(CMO) Trên tinh thần tập trung thực hiện và quyết tâm cao hơn, đi vào cụ thể từng nội dung và nâng tầm trách nhiệm trong chống khai thác IUU, chiều 9/8, tại Cà Mau, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đại diện ký kết Quy chế phối hợp giữa UBND 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang về kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác.
Ông Lê Văn Sử (bên phải), Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thực hiện ký kết Quy chế phối hợp giữa UBND 2 tỉnh.
Thời gian qua, trong công tác quản lý tàu cá sang bán từ Cà Mau về Kiên Giang và ngược lại, có trường hợp tàu sang bán nhưng không sang tên, chỉ được phát hiện khi các lực lượng chấp pháp xác minh xử phạt; nhiều trường hợp có 1 số đăng ký nhưng vẽ trên 2 tàu…
Công tác phối hợp tuần tra chung đang gặp khó khăn do Kiên Giang đã thành lập Chi cục Kiểm ngư, còn Cà Mau thì chưa, hiện chỉ là Đội Thanh tra thuỷ sản nên phương thức hoạt động khác nhau theo quy định.
Việc xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thuỷ sản từ khai thác đối với tàu cá tỉnh Kiên Giang hiện tại chỉ thực hiện với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên, chưa kiểm soát 100% đối với tàu cá của tỉnh Kiên Giang có nguyên liệu thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Tàu kiểm ngư tỉnh Kiên Giang tham gia tuần tra chung trên vùng biển Cà Mau, tháng 10/2022.
“Chúng tôi và các tỉnh lân cận đã tuyên truyền rất nhiều, sâu rộng bằng các hình thức. Tất cả đều đã thông hiểu về những quy định trong khai thác hải sản theo chống khai thác IUU, vấn đề còn lại là ý thức chấp hành của ngư dân khi hoạt động khai thác để không vi phạm”, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nhận định, đồng thời cho biết Cà Mau đã số hóa, vận hành hiệu quả 3 phần mềm liên thông nhằm tăng tính chủ động và hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát tàu cá.
“Thông qua quy chế phối hợp được Cà Mau ký kết với 7 tỉnh ven biển còn lại của Tây Nam Bộ từ năm 2019, thì việc thực hiện phối hợp với tỉnh Kiên Giang là đạt kết quả tốt”, ông Châu Công Bằng đánh giá.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, mong muốn có sự thống nhất giữa 2 địa phương trong phối hợp xử lý tàu cá vi phạm.
Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh Cà Mau về kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác gồm có 3 Chương, 12 Điều.
Trong nhiều nội dung tiếp tục phối hợp thời gian tới, có việc thống nhất quy định về việc chuyển ngạch tàu cá 2 tỉnh; tập trung quản lý đối với nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU, tàu sang bán nhưng chưa sang tên; kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, nhập bến, kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển nếu không đảm bảo hồ sơ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, đặt biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS).
Hai tỉnh cũng thống nhất sử dụng phần mềm liên thông kiểm soát tàu cá xuất/nhập, cập/rời cảng cá (hiện Cà Mau đang triển khai thực hiện) để làm cơ sở theo dõi, kiểm tra, xác thực, chứng nhận, xác nhận và phục vụ cho công tác quản lý của lực lượng chức năng.
Tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo ngành chức năng kiên quyết tập trung xử lý nghiêm minh khi có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; ngăn chặn việc sang bán tàu cá sai quy định, vì đây là việc làm có chủ đích, nhiều nguy cơ vi phạm… Đồng thời, mong muốn cần có sự thống nhất trong phối hợp xử lý tàu cá vi phạm giữa 2 địa phương./.
Trần Nguyên