ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 12:43:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bùi ngùi thăm lại chốn xưa

Báo Cà Mau Sự kiện tập kết ra Bắc cách nay đã 70 năm, những cô bé, cậu bé là học sinh miền Nam (HSMN) ngày nào giờ đã ngoài “bát thập”. Một lần thăm lại chốn xưa, nơi từng lưu dấu trước khi rời quê hương miền Nam đằng đẵng mấy chục năm trời là ước nguyện bấy lâu và nay đã toại nguyện.

 Cựu HSMN trong tỉnh, người ngoài tỉnh cùng hẹn nhau về thăm lại chốn xưa, nơi cách nay 70 năm, họ rời xa quê hương lên tàu đi tập kết.

Trước khi thăm lại những địa chỉ xưa, các cựu HSMN thăm lại những hiện vật liên quan sự kiện tập kết đã hiến tặng cho Bảo tàng Cà Mau. (Trong ảnh: Bà Nguyễn Bích Lan (Cần Thơ) xúc động nâng niu kỷ vật là chiếc vòng vàng đã hiến tặng Bảo tàng Cà Mau).

70 năm trước, cô bé 13 tuổi Nguyễn Thị Minh Kính từ quê nhà xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang khăn gói lên đường đi tập kết. “Xa quê đằng đẵng 21 năm trời, nhớ vô cùng! Nghe tiếng chim hót giống tiếng chim quê mình cũng bồi hồi xúc động. Khi về, còn bận công tác không có thời gian đi. Bây giờ cuối đời rồi, chỉ mong về lại nơi đón bước chân đầu tiên chuẩn bị ra Bắc. Chỉ mong được thăm lại nơi lưu dấu những kỷ niệm không thể nào quên được của tuổi thơ, cũng như của cuộc đời mình”, cô bé ngày nào nay là bà lão tuổi 83, trải lòng.

Các cựu HSMN thăm lại dòng sông Chắc Băng, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm, là địa bàn từng tập trung và ở nhiều ngày trước khi lên tàu đi tập kết.

Các cựu HSMN chụp ảnh lưu niệm bên bia kỷ niệm cây vú sữa do má Lê Thị Sảnh gửi biếu Bác Hồ (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình).

Hồi ấy, Chắc Băng là trung tâm tập kết ra Bắc của nhiều tỉnh miền Tây nên nơi này luôn đông đúc và nhộn nhịp. Theo các cựu HSMN, ban đầu người tập kết theo dòng Chắc Băng ngược hướng Cần Thơ ra Vũng Tàu lên tàu lớn; về sau thì đi đường Sông Đốc.

“Khi đến Chắc Băng, tôi thấy rất nhiều lán trại được cất, giống như những chòi canh. Bên trong có trải rơm, vô đó vừa mát, vừa êm. Tôi không ở tại Chắc Băng lâu, chỉ tập trung nơi đó rồi đi xuống Sông Đốc. Quê tôi ở Bến Tre, nhưng tôi có cái duyên với Cà Mau là ba tôi hoạt động ở đây, hồi nhỏ ở Cà Mau cùng ba. Đi tập kết cũng từ Cà Mau, sau này quê chồng cũng Cà Mau, vì vậy với tôi Cà Mau thân thương như quê hương mình”, bà Nguyễn Bích Lan, người trao tặng chiếc vòng vàng đầy kỷ niệm cho Bảo tàng Cà Mau (nhân vật trong bài viết “Hành trình kỳ diệu của một kỷ vật”, trên Báo Cà Mau ngày 7/6/2024, của tác giả Phạm Hải Nguyên), tâm tình.

