Theo dự kiến, ngày 26/6/2024, đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu biểu quyết riêng một điều khoản về quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện, khi thông qua dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
- Mở cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn
- Năm 2024: Kiểm tra nồng độ cồn là nhiệm vụ trọng tâm
- Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn
Xung quanh vấn đề này, Báo Cà Mau đã ghi nhận ý kiến của một số người dân. Theo anh Nguyễn Tuấn An, Phường 5, TP Cà Mau: "Tôi đồng ý với quy định này. Bản thân tôi thấy, mình sử dụng rượu bia rồi lái xe sẽ không thể làm chủ được tay lái, nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì không chỉ hại mình mà còn có thể liên luỵ người khác. Vì thế, nếu có sử dụng rượu bia thì tôi sẽ không điều khiển phương tiện".
Thống nhất với quy định, anh Trần Minh Hữu, Phường 1, TP Cà Mau, cho biết: "Tôi thấy hợp lý. Bởi, nếu không áp dụng mức nồng độ cồn bằng 0 thì dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, sẽ uống chút đỉnh, nhưng tuỳ tửu lượng, uống ít mà vẫn không làm chủ được hành động thì lái xe dễ dẫn đến tai nạn. Nên tôi thấy cần thiết áp dụng quy định nồng độ cồn bằng 0".
Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Ở góc nhìn khác, anh Phạm Văn Hưng, lái xe khách tuyến Cà Mau - TP Hồ Chí Minh, cho rằng: "Theo tôi thấy, quy định nồng độ cồn bằng 0 thật ra hơi gắt, ví dụ như tôi hay ngồi nhiều, chân tay tê thì tôi thường uống loại thuốc ngâm với một chút rượu, lúc đó nồng độ cồn khoảng 0,02 hoặc 0,2, do vậy Nhà nước nên có một mức định lượng, ví dụ dành cho dạng có cồn nhẹ như thuốc chữa bệnh".
Chị Trần Thị Kiều Diễm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 7, TP Cà Mau, bày tỏ quan điểm: "Tai nạn giao thông nguyên nhân do rượu bia gây ra là vấn đề nhức nhối của xã hội. Chị em phụ nữ chúng tôi đều ủng hộ phải xử lý thật nặng, thật nghiêm những trường hợp uống bia rượu say xỉn vẫn cố ý lái xe. Tuy nhiên, luật cũng phải căn cứ trên khoa học để tránh phạt oan đối với những người hoàn toàn không uống bia rượu mà vẫn có "nồng độ cồn tự thân", như do chuyển hoá trong cơ thể hoặc do ăn uống hay dùng thuốc trị bệnh... Nghiêm nhưng phải đúng thì mới tạo được sự tin tưởng và đồng thuận trong xã hội".
Theo ông Nguyễn Văn Bền, cán bộ hưu trí Phường 5, TP Cà Mau, quy định hiện nay cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia là kế thừa Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, vì vậy quy định này là hợp lý.
"Tuy nhiên, tôi thấy nên tăng nặng mức phạt theo 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn: tối thiểu, trung bình và tối đa. Ở mức tối thiểu, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền cao gấp đôi mức cũ, tạm giữ bằng lái nhưng không tạm giữ phương tiện. Vi phạm nồng độ cồn ở mức trung bình thì phạt tiền gấp ba mức cũ, tạm giữ bằng lái và phương tiện. Ở mức nồng độ tối đa nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì đó chính là tội ác; nên tạm giữ phương tiện, giấy tờ và cả chủ phương tiện, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự. Cả ba trường hợp trên đều có thể truy cứu hình sự nếu người điều khiển phương tiện gây tai nạn; truy cứu hình sự nếu tái phạm nhiều lần".
Qua các ý kiến có thể thấy, vấn đề nồng độ cồn trong tham gia giao thông cần phải có sự nghiên cứu thấu đáo từ những vướng mắc của thực tiễn, từ đó có những quy định thực sự hợp lý, phù hợp với cuộc sống, văn hoá của dân tộc, nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật./.
Lê Chí