(CMO) "Từ đầu năm đến nay, bệnh dại diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Ngành chuyên môn phát hiện 10 ổ dịch bệnh trên chó dương tính với vi rút bệnh dại và đã có 4 người tử vong do chó, mèo mắc bệnh dại cắn. UBND tỉnh xuất ngân sách địa phương mua vắc xin tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động hộ dân chủ động tiêm phòng cho vật nuôi từ kinh phí của hộ dân", Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy thông tin.
Ông Nguyễn Thành Huy cho biết: "Từ đầu tháng 11 đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Tân và TP Cà Mau nhận được tin báo có chó cắn người, đến kiểm tra các con chó trên thì thấy có các biểu hiện chảy nước dãi và rất hung dữ. Cán bộ trạm nghi ngờ chó bị bệnh dại nên tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm 4 trường hợp đều dương tính với vi rút dại. Đặc biệt là có 3 trường hợp xảy ra trên địa bàn TP Cà Mau. Đó là vào ngày 7/11, chó của bà Hà Mai Lý cắn người ở Ấp 4, xã Tắc Vân; Ngày 12/11 chó vô chủ cắn người ở Ấp 6, xã An Xuyên và ngày 15/11 con chó vô chủ cắn người ở Khóm 5, Phường 8.
Tập quán nuôi chó thả rông của nhiều hộ dân gây nguy hiểm cho những người dân xung quanh. |
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Tân và TP Cà Mau phối hợp với UBND các xã, phường tiếp tục nắm tổng đàn chó, mèo xung quanh ổ dịch để tiêm phòng bao vây, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch để khống chế không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng 21.112 liều vắc xin dại cho chó mèo (chỉ đạt 12,89% so với tổng đàn 163.894 con). Trong đó, có 14 ngàn liều vắc xin theo chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 của tỉnh (không thu phí) và 8.112 liều vắc xin dại xã hội hoá (có thu phí).
Ông Nguyễn Thành Huy chia sẻ: "Tỉnh Cà Mau với địa bàn rộng, địa hình sông ngòi chằng chịt, đường đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên công tác quản lý và tiêm phòng đàn chó nuôi của một số địa phương chưa được thực hiện tốt. Hơn nữa, nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa nuôi chó thả rông, hiểu biết về bệnh dại còn hạn chế, một số trường hợp khi bị chó cắn không tiêm vắc xin, đa số trường hợp tử vong do chỉ lấy nọc hoặc điều trị bằng thuốc nam.
Hiện nay tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo đạt thấp do người nuôi chó không phối hợp với ngành chuyên môn để thực hiện (chỉ khi được cấp vắc xin tiêm phòng miễn phí tại các xã có ổ dịch dại thì người nuôi mới tiêm phòng). Mặt khác, thời gian qua do tập trung các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi nên các địa phương chưa triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định như: Không tổ chức tiêm phòng vắc xin dại định kỳ, chưa rà soát để quản lý đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn.
Hiện nguồn vắc xin tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo của tỉnh Cà Mau năm 2019 đã hết, nguồn kinh phí để mua vắc xin dại và tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch dại gặp khó khăn, do sắp hết năm 2019 nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau không thực hiện kịp các thủ tục mua vắc xin dại và thanh quyết toán nguồn kinh phí của năm 2019 nếu được cấp.
Trước khó khăn trên, để kịp thời xử lý các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng, ngày 18/11, UBND tỉnh Cà Mau có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết hỗ trợ cho tỉnh 10 ngàn liều vắc xin dại từ nguồn dự trữ quốc gia để thực hiện công tác khống chế bệnh dại trên chó, mèo đang diễn ra trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Huy cho biết thêm: "Từ nay tới cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau tiếp tục chủ động phối hợp với ngành y tế và UBND các huyện, thị trấn, xã, phường trong địa bàn đang có dịch, đã có dịch trước đây rà soát các đối tượng nguy cơ, tiêm phòng triệt để cho đàn chó tại các khu vực này. Tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ và xử lý ngay các trường hợp chó cắn người, chó, mèo có biểu hiện không bình thường; Quản lý, giám sát chặt chẽ những con chó bị những con chó có biểu hiện bệnh dại cắn. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức bắt chó thả rông trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền đến các hộ nuôi chó, người dân trong vùng về cách phòng, tránh bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh dại./.
Hồng Phượng