Trung tâm Y tế huyện Ðầm Dơi cho biết, tình hình bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh đang tăng cao. Tuy bệnh này vẫn đang được kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát thành dịch là rất lớn nếu như cộng đồng không có những biện pháp phòng, chống tích cực.
Trung tâm Y tế huyện Ðầm Dơi cho biết, tình hình bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh đang tăng cao. Tuy bệnh này vẫn đang được kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát thành dịch là rất lớn nếu như cộng đồng không có những biện pháp phòng, chống tích cực.
Toàn huyện Ðầm Dơi hiện ghi nhận gần 110 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng. Bệnh tập trung nhiều tại các xã Trần Phán, Tân Ðức, Nguyễn Huân và thị trấn Ðầm Dơi. Ðây cũng là những địa phương có tỷ lệ mầm bệnh lưu hành cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
![]() |
Bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng điều trị nội trú tại Bệnh viện Ða khoa khu vực Ðầm Dơi. |
Bác sĩ Trần Bé Ðoan, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðầm Dơi, thông tin: “Trung tâm Y tế đã triển khai ngay đến các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng bệnh tay - chân - miệng; đồng thời, tiến hành giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát sinh trong cộng đồng. Theo thống kê của trung tâm, có đến hơn 90% số ca mắc bệnh tay - chân - miệng được phát hiện nơi tập trung dân cư”.
Tại Bệnh viện Ða khoa khu vực Ðầm Dơi trong những ngày qua, trẻ đến nhập viện do tay - chân - miệng đang tăng nhanh. Ða số các ca bệnh đều nhẹ và được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, đây là bệnh lây truyền, nếu chủ quan, lơ là trong phòng, chống, cũng như điều trị bệnh sẽ để lại những di chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Bác sĩ Dương Quốc Thống, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa khu vực Ðầm Dơi, cho biết: “Trong các bệnh được bệnh viện tiếp nhận điều trị trong thời gian gần đây, bệnh tay - chân - miệng chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Xác định được vấn đề này, bệnh viện đã chủ động bố trí các bàn khám tiếp nhận, cử các bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị tay - chân - miệng đến khám, sàng lọc và phân loại bệnh, nhằm có hướng xử lý kịp thời”.
Bệnh tay - chân - miệng có tỷ lệ lây lan nhanh, mầm bệnh còn tiềm ẩn rất lớn trong cộng đồng. Do đó, ý thức phòng bệnh được xem là yếu tố quan trọng. Trong thời điểm dịch bệnh đang tăng cao như hiện nay, các bậc phụ huynh cần chủ động giám sát, theo dõi trẻ. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng, cần chủ động cách ly, đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời./.
Bài và ảnh: Quốc Văn