(CMO) Đó là một trong những nhận định của ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở TNMT Cà Mau tại lễ phát động "hành động vì Mekong".
Ông Dũng cho hay: biến đổi khí hậu cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách hiện nay tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đặc biệt là đời sống của cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương khu vực ven biển.
Sạt lở nghiêm trọng ở Cửa Vàm Xoáy (2019). Phong Phú. |
Tỉnh Cà Mau có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, sinh kế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, có 87 cửa sông thông ra biển nên chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, biểu hiện rõ nét nhất trên địa bàn tỉnh những năm gần đây là: vào mùa khô tình trạng nhiệt độ tăng cao, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng; vào mùa mưa tình trạng ngập úng đô thị, triều cường, nước biển dâng gây sạt lở đất bờ sông, bờ biển và sụp lún đất tại một số nơi diễn biến phức tạp… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Sụp Đê biển Tây, địa bàn huyện Trần Văn Thời. Phong Phú. |
Nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay bị khai thác quá mức, thiếu sự kiểm soát. Nguồn nước mặt, nước ngầm nhiều nơi bị suy thoái, hạ thấp mực nước ngầm; đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm; ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung và quy hoạch của một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa đồng bộ gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ cảnh quan, cải thiện môi trường.
"Trước thực trạng trên, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững thì công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và cần những giải pháp mang tính đột phá", ông Dũng nhấn mạnh.
Về công tác chuyên ngành, thì lĩnh vực TNMT đang khẩn trương thực hiện quản lý tài nguyên theo hướng khai thác hợp lý, bền vững và sử dụng hiệu quả, trong đó kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng, mặt nước, mặt biển; nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước, khuyến khích sử dụng tiết kiệm nước ngọt; nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo ô nhiễm, kiểm soát chặt các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải; dự báo nguy cơ và giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô, chủ động tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất … đồng thời lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ông Huỳnh Thanh Dũng phát biểu tạ lễ phát động cuộc thi Hành động vì Mekong. Phong Phú. |
"Bên cạnh đó, việc tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp, cách làm hiệu quả, mô hình phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu luôn được quan tâm và nhân rộng, cuộc thi nhằm tạo ra cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các sáng kiến về bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu cho địa phương, tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư; nhận diện được các tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế người dân, dự báo các kịch bản biến đổi khí hậu từ đó đề ra các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp, hiệu quả đồng thời với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học", ông Dung bày tỏ sự lạc quan.
Phong Phú