Theo dự kiến, cuối năm nay, Ðoàn thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra tình hình về thực hiện các yêu cầu chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cũng như các địa phương có ngành thuỷ sản phát triển mạnh và chịu ảnh hưởng lớn bởi các quy định về chống khai thác IUU, thời gian qua tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
- Mở cao điểm chống khai thác IUU
- Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” EC về IUU
- Chống khai thác IUU từ sự đồng thuận của ngư dân
- Mạnh tay xử phạt vi phạm IUU
Theo đó, trong công tác quản lý và giám sát tàu cá, tỉnh Cà Mau đã thực hiện việc đăng ký, cấp phép và đánh dấu tàu theo quy định, đặc biệt là đối với tàu cá đánh bắt xa bờ. Ngành chức năng tỉnh đã triển khai việc trang bị thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá theo đúng quy định đề ra. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu theo quy định và 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh được cập nhật trên các phần mềm quản lý quốc gia theo quy định. Ðồng thời, các tàu này đều được giám sát chặt chẽ khi ra vào cảng cũng như trong quá trình hoạt động trên biển.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có nhiều sáng tạo trên lĩnh vực này, được các ngành, các cấp ghi nhận, nhiều tỉnh đến học tập kinh nghiệm. Ðơn cử như quản lý hồ sơ tàu cá bằng số hoá để thuận tiện trong việc truy xuất, kiểm tra, kiểm soát; lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao trong việc vi phạm vùng biển nước ngoài. Ðồng thời, tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, các xã thành lập các tổ kiểm tra, kiểm soát, thậm chí có huyện phân công đến đảng viên phụ trách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm".
"Bên cạnh đó, ngoài nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tỉnh tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có những vụ đã đưa ra xử lý hình sự, nhằm có giải pháp răn đe, cũng như mạnh tay trong việc xử lý đối với vi phạm này”, ông Vũ cho biết thêm.
Phần lớn người dân hành nghề khai thác biển đã có ý thức về khai thác bền vững và tự giác tuân thủ quy định của pháp luật về chống khai thác IUU.
Có thể thấy, từ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của các ngành, các cấp, các địa phương, tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt, ý thức của người dân về khai thác bền vững và tự giác tuân thủ pháp luật được nâng lên một cách đáng kể.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Hiện nay, thông qua công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, bà con có ghe biển đánh bắt trên địa bàn đã thấy được những tác hại của việc khai thác bất hợp pháp. Bà con luôn tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước trong quá trình đánh bắt như nhật ký khai thác, bật thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm vùng biển nước ngoài...”.
Mặc dù vậy, theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, còn một bộ phận người dân chưa thật sự hiểu thấu đáo vấn đề này, cố tình vi phạm. Ông Vũ nhấn mạnh: “Ðối với các trường hợp cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, nhằm từng bước chấn chỉnh tình trạng người dân vi phạm khai thác IUU trên địa bàn”.
Khó khăn hiện nay đối với ngành khai thác thuỷ sản vẫn là cơ sở vật chất hạ tầng nghề cá. Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, hạ tầng nghề cá được đầu tư đã lâu và số lượng bến cá, cảng cá vẫn chưa đáp ứng được đội tàu trên 5 ngàn chiếc. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 cảng cá chỉ định dùng để cập bến các tàu trên 15 m, đây là một trong những điểm nghẽn, khó khăn trong quản lý chống khai thác IUU, cũng như việc hiện đại hoá nghề khai thác thuỷ sản của tỉnh nhà./.
Lê Chí - Nguyễn Phú