>> Bài 2: Những nhà báo khắc sâu dấu ấn
Bài 3: Tận hiến cho báo chí Minh Hải, báo chí Bạc Liêu
Trong dòng chảy hối hả của thời gian, có những con người lặng lẽ cống hiến, rồi để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bao thế hệ. Hai nhà báo kỳ cựu: Nguyễn Minh Chánh (Bảy Chánh) và ông Vũ Thanh (Võ Gia Tăng), với sự nghiệp cách mạng vắt qua hai giai đoạn lịch sử quan trọng của vùng bán đảo Cà Mau và gắn liền với công cuộc gầy dựng nền báo chí tỉnh Bạc Liêu sau khi địa phương được tái lập lần thứ hai (1997), là những con người như thế.
“Người ngoại đạo” nặng lòng với sứ mệnh
Dù từng đứng đầu hai tờ báo, giữ vị trí Tổng Biên tập Báo Minh Hải (1992 - 1996) và Báo Bạc Liêu (1997 - 2007) đầy vẻ vang, nhưng khi nhắc về “cơ duyên” với nghề, nhà báo Nguyễn Minh Chánh lại khiêm tốn nhận mình là “người ngoại đạo” bước vào cầm bút, quản lý. Một sự khiêm tốn đáng trân trọng, ẩn chứa niềm đam mê cháy bỏng: “Làm báo có điều kiện để khẳng định, sáng tạo, dấn thân cho người khác, đôi khi quên nghĩ về mình. Làm báo luôn muốn tạo ra giá trị mới, không chỉ sáng tạo ra tác phẩm, điều đó phù hợp với đặc điểm bản thân”. Đó là lời tâm tình của một người đã chọn nghiệp báo như hơi thở, như lẽ sống.
Giữa khói lửa chiến tranh, ông đã cầm bút và cho ra đời phóng sự đầu tay “Trở lại Bào Sen sau giải phóng” vào năm 1972, khắc họa mảnh đất Tân Duyệt, Đầm Dơi vừa sạch bóng quân thù. Giữa rừng sâu, lớp huấn luyện báo chí thời chiến do Khu Tây Nam Bộ mở đã chắp cánh cho tâm hồn báo chí ấy, để rồi bài viết tốt nghiệp xuất sắc với điểm A+ như một lời tiên tri về một sự nghiệp lẫy lừng sau này.
Năm 1988, khi Báo Minh Hải đứng trước biến cố, đồng chí Bảy Chánh, từ vị trí Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đã được tổ chức điều sang giữ cương vị Phó Tổng Biên tập Thường trực. Đó là giai đoạn cam go, nhưng cũng là lúc bản lĩnh người lãnh đạo của ông được tôi luyện. Cùng Ban Biên tập, ông đã không ngần ngại “chỉnh đốn lại cơ quan, khôi phục, bồi đắp mối đoàn kết và cơ cấu lại tổ chức, bộ máy”.
Nhớ về thời kỳ ấy, ông Trần Chí Thành - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu, bồi hồi kể lại: “Ban Biên tập mạnh dạn điều động, sắp xếp thử nghiệm các chức danh các phòng “rối tung” cả lên, thay đổi cán bộ thử nghiệm, rồi lại thay đổi tiếp, nhưng đã đâu vào đấy. Ban Biên tập có khả năng thu phục cán bộ, để cuối cùng cán bộ, phóng viên, nhân viên được sắp xếp tâm phục, khẩu phục, vị trí mới phù hợp năng lực, sở trường của mình”. Đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ, là sự kiên định đã tạo nên phép màu, giúp Báo Minh Hải từ khó khăn vươn dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và rồi, niềm tin của cấp trên đã đặt trọn vào ông khi giao ông chức Tổng Biên tập từ năm 1992 cho đến ngày chia tách tỉnh.
Khi Bạc Liêu tái lập vào năm 1997, đồng chí Nguyễn Minh Chánh từ Cà Mau mang theo cả chiếc máy vi tính cũ lên Bạc Liêu, nung nấu ý chí tiếp tục sự nghiệp báo chí cách mạng. Với vai trò Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, ông đã kết nối, tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên tiếp cận cách làm báo năng động, hiện đại của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ông đã dùng mọi nỗ lực, tranh thủ từng giây phút để xin chủ trương phối hợp với Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) mở lớp đào tạo cử nhân báo chí, ngay cả giữa lúc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh. Đó là sự quyết tâm, là tầm nhìn chiến lược của một người nặng lòng với sự phát triển của báo chí quê nhà.
