Cảm thức thiêng liêng về cội nguồn dân tộc đã trở thành tài sản thiêng liêng, máu thịt và quý giá mà đất và người Cà Mau luôn gìn giữ, trao truyền. Mấy trăm năm qua tại đất Cà Mau, lớp lớp con người gìn giữ hương khói phụng thờ, tưởng nhớ và tri ân công đức cao dày của các Vua Hùng. Từ miếu Ông Vua cất tạm ven con đường cái quan ở xứ Giao Khẩu (nay thuộc ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình), nay đã là Ðền thờ Vua Hùng bề thế, là nơi chốn thiêng liêng để dòng người hành hương khắp nơi hội tụ.
Quê hương Tân Phú hôm nay đang từng ngày thay da, đổi thịt. Ông Nguyễn Văn Quẩn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: “Hơn 2 năm trước, xã Tân Phú đạt chuẩn nông thôn mới từ sự quyết tâm, đoàn kết của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, nguồn lực đóng góp của Nhân dân. Tân Phú luôn tự hào vì là nơi có Ðền thờ Vua Hùng, là nơi chốn thiêng liêng để người người hướng về nguồn cội của dân tộc”.
Dâng hương các vị Vua Hùng tại Đền thờ Vua Hùng, huyện Thới Bình.
Về thăm vùng đất trước đây gọi là “cánh đồng chó ngáp”, mới cảm nhận đủ đầy thêm đà vươn lên của Tân Phú hôm nay. Theo ông Quẩn, vùng đất phèn trũng này ở xã có khoảng 15.000 ha vắt qua địa phận các ấp Tràm Thẻ, Tràm Thẻ Ðông, Tapasa 2, Trời Mọc, Nhà Máy A, một thời nổi danh vì... nghèo khó. Người dân chủ yếu mưu sinh bằng cách “khoét đất gò cấy lúa” trông chờ may rủi, mà rủi nhiều hơn may, đất đai chỉ để cầm trâu. Rồi khi chuyển dịch, vụ lúa, vụ tôm đã mở ra cuộc sống mới cho bà con.
Ông Út Bửu (Nguyễn Văn Bửu, ấp Tràm Thẻ Ðông) là chứng nhân xuyên suốt ở “cánh đồng chó ngáp”, hồi nhớ: “Dân ở đây hồi trước nghèo không thể tả. Rồi chuyển qua nuôi tôm, bà con trúng đậm. Tôi nhớ có nhà, tôm trúng quá, phải đổ hết lu, khạp, kiệu đựng nước mưa ra mà đựng tôm. Rồi sau này, có thêm vụ lúa, bà con ngày càng làm ăn khấm khá, có tích luỹ. Bây giờ ngó lại, so với thời đó thì quá trời phát triển, quá trời mừng vui”.
Ông Phan Văn Thông, một bô lão của vùng Giao Khẩu, tâm tình: “Ðời sống có cơ cực tới đâu, chiến tranh loạn lạc thế nào, Giỗ Tổ Hùng Vương ở Giao Khẩu vẫn được bà con trang trọng tổ chức để cầu cho quốc thái, dân an. Còn nhớ mới đây thôi, lúc dịch giã hoành hành, bà con đến đây khấn nguyện làm sao để cơn bĩ cực mau qua, để người người sống trong yên lành. Thật linh thiêng, những lời nguyện cầu ấy đều trở thành sự thật. Còn bây giờ, bà con đang cầu mong một cuộc sống tấn tới hơn nữa, giàu đẹp hơn nữa, ai cũng tin điều đó sẽ mau chóng đạt thành”.
Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ trọng đại của cả dân tộc, đã trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam; là biểu tượng của sự trường tồn; của sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012.
Dòng người thành kính dâng hương Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023.
Năm 2011, Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh; năm 2022, đúng dịp lễ Giỗ Tổ, công trình trùng tu, tôn tạo Ðền thờ Vua Hùng Cà Mau đã được khánh thành với cơ ngơi khang trang, không gian tôn kính. Những năm gần đây, dòng người về Cà Mau ngày càng đông để chiêm bái, hành hương được đắm mình trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng kết nối từ Ðền thờ Quốc Tổ, cụm tượng Quốc Mẫu phía Mũi Cà Mau và sau đó là nghi thức trang trọng Giỗ Tổ Hùng Vương ở Thới Bình.
Theo ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình: “Chuỗi hoạt động tri ân, tưởng nhớ, vinh danh công đức sâu dày của Ðức Quốc Tổ, Quốc Mẫu và các vị Vua Hùng không chỉ là tấm lòng của người Cà Mau hướng về nguồn cội, mà còn là vẻ đẹp văn hoá, tạo ra sức hút vô cùng lớn của Cà Mau. Ðó là cơ sở để Cà Mau khai thác, phát huy các giá trị văn hoá - lịch sử, trở thành nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển”.
Còn nhớ, trong ngày Giỗ Tổ năm 2023, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã khấn nguyện trước anh linh các vị Vua Hùng: “Chúng con xin nguyện tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; ra sức rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt hơn, đổi mới sáng tạo hơn, xây dựng Cà Mau ngày càng văn minh, hiện đại”.
Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Ðất Mũi, nơi cảm thức cội nguồn lan toả.
Và đây, Cà Mau đang sống trong thời khắc của niềm vui và hy vọng. Nói như ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, khi tổng kết công việc năm 2023 của tỉnh nhà và mở ra những kỳ vọng tương lai: “Cà Mau đang đứng trước những vận hội mà trước chưa có, sau này cũng rất khó để có được”. Ðó là vóc dáng của một trung tâm kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch của cả nước; miền đất thiêng liêng không chỉ giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc mà còn là nơi kết tinh, lan toả, thăng hoa những giá trị văn hoá ngàn đời của dân tộc.
Tựa vào nguồn cội, hoà vào cảm hứng thời đại, Cà Mau đang bước vào một mùa xuân mới với dào dạt, trọn vẹn tin yêu./.
Phạm Hải Nguyên