Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường diễn ra vào sáng nay, 24/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải phân công, phân cấp và phải chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác bảo vệ môi trường. Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình chủ trì điểm cầu Cà Mau.
(CMO-NP) Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường diễn ra vào sáng nay, 24/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải phân công, phân cấp và phải chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác bảo vệ môi trường. Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình chủ trì điểm cầu Cà Mau.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ |
Trong những năm qua, hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật và bảo vệ môi trường được bổ sung và hoàn thiện từng bước. Tiêu biểu như Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học 2008. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 24 văn bản hướng dẫn triển khai luật; các bộ ngành liên quan ban hành 11 thông tư hướng dẫn thực hiện luât cũng như 31 quy chuẩn ky thuật quốc gia về môi trường...
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường trong cả nước hiện nay đang phải chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m2 nước thải/ngày đêm nhưng chỉ có 212 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất với nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hằng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; có 786 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải/ ngày đêm nhưng chỉ có 40 đô thị xây dựng được hệ thống xử lý nước thải với công suất khoảng 800.000 m3; chất thải sinh hoạt được xử lý mới đạt từ 10%-11%; lưu hành gần 43 triệu mô-tô và trên 2 triệu ô-tô.
Bên cạnh đó, hằng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt; hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại; còn 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có đến 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh...
Ngoài ra, tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thuỷ điện, khai thác tài nguyên đa dang sinh học đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiện, suy giảm đa dạng sinh học. Từ những áp lực ấy, trong thời gian gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều sự cố lớn về môi trường, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài...
Riêng đối với địa bàn tỉnh Cà Mau, do được vận chuyển về nhà máy xử lý tập trung tại TP Cà Mau, tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã được giảm thiểu; hiện 95 % doanh nghiệp có lượng nước thải lớn áp dụng các biện pháp kiểm soát; hầu hết các bệnh viện đều có trang bị lò đốt rác y tế hoặc hợp đồng với lò đốt để xử lý rác y tế.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình chủ trì điểm cầu Cà Mau tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường. |
Tuy nhiên, tình trạng môi trường trên địa bàn tỉnh nhiều tồn tại khó khăn. Trong đó, cụ thể là tình trạng rác thải tồn đọng trên các tuyến sông, kinh rạch trong nội ô TP Cà Mau và trung tâm các huyện; chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp chưa được xử lý triệt để nhất là ô nhiễm mùi hôi từ ngành nghề chế biến vỏ tôm, bột cá tại 2 Khu công nghiệp Hoà Trung và Sông Đốc. Bên cạnh đó, bùn thải từ hoạt động sên vét ao nuôi thuỷ sản; ô nhiễm nguồn nước, đất đai do sử dụng hoá chất trong sản xuất công nghiệp cũng đáng quan ngại hiện nay.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có những đánh giá về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là chỉ ra các vấn đề môi trường bức xúc hiện nay; đồng thời phân tích các tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển kinh tế những phải gắn với bảo vệ môi trường, kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của Nhân dân. Các tỉnh, thành tiến hành xây dựng nghị quyết riêng về công tác bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường. “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.