(CMO) Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi cùng bà con nơi đây làm bánh để đón chào năm mới. Không khí chuẩn bị tết ở thôn quê tuy bình dị nhưng vô cùng ấm áp.
Tay chậm rãi lau từng miếng lá chuối, bà Hồ Thị Nguyệt, 84 tuổi, ở ấp Mương Điều A, xã Tạ An Khương, kể: “Con gái nhà quê như thời của tôi đứa nào cũng biết làm bánh. Khoảng 11 tuổi là tôi làm thành thạo món bánh tét rồi”.
Gắn bó với món bánh tét truyền thống suốt thời con gái, bà Nguyệt xem đó là niềm vui, tự hào khi được gia đình truyền lại bí quyết làm bánh tét ngon.
Làm bánh tuy vất vả nhưng rất vui. |
“Làm bánh tét có khó gì đâu, nguyên liệu nếp, đậu, chuối có sẵn hết rồi. Bánh có thơm ngon hay không đều nhờ khâu nêm nếm cho đủ vị. Bánh có tròn, đẹp hay không là do đôi bàn tay khéo léo của người gói. Bánh phải được gói từ lá chuối tươi và dây lác thì khi bánh chín mới dẻo, thơm ngon, đậm vị. Gói bánh tét tuy kỳ công nhưng tết nhứt ở quê nhà nào cũng phải có, trước thì cúng ông bà ngày 30, sau đãi khách cho ấm tình chòm xóm”, bà Nguyệt trải lòng.
Không chỉ có bánh tét mà người nội trợ nhà quê còn sáng tạo thêm những loại bánh khác để cùng gia đình chào đón năm mới.
Chị Dương Kim Loan, 42 tuổi ở ấp Tân Phú, xã Tạ An Khương, trần tình: “Hồi trước làm bánh cực nhọc lắm, nhưng nhà nào cũng làm để dâng cúng ông bà trong mấy ngày tết. Nghề làm bánh bông lan của tôi là do mẹ tôi truyền lại. Thời ấy nhà có đám tiệc hay tết nhứt mới làm, giờ thì làm bánh bông lan trở thành nghề tạo thu nhập cho gia đình tôi”.
Từ món bánh quê dân dã truyền thống, gia đình chị Loan có nguồn thu nhập ổn định. Bánh ngon nức tiếng nên nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chị Lê Ngọc Bích, ấp Tân Phú, xã Tạ An Khương, cũng nhờ nghề làm bánh bông lan mà có cuộc sống ổn định. Chị bày tỏ: “Tôi làm theo đơn đặt hàng với số lượng lớn, ai cần loại bánh nào thì tôi cung cấp. Gần đây tôi còn sáng tạo thêm bánh bông lan trứng muối để tạo sự đa dạng, phong phú về chủng loại bánh. Mỗi ngày nướng vài ký bánh thì thu nhập trên 200 ngàn đồng”.
Gia đình quây quần gói bánh tét ngày tết. |
“Không chỉ phục vụ những ngày tết, đám tiệc mà bánh bông lan hay các loại bánh khác ở địa phương đều được chị em phụ nữ nơi đây làm ra để tăng thu nhập. Phong trào làm bánh tạo thu nhập được Ban chấp hành Hội LHPN xã Tạ An Khương triển khai sâu rộng đến từng hội viên. Nghề làm bánh còn tạo sự gắn kết, chia sẻ giữa chị em, giúp phụ nữ địa phương có được niềm vui trong cuộc sống”, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tạ An Khương Hồ Kim Huyên chia sẻ.
Bà Hồ Thị Nguyệt cẩn thận từng công đoạn gói bánh. |
Bánh tét là món ăn luôn có mặt trong những ngày tết. |
Bánh quê không chỉ phục vụ những dịp trọng đại trong gia đình mà đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Những chiếc bánh dân dã, bình dị nhưng gói trọn những yêu thương từ bàn tay người phụ nữ trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình, góp phần cho xã hội ngày thêm phát triển./.
Hằng My