Sau Chắc Băng, những địa bàn gần cửa Sông Đốc cũng là nơi dừng chân chờ xuống tàu của nhiều người tập kết. Thăm lại gia đình từng tá túc nơi đây, người xưa không còn, nhưng chốn cũ vẫn làm cô giáo Đàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, dâng trào cảm xúc: “Sau tập kết ở Chắc Băng khoảng nửa tháng, chúng tôi được chuyển về những nơi gần cửa Sông Đốc như Bà Kẹo, Rạch Lùm. Tôi ở Rạch Lùm (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời ngày nay) cùng nhiều bạn. Rạch Lùm là con rạch nhỏ, dừa nước um tùm hai bên bờ. Cảnh thật buồn làm tôi càng nhớ nhà và cứ khóc. Hồi ấy tôi 13 tuổi, nhỏ nhất trong tốp ở nhà chú thím Ba Trọng nên được chú thím đặc biệt quan tâm, vỗ về… May mắn sau 21 năm, tôi có điều kiện đến thăm chú thím nhiều lần trước khi chú thím qua đời. Trong lòng tôi không bao giờ mờ phai hình ảnh những ngày ở đó”.

Cô giáo Đàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, thăm và trao quà gia đình cụ Hồ Phước Trọng, ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, nơi bà từng được bố trí ở nhờ trước khi xuống tàu đi tập kết. Người nhận là ông Hồ Văn Quyển, con trai thứ Chín của cụ Trọng.

70 năm, vật đổi sao dời, Sông Đốc giờ đã trở thành thị trấn biển sầm uất. Dẫu biết cảnh cũ không còn, nhưng những HSMN ngày nào vẫn muốn quay về, muốn xuôi tàu ra cửa biển tìm lại chút hoài niệm năm xưa.

Ngày đó, các tàu lớn chuyển quân ra bến Sầm Sơn (Thanh Hoá) tại Sông Đốc là tàu Liên Xô và Ba Lan, neo đậu ngoài khơi. Tới điểm tập kết Sông Đốc, mọi người phải chờ đợi những chiếc ghe đánh cá nhỏ đưa ra mới lên được tàu.

“Tàu cao lớn lắm, người lớn phải nắm cánh tay chuyền qua, chuyền qua nhiều người mới lên được tàu”, bà Nguyễn Hồng Sương (quê Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, nay là Vĩnh Long) bồi hồi nhớ lại.

Các cựu HSMN thoả lòng khi trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trên biển nơi cửa Sông Đốc, để sống lại những ngày rời quê hương tập kết ra Bắc.

Hồi ấy, ngoài học sinh miền Nam, số đông nhất là cán bộ, bộ đội. Không ít gia đình cả nhà đều đi tập kết. Trong đó, có cả những trường hợp cùng đi nhưng không có thông tin về nhau, vì mỗi người đi theo cơ quan, đơn vị mình, như trường hợp gia đình ông Nguyễn Anh Sơn (hiện ngụ tại Khu Dân cư phường Tân Xuyên, TP Cà Mau).

Ông Sơn tâm tình: “Ba tôi là cán bộ Phân Liên khu Tây Nam Bộ, hy sinh trong trận đánh quân Pháp nhảy dù ở Rạch Ráng (Cà Mau) năm 1952. Năm 1954, mẹ tôi bấy giờ phụ trách quân trang của Phòng Hậu cần Phân Liên khu Tây Nam Bộ, đi tập kết cùng 2 em nhỏ; tôi, người anh, chị gái và em trai được gửi học, làm ở những cơ quan, đơn vị khác nhau cùng đi mà không ai biết ai. Mãi sau này mới có thông tin về nhau”.

Ông Sơn chính là anh trai của Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B), là học sinh miền Nam cùng tập kết ra Bắc. Ông cho biết, em trai mình khi đi tập kết mới 11 tuổi, ra Bắc học tập, sau đó được tuyển vào trường phi công học lái máy bay. Ra trường, tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân; hy sinh năm 1972, sau khi đã chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 1 máy bay địch, rồi tiếp tục tả xông hữu đột trong vòng vây 24 máy bay cường kích của Mỹ tại bầu trời Thanh Hoá.

Trước đó, ông lập nên thành tích có một không hai trên thế giới là bay biển ở độ cao cực thấp và ném bom kiểu thát lát, phá hỏng một tàu khu trục hiện đại của Mỹ và trở thành anh hùng. Hài cốt Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau.

