Cách kể chuyện của Nhà văn Nguyễn Thanh (Mười Thanh) trầm tĩnh, hiền lành nhưng tôi vẫn cảm được sự sôi sục, háo hức ngay thời điểm Ban Biên tập, phóng viên, hoạ sĩ của Tạp chí Lúa Vàng hoà vào dòng người từ căn cứ Giáp Nước gồm nhiều cơ quan cấp tỉnh tiến ra bến đò Rạch Rập bằng xuồng máy, xuồng chèo, đi bộ… Ðoàn người đi trong hân hoan, hối hả, hình dung một chút nữa thôi họ sẽ sống trong hạnh phúc tột cùng khi “đất trời đã về ta”.
Cách kể chuyện của Nhà văn Nguyễn Thanh (Mười Thanh) trầm tĩnh, hiền lành nhưng tôi vẫn cảm được sự sôi sục, háo hức ngay thời điểm Ban Biên tập, phóng viên, hoạ sĩ của Tạp chí Lúa Vàng hoà vào dòng người từ căn cứ Giáp Nước gồm nhiều cơ quan cấp tỉnh tiến ra bến đò Rạch Rập bằng xuồng máy, xuồng chèo, đi bộ… Ðoàn người đi trong hân hoan, hối hả, hình dung một chút nữa thôi họ sẽ sống trong hạnh phúc tột cùng khi “đất trời đã về ta”.
40 năm ngỡ mới hôm nào…
Hoạ sĩ Nguyễn Hiệp nhận nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ từ ngày 15/4/1975, lãnh đạo dặn dò rất kỹ để anh thể hiện tác phẩm. Nhận được mệnh lệnh này, anh thực hiện ngay. Bức chân dung vẽ chưa xong thì được lệnh hành quân từ Giáp Nước tiến về nơi tập kết để tiếp cận nhanh khi thị xã Cà Mau giải phóng. Vừa hành quân vừa vẽ. Hoạ sĩ Lê Việt Hồng, Giang Minh Chánh, Trần Thanh Hoàng… cũng tất bật để hoàn thành các bức tranh cổ động, khẩu hiệu và cả chân dung Bác Hồ để kịp phục vụ trong ngày giải phóng. Khi có lệnh hành quân, các anh đã sẵn sàng mọi thứ và hết sức phấn chấn. Anh Lê Việt Hồng vẫn nhớ như in hình ảnh những người lính nguỵ còn nguyên quân phục trên đường về quê, tay vẫy chào đoàn quân giải phóng dọc 2 bờ kinh Rạch Rập chiều 30/4.
Anh Hoàng Lân, cán bộ hội hoạ cùng bộ phận trang trí khánh tiết thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau làm việc cật lực chuẩn bị cho ngày giải phóng miền Nam. Ảnh: VÕ AN KHÁNH |
Nhà báo Phạm Văn Tri bây giờ đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng không quên bất kỳ chi tiết nào lúc anh nhận nhiệm vụ từ người lãnh đạo Nguyễn Kiên Ðịnh (Sáu Kiên), Trưởng Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ. Anh đã sắp đặt từng công việc để khi tiếp thu là triển khai ngay. Anh cho rằng, thời điểm này không còn việc gì quan trọng hơn, không còn vấn đề gì đáng quan tâm hơn, tất cả anh em nhà báo, văn nghệ sĩ toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt nhiệm vụ cho ngày tiếp quản thị xã Cà Mau.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Ðương và Ðạo diễn Lệ Minh “tung hứng” nhịp nhàng khi diễn tả cảm xúc của mình 40 năm về trước. Họ kể rằng, chú Mười Mây (Lâm Tường Vân), Trưởng Ðoàn Văn công tỉnh triển khai công tác đặc biệt. Mặc dù nói công tác đặc biệt nhưng anh em ngầm hiểu “giờ lịch sử” đã đến. Mấy đêm liền từ diễn viên, nhạc công, kỹ thuật, phục trang… thức trắng, vừa dựng vở mới vừa may trang phục, kiểm tra máy móc, âm thanh, nhạc cụ sẵn sàng phục vụ đồng bào ngoài thành. Anh em dặn dò nhau phải hết sức cẩn thận, nhất là các diễn viên nữ khi tiếp xúc môi trường mới.
