Nhiều tuyến lộ nông thôn được đào đắp thêm đất đen bên ngoài; cống vuông, xung quanh nhà được gia cố, bồi trúc bằng đất, bê tông..., đó là cách mà bà con vùng ven biển trên địa bàn tỉnh ứng phó mỗi khi đến mùa triều cường.
Địa hình thấp, hệ thống sông ngòi chằng chịt lại chịu tác động của hiện tượng bán nhật triều không đều từ biển Ðông và nhật triều không đều từ biển Tây, nên tình trạng triều cường dâng cao gây ngập cục bộ nhiều tuyến đường và một số khu vực trũng thấp là câu chuyện không còn xa lạ với người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vào những tháng cao điểm như hiện nay (từ tháng 10-12 âm lịch).
Ðể “sống chung” với các đợt triều cường, người dân các huyện ven biển như Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân và Năm Căn đã chủ động gia cố bờ vuông, bờ bao khuôn hộ bảo vệ sản xuất; kê cao tài sản, hàng hoá hoặc di dời để tránh ngập, gây hư hỏng.
Nhiều công trình giao thông nông thôn trên địa bàn xã Ðất Mới, huyện Năm Căn kết hợp làm bờ bao chống tràn.
Rút kinh nghiệm sau nhiều lần bị thiệt hại do triều cường, những năm gần đây, gia đình ông Ngô Văn Két, ấp Ông Chừng, xã Ðất Mới, huyện Năm Căn đã chủ động gia cố cống vuông, đắp bờ bao xung quanh nhà, vuông tôm từ rất sớm để phòng triều cường. Ông Két chia sẻ: “Ðể giảm thiệt hại do triều cường, ngay từ tháng 8 âm lịch tôi đã đắp bờ bao xung quanh nhà, vuông tôm của gia đình. Chỗ nào gia cố được bằng cơ giới thì cho máy móc làm, còn lại thì đào đắp bằng tay”.
Hiện nay, đang trong thời điểm được dự báo là cao điểm của mùa triều cường. Con nước triều cường vừa qua (15-20/12 dl), tuy chưa cao lắm nhưng cũng làm một số tuyến đường trên địa bàn huyện Năm Căn bị ngập, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; đặc biệt là một số xã hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhiều tuyến nhỏ và đang bị hư hỏng như Ðất Mới.
Ông Trịnh Thanh Thoảng, Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mới, cho biết, ngay từ đầu năm, xã đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của triều cường. Cụ thể, đã phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã phụ trách từng địa bàn, phối hợp với các ấp rà soát theo từng tuyến, khu vực. Trên cơ sở đó, những nơi nào thấp trũng có nguy cơ ngập, tràn bờ do triều cường thì đã chủ động gia cố.
Cống Bào Chấu kể từ khi được đầu tư đưa vào vận hành góp phần quan trọng hạn chế triều cường dâng cao trong nội đồng Tiểu vùng 10 - Nam Cà Mau.
Việc be bờ, đắp đập hay xây dựng bờ kè bê tông... bước đầu hiệu quả trong việc hạn chế thiệt hại do triều cường. Ðiều này cho thấy sự chủ động của người dân trước diễn biến khó lường của thời tiết. Tuy nhiên, nếu triều cường kết hợp với mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Hiện tượng thời tiết cực đoan không ít lần diễn ra trên địa bàn tỉnh làm thiệt hại hàng chục ngàn héc-ta lúa, hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản; khu vực đô thị bị ngập sâu khiến nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng...
Hệ thống kè chắn sóng được đầu tư thời gian qua cũng đã phát huy tác dụng chống tràn bảo vệ sản xuất của người dân bên trong.
“Dù đã chủ động từ rất sớm, nhưng từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã cũng đã xảy ra 6 vụ triều cường làm tràn bờ bao, ảnh hưởng đến nuôi trồng thuỷ sản của người dân, gây thiệt hại khoảng 150 triệu đồng”, ông Thoảng cho biết thêm.
Thiệt hại trên cho thấy, những giải pháp ấy chỉ mang tính chất cục bộ, khó đáp ứng về lâu dài và căn cơ, nhất là khi thời tiết có những diễn biến cực đoan hơn. Ðặc biệt là hiện tượng mưa lớn kết hợp với triều cường.
Ðắp bờ “cơm nếp” bên ngoài các tuyến lộ giao thông cũng là giải pháp đã được xã Ðất Mới triển khai trong nhiều năm qua. Ông Thoảng cho biết thêm, hiện xã đã cho tiến hành đắp bờ bao bên ngoài theo nhiều tuyến giao thông của xã. “Thời gian tới, khi tiến hành đầu tư lộ giao thông nông thôn cần có cao trình cao hơn đỉnh triều hằng năm 80 cm, đồng thời những tuyến gần các trục sông nếu có điều kiện nên di dời sâu bên trong để đảm bảo sử dụng lâu dài”, ông Thoảng kiến nghị.
Trong hơn 1 tháng qua, tại các địa phương ven biển như Ngọc Hiển, Phú Tân và Năm Căn, các đợt triều cường đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và đi lại của người dân. Chính quyền địa phương đã cho cơ giới đắp thêm bờ bao bên ngoài dọc theo nhiều tuyến đường nông thôn để hạn chế tràn, thiệt hại sản xuất và tài sản của người dân. Tuy nhiên, đây chưa phải là những giải pháp căn cơ, lâu dài để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp như hiện nay cũng như thời gian tới./.
Nguyễn Phú - Trầm Nghĩ