(CMO) Báo Cà Mau và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau vừa phối hợp với Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) tổ chức tọa đàm "Báo chí đồng hành với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau".
Nhà báo Nguyễn Chiến, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, Tổng biên tập Báo Cà Mau thông tin về sự nỗ lực của báo chí Cà Mau để đến gần với công chúng hơn.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau Hồ Trung Việt trân trọng sự phối hợp chặt chẽ của Viện Đào tạo báo chí và truyền thông cùng Phân hiệu Đại học Bình Dương Cà Mau đã mở lớp cao học báo chí (định hướng ứng dụng) đầu tiên tại Cà Mau, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ chuyên môn cao. Hy vọng sẽ có nhiều chương trình đào tạo tại Cà Mau như thế để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao, trước hết là phục vụ cho lĩnh vực báo chí, đồng thời góp sức đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Trần Xuân Trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT&DL Cà Mau cho rằng, báo chí địa phương và cả nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với du lịch Cà Mau, vùng đất cực Nam Tổ quốc. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, thu hút lượt khách tham quan mỗi năm tăng từ 10-15%. Cụ thể, năm 2018, Cà Mau đón 1.440.000 lượt khách; 6 tháng đầu năm 2019 Cà Mau đón 816.000 lượt (dự kiến năm 2019 sẽ đón 1.660.000 lượt, tăng 15%). Hằng năm, ngành du lịch tỉnh tổ chức 2-3 đoàn fresstrip và famtrip dành cho các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch địa phương.
PGS-TS Đinh Văn Hường, Viện Đào tạo báo chí và truyền thông khẳng định, truyền thông báo chí của tỉnh Cà Mau đã làm tốt và góp phần đưa hình ảnh, đất và người Cà Mau vươn xa hơn, xứng tầm tiềm năng của mảnh đất cuối trời Nam. Cà Mau không xa về tình người, nhưng về khoảng cách, nên đầu tư khai thác về hàng không để đẩy mạnh, đẩy nhanh phát triển du lịch. PGS-TS Đinh Văn Hường nhấn mạnh, bức tranh báo chí truyền thông Cà Mau sôi động, phủ sóng tốt, lan tỏa rộng khắp. Cà Mau đã phát huy tốt vai trò của truyền thông, sức mạnh tổng hợp của thế mạnh các loại hình báo chí: báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử. Báo Cà Mau là một trong những tờ báo phát triển tốt song hành báo in và báo điện tử. Đặc biệt, với sự tiên phong phát triển báo điện tử Báo Cà Mau đã thành công đầu tư và phát huy thế mạnh này. Về phát thanh và truyền hình của Cà Mau còn nhiều tiềm năng phát triển, cần phát huy hơn nữa các chương trình đặc thù, để lan tỏa hơn, gần gũi với công chúng hơn, mang hơi thở cuộc sống. "Báo chí truyền thông Cà Mau phát triển sẽ đồng hành với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", PGS.TS Đinh Văn Hường khẳng định.
PGS-TS Đặng Thị Thu Hương tặng bộ sách về báo chí truyền thông cho hai đơn vị phối hợp tổ chức tọa đàm: Báo Cà Mau và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau.
Ông Hồ Trung Việt cho biết, là một trong "tứ giác động lực" phát triển ĐBSCL, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; du lịch và cụm công nghiệp khí - điện - đạm. Đặc biệt là theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, Cà Mau sẽ có 2 cảng biển lớn gồm cảng Năm Căn và cảng biển tổng hợp Hòn Khoai. Do đó, truyền thông báo chí nên cùng chung tay góp sức trong việc mời gọi đầu tư vào Cà Mau để bức tranh Cà Mau có nhiều gam màu sáng hơn về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài.
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, cho biết, Viện luôn sẵn sàng hỗ trợ hoạt động PR, quảng cáo và truyền thông cho Cà Mau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế và du lịch, góp sức cùng báo chí địa phương đồng hành phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi tọa đàm diễn ra sáng 9/7, Nhà báo Nguyễn Chiến, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, Tổng biên tập Báo Cà Mau thông tin, báo chí Cà Mau luôn nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức, truyền thông đa phương tiện để khán, thính giả, độc giả được tiếp cận thông tin nhanh, kịp thời, tin cậy. Riêng báo Cà Mau đã có bước đổi mới, đẩy mạnh phát triển báo điện tử trên website và kể cả trên các trang mạng xã hội như: Facebook và YouTube... Từ đó góp phần đẩy lùi các mặt tiêu cực trên mạng xã hội, củng cố niềm tin với Nhân dân.
PGS-TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông cho rằng, Cà Mau có một bức tranh sinh động, sống động về kinh tế - xã hội. Qua đó, Viện xác định rõ ràng hơn vai trò của báo chí truyền thông trong bối cảnh hiện nay. Không đơn thuần là tuyên truyền, không chỉ hỗ trợ mà còn tham gia góp sức để các địa phương cất cánh. PGS-TS Đặng Thị Thu Hương tin tưởng, trình độ được đào tạo sau đại học của các học viên lớp cao học báo chí tại Cà Mau sẽ là đội ngũ người làm báo có đủ năng lực, khả năng để đẩy mạnh truyền thông phát triển mạnh hơn, đưa Cà Mau hội nhập phát triển để kết nối vươn xa.
Băng Thanh