Tham gia cùng đoàn, còn có con, cháu của cán bộ, bộ đội đi tập kết. Dẫu người trong cuộc không còn, nhưng những người con, cháu muốn hoà mình vào sự kiện lịch sử, tìm lại bóng hình, dáng dấp thân thuộc, những nơi từng lưu dấu của người thân yêu.

Ông Lý Hoàng Trung (Phường 8, TP Cà Mau), bộc bạch: “Cha tôi là bộ đội, ra miền Bắc năm 1952 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mẹ tôi công tác phụ nữ, tập kết ra Bắc năm năm 1954, khi đó có mang theo người anh 3 tuổi. Chị gái và tôi sinh ra tại miền Bắc. Năm 1963, cha tôi vượt Trường Sơn trở về Nam chiến đấu, mẹ và anh em chúng tôi khi thống nhất đất nước mới về. Phải nói một điều, người dân miền Bắc hồi ấy tốt lắm, nghĩa tình lắm. Miền Bắc ngày đó còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn cưu mang và đối xử rất tốt với người tập kết. Ân tình này gia đình tôi vẫn mãi khắc ghi. Nhân Cà Mau chuẩn bị kỷ niệm 70 năm sự kiện lịch sử này, chúng tôi cũng muốn hoà vào không khí đó, để nhắc nhớ lại một thời kỳ lịch sử nhiều dấu ấn và có liên quan trực tiếp đến gia đình mình”.

Trong số học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc, ngoài người tập kết năm 1954, còn có lứa học sinh sau này vượt Trường Sơn. Cùng tham dự chuyến đi, cô giáo Võ Thị Hồng Đào, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau, chia sẻ: “Tôi cũng là học sinh miền Nam, con gia đình cách mạng. Khi nghe nói về chuyện tập kết của các cô chú năm 1954, tôi có nhiều cảm xúc, vì vậy cũng muốn tham gia để ôn lại lịch sử dân tộc mình, muốn nhớ lại thời kỳ đó, thời kỳ mà Đảng, Bác Hồ nhìn xa trông rộng, đưa những “hạt giống đỏ” miền Nam đi học tập để sau này trở về xây dựng quê hương”.

Một điều làm các cựu HSMN vô cùng xúc động là công trình Cụm Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 đang được gấp rút xây dựng để kịp khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm dấu ấn sự kiện tập kết ra Bắc vào cuối tháng 11 này.

Các cựu HSMN và con cháu những cán bộ, bội đội từng tập kết, học sinh miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc học tập cùng chụp ảnh lưu niệm tại biểu tượng con tàu tập kết ở bến Sông Đốc đang trong giai đoạn hoàn thành.

Ông Lê Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Địa điểm tập kết ra Bắc tại cửa Sông Đốc đã được công nhận di tích quốc gia. Cụm tượng đài kỷ niệm sự kiện tập kết ra Bắc được xây dựng, cán bộ và Nhân dân nơi đây hết sức phấn khởi. Ngoài giáo dục truyền thống, là niềm tự hào quê hương, công trình còn là điểm để thu hút khách tham quan. Chúng tôi đang tích cực phối hợp, hỗ trợ thực hiện các phần việc của địa phương trong xây dựng tượng đài và những hoạt động văn hoá để sự kiện 70 năm sắp tới thành công tốt đẹp”.

Đối với các cựu HSMN, công trình cụm tượng đài, rồi bia cây vú sữa miền Nam hết sức ý nghĩa. "Bởi qua đó, thế hệ trẻ biết rằng, có một thời trong lịch sử như thế, và chúng ta làm cho nó đẹp thêm, ý nghĩa hơn. Làm sống lại những gì của quá khứ để tiếp thêm sức mạnh cho tương lai. Chúng tôi tuổi cao rồi, chỉ mong thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, nâng niu, quý trọng, sống xứng đáng hơn với những người đi trước”, bà Nguyễn Thị Minh Kính bày tỏ.

Huyền Anh

 

 

 

 

 

 

 

Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.