(CMO) Trong chuyến làm việc tại tỉnh Cà Mau về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Hải làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau về triển khai, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2011-2016. |
Giai đoạn 2011-2016, tỉnh Cà Mau được đầu tư 23 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức vốn đầu tư 4.456 tỷ 119 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng là 125 tỷ 844 triệu đồng, phần lớn là các tiểu dự án thành phần do các Bộ, ngành Trung ương làm chủ quản.
Các lĩnh vực được đầu tư: cấp thoát nước, nông nghiệp, giao thông, xây dựng phát triển đô thị, lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động đào tạo nghề. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của cơ quan, tổ chức trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 tại Cà Mau đảm bảo đúng quy định. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình dự án.
Cụ thể, trong 23 dự án, chương trình ODA đã có 17 chương trình, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy tốt hiệu quả đầu tư, có ý nghĩa to lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng rất nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong điều kiên còn khó khăn, việc tranh thủ nguồn vốn nước ngoài để xây dựng các dự án, công trình là rất cần thiết.
Tuy nhiên, việc phải vay lại 30% vốn vay ODA và 70% vốn vay ưu đãi là rất khó khăn. Tại buổi làm việc, tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế cấp phát toàn bộ 100% vốn ODA cho các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu. Bởi đây là các dự án không có khả năng thu hồi vốn, chủ yếu là giữ đất ven biển, khôi phục lại rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ tính mạng và tài sản Nhân dân, phòng chống thiên tai.
Trước đó, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đến giám sát một số công trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn huyện Phú Tân, Cái Nước và TP. Cà Mau.
Đoàn đến thị sát Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tiểu Vùng 10 - Nam Cà Mau thuộc Tiểu dự án 13, giai đoạn 2 của Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL - WB6. Dự án này được triển khai từ năm 2012 có tổng mức đầu tư 705 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới 532 tỷ đồng.
Từ khi hoàn thành (năm 2017) đến nay, dự án đảm bảo tốt cho mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu úng, xổ phèn trong mùa mưa phục vụ cho sản xuất; cấp nước mặn cho nuôi tôm trong mùa khô, phát triển giao thông tạo tiền đề phát triển nông thôn mới, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện đời sống người dân trong vùng dự án tại 2 huyện: Phú Tân và Cái Nước.
Ông Nguyễn Đức Hải kiểm tra dự án sử dụng nguồn vốn ODA nâng cấp đô thị, kè Phường 8, TP. Cà Mau. |
Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP. Cà Mau đã giải ngân được 739 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 434 tỷ đồng. Dự án đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân nghèo tại các khu dân cư thu nhập thấp trên địa bàn thành phố thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường.
Qua khảo sát thực tế, đoàn đánh giá cao hiệu quả các dự án cùng như đảm bảo tiến độ đề ra, mong muốn các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành theo kế hoạch để ra, góp phần phát triên kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Phong Phú