(CMO) Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án), vào sáng ngày 11/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh: “Đây là vấn đề quan trọng trong công tác giáo dục của tỉnh. Dù xoá hay ghép các điểm trường, cần tư duy mở trong giáo dục, không nên khuôn khổ. Đi cùng với việc sắp xếp hài hoà trường lớp thì cần đẩy mạnh phát triển giáo dục. Từng trường học, từng địa phương cần thay đổi phù hợp với tình hình mới”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh nguyên tắc sắp xếp trường lớp phải nhất quán từ trên xuống, lấy sự đồng thuận của người dân để tạo nền tảng quan trọng cho ngành giáo dục phát triển.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, tính đến nay, toàn tỉnh đã xoá 67 điểm trường lẻ, học nhờ từ cấp mầm non đến phổ thông. Trong đó, xóa 43 điểm học nhờ, 1 điểm lẻ bậc học mầm non; xóa 22 điểm trường tiểu học ở các huyện, thành phố; xóa 1 điểm lẻ trường THCS Tân Lộc Đông (điểm Ban Can) thuộc phòng GD&ĐT huyện Thới Bình.
Đối với cấp THPT, đã thực hiện đúng theo lộ trình của Đề án. Cụ thể, đã ghép điểm trường THCS Lê Hoàng Thá vào trường THPT Tân Bằng thành Trường THCS-THPT Tân Bằng; chuyển trường THCS Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi thành Trường THCS-THPT Nguyễn Huân, trực thuộc Sở GD&ĐT.
Theo đó, hiện nay toàn tỉnh có tổng số 499 trường từ cấp mầm non đến phổ thông. Trong đó, mầm non 133 trường (14 trường ngoài công lập); tiểu học 219 trường (1 trường ngoài công lập); THCS có 114 trường và THPT có 33 trường (1 trường ngoài công lập).
Qua 3 năm sắp xếp cho thấy chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh lên lớp tăng 0,26%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tăng 0,28%. Nổi bật, tỷ lệ học sinh được học môn Tiếng Anh tăng 18,73%; tỷ lệ học sinh được học Tin học tăng 15,76%; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tăng 0,74%; tỷ lệ học sinh học bán trú tăng 0,16%.
Cơ sở vật chất các điểm trường chính được đầu tư kiên cố, khang trang; trang thiết bị dạy và học được trang bị khá đầy đủ và hiện đại hơn. Hiện tổng số có 6.743 phòng học; trong đó, phòng học kiên cố chiếm tỷ lệ 66,61%; phòng học bán kiên cố 33,38%.
Qua 3 năm thực hiện Đề án cho thấy chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt. (ảnh minh hoạ)
Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ĐT đánh giá: “Sau 3 năm, hệ thống mạng lưới trường học trong tỉnh đã được quy hoạch tương đối hoàn chỉnh, phát triển cân đối, hài hòa đối với các cấp học; phù hợp với cơ cấu giáo dục. Đặc biệt, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về học tại trường chính tạo nên hiệu ứng tích cực trong triển khai Đề án.
Việc sáp nhập các trường thực hiện theo Đề án đã thu gom đầu mối quản lý, khắc phục tình trạng nhiều cơ sở trường học, nhiều điểm trường lẻ có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn; đồng thời khắc phục tình trạng gây lãng phí về bộ máy biên chế, quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học”.
Đại biểu chia sẻ những khó khăn trong thực tế ở địa phương.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chia sẻ những khó khăn trong thực tế như: Phần lớn các trường có dạy 2 buổi/ ngày còn thiếu phòng học; một số điểm trường lẻ cách xa điểm trường chính và các trường lân cận, số lượng học sinh đông, theo nhu cầu của phụ huynh học sinh nên chưa thể thực hiện xóa như theo Đề án.
Kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu; một số trường quỹ đất hẹp, không đủ điều kiện để mở rộng đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng; giao thông đi lại một số xã còn khó khăn. Đặc biệt, còn một số xã, phường chưa có trường THCS.
Để phát huy tốt hiệu quả của Đề án thời gian tới, ngành GD&ĐT đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với yêu cầu hiện nay; tiếp tục tham mưu thực hiện Đề án từ nay đến năm 2025 theo hướng tập trung, giảm dần các điểm trường lẻ. Tập trung ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc học tiểu học…
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết thời gian tới sẽ tập trung ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia. (ảnh minh hoạ)
Nhấn mạnh nguyên tắc sắp xếp trường lớp phải nhất quán từ trên xuống, lấy sự đồng thuận của người dân để tạo nền tảng quan trọng cho ngành giáo dục phát triển, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đề nghị tiếp tục rà soát, sắp xếp trường lớp các cấp học phù hợp, đồng bộ, liên thông, phát huy thiết chế giáo dục. Nghiên cứu chính sách, cơ chế giáo dục, nhất là giáo dục mầm non; chính sách thu hút, hỗ trợ cho giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.
Chỉ đạo việc chuẩn bị trường lớp, đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2023-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh quan tâm vấn đề đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đó, yêu cầu mỗi địa phương cần đánh giá lại khả năng đáp ứng dạy và học. Cần mời chuyên gia, người có kinh nghiệm để hướng dẫn chuyên môn, nâng cao trình độ đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương, của ngành và yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, lan toả giá trị tích cực, hiệu quả của Đề án./.
Phi Long