Nhớ nhất là cảnh tiễn đưa đội “cảm tử quân” gồm 5 anh em của đoàn gia nhập lực lượng tiên phong của Ban Tuyên huấn tỉnh “chốt” các điểm đã được bố trí khi vào thành. Theo nguồn tin các anh nhận được thì vẫn còn lát đát những tên ngoan cố nên ta chủ động đề phòng, vì vậy, Ban Tuyên huấn đã thành lập đội “cảm tử quân” gồm các tiểu ban kết hợp với lực lượng vũ trang. Những chiếc khăn rằn, chai dầu gió, chiếc lược, cây viết… chị em trong đoàn ân cần trao tay, bịn rịn và lo lắng cho anh em được biên chế vào đội cảm tử, còn các anh em được giao nhiệm vụ “cảm tử” thì sung sướng, tự hào được làm sứ mệnh thiêng liêng này.
Buổi sáng tháng 5 lịch sử
Sáng 1/5/1975, những chiếc tàu, xuồng máy dòng theo sau những chiếc xuồng ba lá đầy ắp người đổ về ngã ba Công Chánh, dưới chân cầu cũ, ngã ba Chùa Bà, chỗ nào thuận lợi thì tàu, xuồng máy ghé vô.
Bỗng chốc thị xã Cà Mau đón lượng người đông chưa từng có. Chợ Cà Mau rợp trời cờ Mặt trận giải phóng nửa đỏ, nửa xanh, ngay giữa có sao vàng. Ðường phố, những vị trí quan trọng ngập tràn băng rôn, khẩu hiệu. Bức chân dung Bác Hồ của Hoạ sĩ Nguyễn Hiệp được treo ở sân Bạch Ðằng, trung tâm thị xã Cà Mau. Ồn ào, tấp nập như thế nhưng không hề xảy ra bất cứ biến cố nào bởi Uỷ ban Quân quản đã thiết lập bộ máy rất chặt chẽ, nhanh chóng triển khai công tác giữ gìn, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội. Vai trò nòng cốt là lực lượng vũ trang phối hợp với các đoàn thể quần chúng, cơ sở hoạt động nội thành và thanh niên tiến bộ.
Chợ Cà Mau, các hàng quán bày bán bình thường, chủ yếu phục vụ thị dân, còn cán bộ, chiến sĩ lúc đó thận trọng việc ăn uống, họ tự nấu ăn ở cơ quan hay ăn tại nhà người quen, thân nhân. Ra đường chủ yếu là đi bộ, những cán bộ trẻ tò mò, thích khám phá nên chọn xe lôi, xe lam, xe ôm đi từ nơi này sang nơi khác để ngắm nhìn phố thị.
Tim Nhà văn Nguyễn Thanh đập rộn ràng khi anh nhìn thấy cây cầu bến đò Rạch Rập mà tuổi thơ anh ngày hai lượt đi về. Cũng như nhà văn Nguyễn Thanh, các anh chị khác cũng nôn nao không kém khi trước mắt họ phố thị hiện ra, điều mơ ước lớn lao nay đã thành hiện thực.
Nơi đầu tiên anh Mười Thanh nhanh chân tìm đến là Trường Trung học An Xuyên. Anh đã xa nơi đây hơn 10 năm với biết bao kỷ niệm tuổi học trò. Một chiếc xe Jeep trờ tới. Ồ! Chú Mười! Thế là Nguyễn Thanh, Lê Thông, Nguyễn Minh và vài anh em khác rời trường cũ, lên xe chạy thẳng ra sân bay rồi xuống bo bo đi dọc theo tuyến sông Cà Mau, anh thấy lòng mình lâng lâng, hạnh phúc trào dâng không sao tả được, sự thật là đây mà ngỡ trong mơ.
