(CMO) Mùa khô năm 2020, cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều chịu thiệt hại nặng nề do hạn - mặn. Riêng Cà Mau là tỉnh duy nhất trong khu vực không hưởng lợi từ hệ thống ngọt hóa của sông Mê - Kông nên đã trở thành “rốn” của hạn - mặn Miền Tây và thiệt hại càng nặng nề hơn. Đây là đợt hạn - mặn lịch sử tại Cà Mau mà theo đánh giá của các chuyên gia thì mức độ khốc liệt và thiệt hại còn hơn đợt khô hạn lịch sử năm 2016 do hậu quả Elnino.
Do mùa khô năm nay đến trước 1,5 tháng so với mọi năm. Từ tháng 12 của năm 2019, kênh rạch nội đồng cạn nước, trơ đáy - lại đúng vào lúc thu hoạch lúa nên toàn tỉnh có hơn 20.500 ha lúa và rau màu bị thiệt hại do hạn - mặn. Trong đó có gần 6.850 ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%, hơn 13.600 ha lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên. Cùng với đó, tỉnh hiện có hơn 20.850 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, có trên 1.130 điểm sụp lún, sạt lở đường giao thông với chiều dài 24.700 mét, đê biển Tây bị sụp lún chiều dài 240 mét với độ sâu từ 0,8 đến 3 mét với tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và con số thiệt hại tăng lên từng ngày chưa có điểm dừng. Trước tinh trạng đó, UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình trạng thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún đất cấp độ 2.
Đến thời điểm gần cuối tháng 5/2020 nhưng tình trạng khô hạn vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Người dân đang vất vả, oằn mình chống chọi với hạn - mặn, sụt lún đất.
Những dòng sông khô cạn trơ đáy, giao thông thủy vùng ngọt hóa của Cà Mau tê liệt hoàn toàn.
Do mùa khô đến sớm hơn mọi năm, lại đúng vào lúc thu hoạch nên hàng chục ngàn ha lúa của Cà Mau thiệt hại từ 30-70% năng suất, có nơi mất trắng.
Hơn 6.000 ha lúa - tôm của Cà Mau bị thiệt hại nặng do mặn xâm nhập.
Do khô hạn thiếu nước nên hàng trăm hộ dân trồng cây ăn trái của huyện Trần Văn Thời mất trắng, thiệt hại hàng tỷ đồng.(Trong ảnh là vườn Cam Sành 1.000 m2, 6 năm tuổi của anh Tô Văn Út, ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời bị thiệt hại trắng, phải chặt bỏ, ước thiệt hại 100 triệu đồng).
Gần 3.000 ha rừng tràm U Minh hạ đang trong tình trạng dự báo cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm và đã xảy ra vài vụ cháy rừng nhưng do cảnh giác cao độ và ứng phó kịp thời nên thiệt hại không lớn.
Con đường Tắc Thủ - Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc và một số đoạn Đê biển Tây có nhiều đoạn sụt lún nghiêm trọng với tổng chiều dài hàng chục km. (Trong ảnh: Người dân Cơi Năm tự dọn dẹp, tạm khắc phục ở những chỗ sụp lún để đi lại trước khi Nhà nước đầu tư sửa chữa lớn).
Tất cả các tuyến lộ giao thông nông thôn ở vùng ngọt hóa Cà Mau có hàng ngàn điểm nứt nẻ, nguy cơ sụt lún rất cao khi mùa mưa đến.
Hơn 20.000 hộ dân ở vùng ngọt hóa thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng, phải vận chuyển với đoạn đường rất xa và tốn kém.
Nhiều hộ dân có điều kiện đã tự khoan cây nước với chi phí đắt đỏ gấp 1,5 - 2 lần bình thường, nhưng không phải chỗ nào khoan cũng có được nước ngọt.
Nguyễn Thanh Dũng