Hiện nay, tại khu vực giao lộ Ðầm Dơi - Cà Mau thuộc tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua xã Hoà Thành, TP Cà Mau, xuất hiện nhiều hộ dân buôn bán tự phát ven tuyến đường DT988 hướng về trung tâm huyện Ðầm Dơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ðiều đáng quan tâm là, nếu thiếu sự quản lý kịp thời, một khi đã hình thành chợ lớn hơn thì việc dẹp bỏ hoặc sắp xếp lại sẽ trở nên khó khăn và phức tạp.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên tuyến đường DT988, đoạn từ nút giao nhau giữa tuyến tránh Quốc lộ 1 - Ðầm Dơi đến cầu Hoà Trung, thuộc địa bàn xã Hoà Thành, TP Cà Mau, tuy chỉ dài hơn 100 m nhưng đã có khoảng 9 hộ dân buôn bán rau củ quả, thuỷ hải sản..., chủ yếu là kê sạp, cắm cột che hờ vải bạt để làm nơi buôn bán. Ðiều đáng chú ý là các quầy hàng bày bán ngay sát lòng đường, người bán vô tư chào mời mua hàng, người mua thì bất chấp nguy hiểm, đậu, đỗ xe lấn chiếm lòng đường để lựa chọn hàng hoá, mặc cho dòng xe nườm nượp di chuyển. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao, bởi đây là tuyến đường có khá đông lưu lượng xe lưu thông, nhất là xe tải.
Người dân che tạm sát lòng đường tuyến DT988, đoạn từ nút giao tuyến tránh Quốc lộ 1 - Ðầm Dơi đến cầu Hoà Trung, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Còn nhớ, thời điểm trước đây, khi chưa bố trí đèn tín hiệu giao thông tại nút giao tuyến tránh Quốc lộ 1 và tuyến đường DT988, cách điểm buôn bán của các hộ dân này vài chục mét đã không ít lần xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nguy hiểm tiềm ẩn là vậy, thế nhưng đối với những hộ dân buôn bán nơi đây, vấn đề quan trọng hơn hết vẫn là câu chuyện mưu sinh.
Anh N.V.T, ngụ xã Hoà Thành, bộc bạch: “Lúc trước tôi bán tại tuyến đường cũ, đoạn qua cống Kinh Chùa, khi tuyến tránh đưa vào sử dụng thì hầu như tuyến đường kia rất ít người đi, không thể buôn bán gì được nên mới dời qua đây. Bán bên đây cũng bị người của xã đến nhắc nhở hoài, kêu dẹp vô trong. Thấy xe qua lại đông cũng sợ chứ, nhưng vì cuộc sống nên phải chịu thôi”. Ðây cũng là tâm lý chung của nhiều hộ dân buôn bán tại khu vực này. Ðối với họ, kiếm thu nhập mới là chuyện chính, còn mối nguy hiểm của việc buôn bán sát lòng đường chỉ là câu chuyện thứ yếu.
Có thể thấy, tình trạng chợ tự phát diễn ra khá phổ biến tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là trên các tuyến đường liên huyện, nơi đông dân cư hoặc giao thông thuận lợi. Ban đầu, các chợ này chỉ hình thành nhỏ lẻ do nhu cầu mua bán hàng hoá nhanh gọn của người dân, nếu không được quản lý từ sớm, quy mô các chợ này ngày càng mở rộng, dẫn đến mất kiểm soát.
Do đó, để giải quyết câu chuyện này từ sớm, từ xa, chính quyền địa phương cần nhanh chóng khảo sát, quy hoạch khu vực buôn bán hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân, điều quan trọng hơn hết chính là đảm bảo an toàn sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Giải quyết chợ tự phát là câu chuyện phức tạp, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương và người dân. Trong đó, vấn đề quy hoạch hợp lý, quản lý chặt chẽ và nâng cao ý thức cộng đồng là những giải pháp quan trọng để giải quyết tốt thực trạng này./.
Lê Chí