Nhà báo Nguyễn Minh (Minh Nối) chia sẻ: Chiều 1/5/1975, loa truyền thanh trong thị xã đã vang lên tiếng nói cách mạng đầu tiên. “Phát thanh viên” là ông Nguyễn Minh Gấm, Phó Tiểu ban Tuyên truyền, ông đọc hết sức hùng hồn và truyền cảm bài xã luận “Nhiệt liệt chào mừng thị xã Cà Mau hoàn toàn giải phóng” do Nhà báo Lê Hữu Nghiêm, Phó Tiểu ban Thông tấn Báo chí, viết ngay thời điểm hừng hực khí thế chiến thắng. Ðây được xem là “chiến công” đầu tiên của Tiểu ban Tuyên truyền, đã để lại dấu ấn khó quên của người dân thị xã với lời xướng “Ðây là Ðài Phát thanh Cà Mau giải phóng”.
Các cơ quan hoạt động liên tục đó là Uỷ ban Quân quản, bưu điện, nhà đèn, bệnh viện… Lúc đó Viễn thông Cà Mau có trên dưới 200 số, muốn điện thoại phải qua tổng đài chứ không quay số trực tiếp nên nhân viên phải trực 24/24.
Tuy chưa có trụ sở đầy đủ, phần lớn cán bộ dân chánh ở tạm nhà dân nhưng không vì thế mà hạn chế công việc. Còn bộ đội thì tập trung ở các doanh trại. Nhà báo Phạm Văn Tri nhớ lại, những ngày đầu được bà con trong thành đón tiếp nồng nhiệt, chân tình và chu đáo. Bà con dành cho cán bộ, chiến sĩ ta những gì tốt đẹp nhất mà họ có. Ðối với giáo viên và học sinh, không bao lâu đã thân quen, hoà nhập, không còn e dè, lo lắng nữa bởi họ được cán bộ tuyên truyền giải thích chủ trương, chính sách của cách mạng rất rõ ràng, hợp tình, hợp lý.
Nghệ sĩ Huỳnh Khánh nhắc về giây phút đội “cảm tử quân” khi gặp lại Ðoàn Văn công trong thành phố. Anh em ôm chầm lấy nhau, mấy cô gái oà khóc trong vui mừng không thể tả. Diễn viên Thanh Xuân và Việt Tiên bây giờ tóc đã điểm bạc nhưng khi diễn tả lại giây phút đó họ như trở về lứa tuổi 14-15: “Hồi đó, chỉ biết giải phóng rồi thì không bị máy bay bỏ bom, biệt kích hết bắn giết bà con mình chứ không hiểu được ý nghĩa lớn lao về độc lập đâu! Lần đầu tiên mấy tụi tui thấy phố phường, được đi chợ, nhìn xe chạy, món ăn thích nhất là cây cà rem, tối đến đèn điện sáng trưng, nhìn hoài không biết chán…”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh nhớ lại: “Ngày đầu tiên tôi và mấy anh em Lê Thông, Ðức Thượng, Biên Cương, Bình Ðại, anh Thắng… đặt chân trên phố vừa quen vừa lạ, quen vì có anh đã từng sống ở đây, lạ đối với người lần đầu tiên chạm chân lên đường phố, nhưng tất cả đều cảm giác đây là chốn trở về. Trong thời khắc thiêng liêng này, các anh, chị rong ruổi khắp nơi và khám phá rất nhiều điều thú vị".
Ðâu đâu cũng thấy những hình bóng thân quen, trìu mến. Ðó là anh bộ đội với mũ tai bèo, mang dép râu và bộ đồ lục quân màu cỏ úa. Ðó là các chị trong bộ bà ba đằm thắm với chiếc khăn rằn thong dong trên những con đường. Thị xã Cà Mau trong những ngày đầu giải phóng lúc nào cũng tấp nập, đông vui, bà con trong quê ra chợ ăn mừng mang theo cá mắm, chuối, dừa, rau củ… Gặp được một người sẽ tìm được nhiều người quen, nhiều bà con trong quê ra ở lại cơ quan đôi ba ngày để có nhiều thời gian gặp gỡ, thăm nom nhiều anh em cán bộ. Họ tự nhiên giống như lúc cán bộ, chiến sĩ sống trong nhà mình vậy. Không khí ấm áp, sum vầy. Bên cạnh nụ cười chiến thắng tràn ngập niềm vinh quang lại có những dòng cảm xúc âm thầm lặng lẽ, những giọt nước mắt tuôn rơi vì nỗi đau thương, mất mát trong cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm./.
Ngọc Diễm