Hơn 20 năm gắn bó với vai trò “đầu tàu” của Báo Minh Hải và Báo Bạc Liêu, đồng chí Nguyễn Minh Chánh đã đúc rút một bài học xương máu, một triết lý làm báo đầy nhân văn: “Ý Đảng, lòng Dân của báo chí cách mạng, làm báo phải biết kết hợp nhuần nhuyễn (chứ hài hòa thì chưa đủ) giữa sự thật và chân thật, giữa chống và xây”.
Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu - Hàn Ái Tiến (bên phải) tặng hoa tri ân ông Nguyễn Minh Chánh - nguyên Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu tại buổi họp mặt kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022). Ảnh: H.T
Dấu ấn không phai và tình yêu nghề cháy bỏng
Tương tự như ông Nguyễn Minh Chánh, ông Vũ Thanh - cũng từng học lớp báo chí năm 1972, trải qua những thăng trầm của lịch sử, từ vị trí lãnh đạo cơ quan báo chí tỉnh Minh Hải đến những ngày đầu tiên đầy thử thách khi kiến tạo nền móng cho báo chí Bạc Liêu sau ngày tái lập.
Năm 1977, một bước ngoặt định mệnh đã đưa nhà báo Vũ Thanh đến với sự nghiệp phát thanh. Khi huyện Châu Thành, tỉnh Minh Hải giải thể, chỉ trong chớp mắt, ông nhận hai quyết định công tác từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Tắc Vân, cấp trên như nhận ra “duyên” của ông với nghiệp báo chí đã được rèn giũa trong khói lửa kháng chiến, và rồi, một quyết định “quay xe” đầy bất ngờ đã đưa ông về vị trí Ủy viên Ban Biên tập Đài Tiếng nói nhân dân Minh Hải. Một tuần trước ngày Đài chính thức phát sóng (19/8/1977), ông đã có mặt, sẵn sàng cho một khởi đầu mới.
Khi ấy, cơ sở vật chất của Đài còn vô cùng giản dị, chỉ với hai dãy nhà cấp 4, hai căn phòng chật hẹp là nơi đặt thiết bị và phòng thu thanh, còn lại là không gian vừa làm việc, vừa là tổ ấm của những con người say mê với nghề. Đến năm 1981, Đài Phát thanh Minh Hải mở rộng thêm lĩnh vực truyền hình, và sau nhiều năm hoạt động ổn định, phát triển, đồng chí Vũ Thanh đã được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc trực, phụ trách nội dung phát thanh và truyền hình từ tháng 6/1990 cho đến khi chia tách tỉnh.
Thời khắc lịch sử tái lập tỉnh Bạc Liêu cũng là lúc nhà báo Vũ Thanh, với vai trò Giám đốc Đài PT-TH Bạc Liêu, cùng 24 cán bộ của mình, tất bật chuẩn bị cho lần phát sóng đầu tiên tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Bạc Liêu. Mọi thứ đều trong tình trạng thiếu thốn trăm bề. Mãi đến nửa năm sau, ngày 1/6/1997, với sự hỗ trợ của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH Bạc Liêu mới chính thức phát sóng thử nghiệm chương trình truyền hình.
Nhưng số phận dường như muốn thử thách ý chí của những con người nơi đây. Khi công việc còn đang bộn bề, ngổn ngang thì cơn bão số 5 bất ngờ ập đến, quật đổ tháp ăng-ten, tốc mái mấy căn nhà vừa sửa. Đài phải ngưng sóng truyền hình 2 ngày. Khó khăn không làm chùn bước những trái tim nhiệt huyết, Đài PT-TH Bạc Liêu không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình phát thanh và truyền hình, tăng thời lượng phát sóng, mở thêm nhiều bản tin, chuyên mục và chương trình giải trí mới. Đặc biệt, nhà đài Bạc Liêu đã ghi dấu ấn sâu đậm với việc hợp tác sản xuất hai bộ phim truyện lịch sử hoành tráng: “Đồng Nọc Nạng” (5 tập) và “Ninh Thạnh Lợi - Đất và lửa” (12 tập).
Dù đã nghỉ hưu 15 năm, nhưng ngọn lửa đam mê với nghề báo trong ông Vũ Thanh vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu: “Nghề làm báo rất quý trọng, hỗ trợ, tạo điều kiện để đất nước phát triển. Đến nay, tôi vẫn đi sáng tác ảnh và viết báo cộng tác”. Ông gửi gắm niềm tin trọn vẹn vào lớp nhà báo kế cận, tin tưởng rằng họ sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề báo trong bối cảnh khoa học - công nghệ đang phát triển vượt bậc và đất nước đang đứng trước cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy.
Nguyễn Quốc