con trâu về mổ thịt để cung cấp lương thực cho lực lượng đi tập kết”. Theo lời người cha đã quá cố kể lại, bà Mang cho biết: “Lúc đó, nhà ai cũng nghèo như ai, chỉ có tấm lòng với cách mạng, với bộ đội là lớn hơn hết thảy. Không chỉ hồi tập kết thôi đâu, gia đình tôi sau này cũng là nơi nuôi dưỡng, cưu mang cho nhiều cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ”.

Bà Nguyễn Thị Mang (con ông Nguyễn Văn Mênh, người mổ trâu tiếp tế lương thực cho lực lượng tập kết) hiện nay có sinh kế chính là nghề đan sọt gia công. Bên cạnh bà Mang là con gái út Nguyễn Thị Thu Lan vừa tốt nghiệp THPT và nhọc nhằn ước mơ được học tiếp.   

Hỏi thêm về đời sống hiện nay, bà Mang tâm tình: “Cha tôi không đòi hỏi gì, tôi có mấy bận làm giấy tờ để công nhận chính sách cho cha nhưng không được. Ngặt cái nhà tôi giờ cũng khó khăn, đứa con gái út vừa tốt nghiệp THPT điểm khá lắm, mà chắc không học tiếp lên được nữa”... Em Nguyễn Thị Thu Lan, con gái bà Mang, chia sẻ: “Chuyện ông ngoại hồi trước góp sức cho cách mạng mẹ vẫn hay nhắc, em tự hào lắm. Thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, điểm bình quân các môn của em đạt gần 7,5, tổng điểm hết là 44,5 điểm. Nhưng chắc em phải nghỉ một thời gian, đi làm thêm để kiếm tiền lo cho việc học tiếp. Mẹ em hiện chỉ có nghề đan sọt gia công kiếm đồng ra, đồng vô thôi”...

Chúng tôi thành kính thắp nén nhang cho má Tư Tố, như cách thân thương của bà con vùng Trí Phải gọi bà Lê Thị Sảnh, người dâng tặng cây vú sữa miền Nam đến Bác Hồ. Ông Lê Thanh Hùng, cháu nội của bà Lê Thị Sảnh, kể: “Anh em tôi theo họ bà nội, thờ tự căn nhà hương hoả này. Hồi sinh thời, thỉnh thoảng lắm bà mới kể về việc gởi bộ đội đi tập kết cây vú sữa để kính tặng Bác Hồ. Cây vú sữa đó bà nội tôi bầu trong cái bình tích uống trà sứt vòi, tha thiết nhắn gởi cán bộ tập kết (người nhận là Chỉ huy Ðại đội 370 Pháo binh, Tiểu đoàn 307) tấm lòng mình: “Ra ngoài đó, các con thưa với Cụ Hồ, thưa với cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về Cụ Hồ, hướng về miền Bắc”.

Con cháu bà Lê Thị Sảnh vẫn trồng cây vú sữa để nhắc nhớ về tổ tiên, nguồn cội. 

Cây vú sữa của má Tư Tố đã trở thành biểu tượng bất tử, thiêng liêng của tấm lòng, tình cảm mà Nhân dân miền Nam gởi đến Bác Hồ. Trong quãng thời gian học tập tại Thủ đô, được tận mắt nhìn cây vú sữa miền Nam do bà má Trí Phải gởi, tôi, một người con Cà Mau, bồi hồi xúc động. Bên Nhà sàn của Bác, được kể về tình cảm lớn lao của Bác dành cho cây vú sữa, càng thêm thấm thía nỗi niềm của Người: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Sau này (năm 1995), cây vú sữa miền Nam bên Bác đã được chiết nhánh, đem về trồng, chăm sóc tại Phủ thờ Bác tại xã Trí Lực hiện nay. Nghe thông tin xã Trí Phải dự định xây dựng tuyến đường trồng toàn cây vú sữa, chúng tôi khấp khởi mừng, đó cũng là một cách hay để lưu giữ, tái hiện những câu chuyện đẹp của lịch sử quê hương.

Con cháu má Tư Tố vẫn trồng vú sữa trước nhà, như cách để tưởng nhớ về nguồn cội. Em Nguyễn Quốc Khang, chuẩn bị lên lớp 7 (gọi má Tư Tố là bà sơ) vịn nhành vú sữa trổ bông, cười tươi khoe: “Ở lớp nghe thầy cô nói về cây vú sữa miền Nam, con nói với các bạn rằng cây vú sữa đó của bà sơ tui gởi ra tặng Bác Hồ trong sự kiện tập kết ra Bắc, bạn nào cũng trầm trồ hết”.

Dòng Chắc Băng vẫn mải miết chảy cùng với thời gian. Hết lớp người này lại đến lớp người khác ở vùng đất Trí Phải tiếp nối tấm lòng sắt son với Ðảng, với cách mạng. Mút tầm mắt trên dòng nước thẳng, trầm tích thời gian, những điều hiện hữu cùng gợi lên những nhớ nhung, suy tư không dứt...

 

Ghi chép của Phạm Hải Nguyên

 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.

Bến tập kết năm xưa

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định, cùng với Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh (Ðồng Tháp), thì Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là bến tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, tạo nguồn cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam.

Xúc cảm vẹn nguyên

Từ những ngày đầu tháng 11, cao điểm các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) được diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Ðối với những người trong cuộc - chứng nhân của dấu mốc lịch sử ấy lại ùa về bao cảm xúc bồi hồi, nôn nao ngày họp mặt để sống lại hồi ức cách nay 70 năm, ngày lên tàu rời quê hương với niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.

Từ Sông Ðốc các anh đi

Vào khoảng cuối năm 1954, mấy chục căn nhà dọc theo sông Cái Bát (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi ngày nay) đều có bộ đội đóng quân, riêng căn nhà 3 gian của tôi đủ chứa cả tiểu đội. Các anh di chuyển bằng những chiếc xuồng năm lá, từ Cần Thơ, Vĩnh Long... xuống. Chỉ ít hôm là các anh đi, về đâu tôi chẳng hề biết, chỉ để lại tình cảm quân - dân như cá với nước. Cho đến khi lớn lên, đi làm cách mạng, tôi mới biết Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày, vậy là chắc các anh đi về Sông Ðốc để lên tàu tập kết ra Bắc.

Bác Ba Lê Duẩn và Nghị quyết 15

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sông Đốc sẵn sàng cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc (1954-2024)

Chỉ còn 2 ngày nữa tại thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, ghi nhớ sự kiện các chuyến tàu chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam.

Nói chuyện chuyên đề vai trò phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (14/11), Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau tổ chức buổi chuyên đề Vai trò đóng góp của phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc và hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. 

Lịch sử vọng vang

Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết (20/7/1954), Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ với thời hạn 200 ngày. Sau 70 năm, với độ lùi của thời gian, sự kiện tập kết ở Cà Mau đã được đánh giá, khẳng định ngày càng toàn diện, thấu đáo về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử cách mạng của địa phương, Nam Bộ và đất nước.