ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 21:52:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Biểu tượng lòng dân miền Nam với Bác

Báo Cà Mau Trong kháng chiến chống Mỹ, đền thờ, phủ thờ Bác là “pháo đài niềm tin”, là biểu tượng lòng dân đối với Ðảng, với Bác Hồ, nhưng là cái gai trong mắt Mỹ - nguỵ. Vì vậy, kẻ địch luôn tìm cách dẹp bỏ bằng những trận càn quét, bắn phá. Nhưng chúng bất lực trước tinh thần bám trụ, bảo vệ và kiên quyết đấu tranh của Nhân dân ta.

Nhớ chuyến tìm về vùng Trí Lực, Trí Phải - nơi rạng danh bởi tấm lòng má Lê Thị Sảnh gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam năm 1954, mà không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay. Chúng tôi tìm gặp ông Lê Trung Hiếu (Ba Hiếu), 83 tuổi, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), sau lời chào hỏi, ông Ba Hiếu bắt đầu câu chuyện bằng ký ức đẹp cách nay hơn nửa thế kỷ: “Tháng 3/1973, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Ðảm, Bí thư Huyện đoàn Thới Bình (nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) khởi xướng lập Phủ thờ Bác Hồ ở ngã tư Kênh 30 và Kênh 7, xem đây là công trình chào mừng Ðại hội Ðoàn của huyện, với khẩu hiệu “Tuổi xuân quyết báo đền ơn Bác”. Theo tiếng gọi, thanh niên trong xã dùng xuồng, ghe vận chuyển đất đắp đầy hố bom rộng 3 ha lập nền xây Phủ thờ Bác Hồ và được trùng tu, bảo vệ cho đến ngày nay”.

Giờ đây, trong khuôn viên Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực có cả một vườn vú sữa bốn mùa sum suê, đó đều là giống cây chiết cành từ cây vú sữa năm xưa má Sảnh gởi tặng Bác Hồ. “Sau khi đất nước độc lập, cây được chiết nhánh từ Hà Nội chuyển về Cà Mau và trồng ở Phủ thờ Bác. Cây trồng xuống là bén đất. Từ ngày ấy, khuôn viên phủ thờ bắt đầu nhân thêm giống, giờ thành vườn vú sữa quanh năm xanh mát”, ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết.

Từ câu chuyện cảm động về Phủ thờ Bác Hồ và vườn cây vú sữa, làm tôi nhớ đến những đền thờ, phủ thờ Bác khắp miền Tây sông nước Cửu Long.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh ÐBSCL phát huy vai trò giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

“Giữa lúc cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, những người con miền sông nước Cửu Long vô cùng đau đớn khi hay tin Hồ Chủ tịch qua đời. Với lòng kính yêu vô hạn, bất chấp bom đạn của kẻ thù, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) tổ chức lễ truy điệu Bác dưới nhiều hình thức. Không chỉ thế, người miền Tây lập bàn thờ, dựng đền thờ, phủ thờ để tưởng nhớ Người. Trải qua hơn nửa thế kỷ, những công trình ấy vẫn sừng sững uy nghiêm như biểu tượng kiên trung của lòng dân với Bác”, Ðại tá Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu 9, chia sẻ.

Sinh thời, Bác Hồ luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt, Nhân dân miền Nam cũng hết lòng kính yêu và mong đợi một ngày Bác vào thăm. Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao, sức yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường theo dõi tin tức và mong muốn được vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Năm 1968, Người đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn, đề nghị tổ chức cho Bác vào thăm miền Nam, nhưng chưa thực hiện được mong muốn đó thì Người đã đi xa. Với nỗi đau thương, cùng với đồng bào cả nước, cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân miền Nam khóc tiễn đưa Người.

Chiến sĩ trẻ ấn tượng với hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh ĐBSCL.

Với lòng tưởng nhớ sâu sắc, Nhân dân và chính quyền cách mạng đã xây cất đền thờ Bác. Theo thống kê, ở ÐBSCL có 34 đền thờ Bác Hồ được dựng lên. Cho đến nay, hầu hết các đền thờ Bác Hồ đều được tu bổ, tôn tạo khang trang.

Nhắc về quá khứ hào hùng trong đấu tranh bảo vệ Ðền thờ Bác ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Ðức, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), ông Nguyễn Ðức Tố, Trưởng ban Quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh, thông tin: “Ðền thờ Bác ở Trà Vinh xây dựng vào cuối tháng 3/1970 và hoàn thành vào ngày 30 Tết năm 1971; đền nằm giữa vòng vây, kìm kẹp của Mỹ - nguỵ. Sự tồn tại của ngôi đền như cái gai chọc vào mắt địch, nên chúng thường xuyên càn quét, đánh phá. Trong thời gian xây dựng, bảo vệ đền thờ đến ngày đất nước giải phóng, quân và dân Long Ðức bẻ gãy hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo, tàu chiến của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên. Song, cũng có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng Nhân dân anh dũng hy sinh như Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Văn Trị...”.

Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với vai trò người bảo vệ Ðền thờ Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa), ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), mở lòng: “Sau lễ truy điệu, vì chưa kịp xây dựng đền thờ Bác nên Xã uỷ Châu Thới mượn tạm ngôi nhà của người dân để thờ Bác. Ðầu năm 1971, địch càn quét vào ấp Bà Chăng A, dã tâm đốt phá. Hành động ấy làm cho Nhân dân thêm căm phẫn. Bằng quyết tâm và biến đau thương thành hành động, sáng 25/4/1972, ngôi đền chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành trong 24 ngày”.

Ðể bảo vệ đền thờ, xã Châu Thới còn lập tổ bảo vệ do ông Bảy Khoa và 6 đồng chí khác phụ trách. Nhận nhiệm vụ, Ðảng bộ và đồng đội tổ chức cho tổ bảo vệ thề nguyện với khí tiết sẵn sàng hy sinh (lễ tế sống - PV). Từ ngày ấy, khi có thông tin giặc càn quét là tổ bảo vệ bố trí phương án ngăn chặn từ xa. Trải bao mưa bom, bão đạn, đền thờ vẫn vững chãi như lòng dân Châu Thới kiên trung.

49 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, hệ thống đền thờ, phủ thờ Bác Hồ trở thành biểu tượng văn hoá, lịch sử quan trọng trong đời sống của quân, dân miền sông nước Cửu Long. Hằng năm, các đền thờ, phủ thờ luôn duy trì hoạt động mừng sinh nhật Bác, lễ giỗ, dâng hương, báo công... tạo nên nét văn hoá rất riêng biệt. Hiện có 3 đền thờ, phủ thờ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, 6 đền là Di tích cấp tỉnh.

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố của cả nước, Cà Mau xây dựng đền thờ Bác Hồ ngay sau khi Bác Hồ qua đời, để tỏ lòng thành kính.

Nhà sàn Bác Hồ tại Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tỉnh Cà Mau), địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

“Ý nguyện được ra Hà Nội viếng Bác và thăm nhà sàn nơi Bác ở lúc sinh thời luôn thôi thúc trong lòng mỗi người dân Ðất Mũi. Nhưng vì khoảng cách địa lý xa xôi, kinh tế khó khăn, nên không phải ai cũng thực hiện được. Tháng 10/1994, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Minh Hải xin chủ trương xây dựng Nhà sàn Bác Hồ để mọi người đều được đến viếng thăm”, ông Lê Minh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Cà Mau, thông tin.

Lòng cảm mến vị cha già dân tộc còn được thể hiện bởi nhiều hoạt động, tiêu biểu là việc sáng tạo các chất liệu làm ảnh chân dung Bác. Ở ÐBSCL ghi nhận tác phẩm sớm nhất, ấn tượng nhất là bức tranh vẽ bằng máu từ cánh tay mình của Hoạ sĩ Diệp Minh Châu (tỉnh Bến Tre) trong ngày 2/9/1947, chủ đề Hồ Chủ tịch với 3 cháu thiếu nhi Bắc - Trung - Nam. Ngày nay, với các chất liệu khác nhau, vừa quen thuộc, vừa đặc trưng của vùng đất miền Tây Nam Bộ như: lá thốt nốt, lá chuối, mo cau, vỏ tràm, lá sen, gạo... văn nghệ sĩ và Nhân dân ÐBSCL nghiên cứu, sáng tạo thành nhiều tác phẩm chân dung Bác Hồ. Hiện, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh ÐBSCL (ở TP Cần Thơ) đang sưu tập, trưng bày.

Chân dung Bác Hồ bằng lá sen do Nghệ nhân Lê Văn Nghĩa, tỉnh Đồng Tháp, nghiên cứu sáng tạo.

Cùng tìm hiểu về các hiện vật người dân ÐBSCL sưu tầm, sáng tác về Bác, nhiều bạn trẻ tâm đắc và quyết tâm rèn luyện, phấn đấu trên từng cương vị, lĩnh vực công tác, hoạt động, học tập.

Em Võ Ngọc Bảo Trân, học sinh lớp 12, Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), bày tỏ: “Bản thân em rất tự hào khi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ đó có phương châm sống, học tập tích cực. Những hiện vật về Bác của Nhân dân vùng ÐBSCL càng thôi thúc thế hệ học sinh chúng em xây dựng lý tưởng đẹp và là công dân có ích như di nguyện của Người”.

Mỗi lần nhớ về Bác, nhớ những tình cảm thiêng liêng, bao la rộng lớn Người dành cho dân tộc Việt Nam, cho miền Nam, vẫn làm xúc động triệu triệu trái tim. Tình cảm, sự trân trọng, tấm lòng kính yêu của quân, dân ÐBSCL về Bác cả hôm nay và mai sau vẫn thuần khiết, sắt son./.

 

Phong Phú - Phúc Danh

 

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.