Những mảnh vườn vốn canh tác kém hiệu quả, nhếch nhác, nay sinh động với sự hiện diện của các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, tạo cảnh quan sạch đẹp, giúp nông dân ven đô có thêm thu nhập. Ðó là chuyển biến tích cực qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU (Nghị quyết 05) của Thành uỷ về cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, cây ăn trái, hoa, cây kiểng gắn với phát triển chăn nuôi trên địa bàn TP Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Để cụ thể hoá Nghị quyết 05, cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy và phương pháp canh tác, trồng trọt trên chính mảnh vườn của mình, gắn với thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống.
Nghị quyết 05 mở hướng để người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. (Trong ảnh: Mô hình trồng rau thuỷ canh trong nhà lưới ở xã An Xuyên).
UBND xã, phường thành lập tổ khảo sát điều tra, thu thập thông tin về vị trí, diện tích đất vườn tạp; chọn những hộ có đủ điều kiện về nguồn nhân lực lao động, tài chính và thật sự mong muốn được hỗ trợ đầu tư cải tạo vườn tạp, đưa vào danh sách để xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng thành phố chủ động, phối hợp với các đơn vị cung cấp giống cây trồng, vật nuôi uy tín, chất lượng để lựa chọn hỗ trợ người dân thực hiện cải tạo vườn tạp trồng rau màu, cây ăn trái, hoa, cây kiểng gắn với phát triển chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả.
Nghị quyết 05 nhanh chóng đi vào đời sống, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Các mô hình hỗ trợ mang lại hiệu quả khá tốt. Ðến nay, thành phố đã hỗ trợ thực hiện cải tạo vườn tạp trồng rau màu, cây ăn trái, hoa cây kiểng, chăn nuôi được 30 ha (mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 đạt 80 ha), với 474 hộ tham gia; tổng kinh phí thực hiện 4,19 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, vốn dân đối ứng 3,09 tỷ đồng). Ðiều đáng nói là, Nghị quyết 05 đã có sức lan toả mạnh mẽ, nhiều nông hộ tự giác thực hiện, đến nay đã nhân rộng thêm được gần 25 ha, với 280 hộ tham gia.
Nông dân TP Cà Mau tận dụng bờ ao nuôi cá chình, cá bống tượng để trồng rau màu, cây ăn trái, tăng thu nhập.
Ngoài con tôm, con cua là nguồn kinh tế chủ lực, xã Hoà Tân xác định việc cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng gắn với phát triển chăn nuôi là hết sức quan trọng, nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương. Tổng diện tích đất vườn trên địa bàn xã có 218 ha, trong đó đất được cải tạo trồng trọt 197 ha, còn 21 ha đang tiếp tục vận động Nhân dân cải tạo trồng cây các loại, không để hoang hoá. Nông dân chủ yếu chọn trồng dừa, mai vàng, bắp và nuôi heo, gà.
Nghị quyết 05 mở ra triển vọng xoá hoàn toàn vườn tạp vùng ven thành phố, để phủ xanh vườn rau, cây trái, cây cảnh... Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết: "Khu vực thực hiện cải tạo vườn tạp trên địa bàn xã tập trung ở Ấp 2, Ấp 3, Ấp 5, Ấp 6, ấp Bình Ðịnh. Theo đó, 54 hộ nông dân tận dụng 3 ha đất đã sạch phèn trên bờ ao nuôi cá, bờ vuông, đất lập vườn để trồng dừa, mai vàng, dưa leo... giúp bà con có thêm nguồn thu nhập".
Qua tuyên truyền, vận động thực hiện Nghị quyết 05, nhiều cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia, trở thành những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ông Trương Văn Kém, Ấp 6, xã Tân Thành, chia sẻ: “Từ khu vườn tạp, gia đình tôi quyết tâm cải tạo để tăng thu nhập từ mô hình trồng cây ăn trái, cây cảnh, nuôi gà nòi lai, nuôi bò... Qua đó, có điều kiện lo cho 2 đứa con học đại học”.
Ông Trương Văn Kém, Ấp 6, xã Tân Thành hiện đang nuôi 30 con bò, thu nhập khá từ bán bò giống.
Bên cạnh thay đổi tập quán, thói quen trong sản xuất với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; Nghị quyết 05 còn mở hướng để người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm làm ra, nâng cao giá trị sử dụng đất, không để đất bỏ hoang, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và bảo vệ sức khoẻ con người. Trên địa bàn TP Cà Mau xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: trồng rau thuỷ canh trong nhà lưới ở xã An Xuyên; trồng dưa lưới trong nhà màng; khai thác du lịch từ vườn nho ở xã Lý Văn Lâm...
Nông dân xã Lý Văn Lâm tận dụng đất quanh nhà trồng cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 05 đến nay, thành phố đã đầu tư, sửa chữa 10 công trình giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 12,658 km, kinh phí đầu tư 30,6 tỷ đồng; sửa chữa, đưa vào sử dụng 3 bửng cống phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh phí 190 triệu đồng; nạo vét thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng 21 công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, với chiều dài 40.756 m, kinh phí 5,7 tỷ đồng và 2 tuyến lộ giao thông nông thôn từ nguồn hỗ trợ phát triển đất trồng lúa, với chiều dài 1.079 m, kinh phí 1,2 tỷ đồng. Các công trình phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và trao đổi hàng hoá của người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05, TP Cà Mau tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân; định hướng lịch thời vụ đối với từng loại giống cây trồng, vật nuôi. Mục tiêu năm 2024 là trồng trọt 25 ha; nuôi 350 con heo, 14 ngàn con gia cầm; tổng kinh phí dự kiến 3,86 tỷ đồng (vốn Nhà nước hỗ trợ 1,07 đồng, vốn dân đối ứng 2,79 tỷ đồng)./.
Mộng Thường