(CMO) Gần đây tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo mới bằng hình thức mạo danh các cơ quan chức năng, giáo viên, nhân viên nhà trường gọi điện cho cha mẹ học sinh nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt clip được tái dựng lại cảnh đối tượng lợi dụng việc phụ huynh đưa rước các em học sinh nên đã dò tìm được số điện thoại phụ huynh, bảo rằng em học sinh (con của phụ huynh) bị tai nạn tại trường, được nhà trường đưa vào bệnh viện cấp cứu, cần tiền đóng viện phí gấp, bắt buộc phụ huynh phải chuyển nhanh để kịp thời cho con phẫu thuật.
Hay trường hợp khác, kẻ xấu lại ngay cổng trường thấy các em đứng chờ phụ huynh, đối tượng bảo phụ huynh các em trên đường đi rước con thì bị tai nạn, nhờ đối tượng đi rước, từ đó dẫn đến tình trạng trẻ em bị bắt cóc, tống tiền... và nhiều hành vi, thủ đoạn khác rất tinh vi.
Qua thông tin từ các đơn vị chức năng của Bộ Công an, từ đầu tháng 3 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo tổng số tiền 825 triệu đồng. Các đối tượng tự xưng là giáo viên thể dục, nhân viên y tế nơi học sinh đang học để gọi điện thoại thông báo cho phụ huynh về việc con bị té ngã khi hoạt động thể dục, con bị tai nạn dẫn tới chấn thương sọ não đang nhập viện nên cần tiền để mổ gấp. Ðối tượng tạo sự tin tưởng bằng cách thông tin chính xác về tên, tuổi của học sinh, phụ huynh. Tiếp đó, đối tượng chuyển điện thoại đến một người tự xưng là bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện để trao đổi, thông tin về tình trạng bệnh, yêu cầu chuyển tiền để mổ cấp cứu gấp. Do tâm lý lo lắng, nhiều phụ huynh học sinh không nghi ngờ và đã chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Khi nhận thấy phụ huynh tin tưởng và đã thực hiện chuyển tiền, các đối tượng tiếp tục gọi điện thoại thông báo chưa nhận được tiền và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản khác. Vụ việc này đã gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh, sinh viên về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong các nhà trường và cơ sở giáo dục.
Ðảm bảo cho trẻ có môi trường học tập an toàn, không để kẻ xấu có không gian lợi dụng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. |
Tại Cà Mau dù chưa xảy ra vụ việc tương tự, nhưng ngành giáo dục đã có nhiều công văn nhắc nhở đến các trường nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống thủ đoạn lừa đảo trên.
“Tăng cường tuyên truyền, phổ biển, cập nhật các hình thức và phương thức lừa đảo mới phát sinh cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh; xây dựng nhiều biện pháp giáo dục, hỗ trợ trẻ, học sinh, học viên nhận biết và phòng tránh các hành vi lừa đảo. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình trẻ, học sinh, học viên; đảm bảo các kênh thông tin giữa nhà trường và cha mẹ học sinh luôn được thông suốt”, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, cho biết.
Mới đây, cô Trịnh Thị Hoài, giáo viên lớp 1C, Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, TP Cà Mau, vừa thông báo đến phụ huynh: “Khi phụ huynh đưa các con vô trường học, buổi chiều rước đúng giờ. Hôm nào ba mẹ không rước, nhờ người nhà rước phải cẩn thận và có thể báo cho cô biết để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra”.
Qua trao đổi, cô Hoài cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ nên cô tiếp tục phát đi thông điệp nhắc nhở phụ huynh chủ động quan tâm đến trẻ, tránh để kẻ xấu lợi dụng thời cơ gây rối ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
“Ngoài ra, Sở Giáo dục và Ðào tạo còn chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền, thông tin đến nhân viên quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong toàn trường đề cao cảnh giác, phòng ngừa các phương thức, thủ đoạn hoạt động, hành vi lừa đảo của các đối tượng lừa đảo. Cung cấp kịp thời, đầy đủ cho cha mẹ học sinh các số điện thoại của nhà trường; giáo viên chủ nhiệm lớp có nhiệm vụ liên lạc với cha mẹ học sinh khi cần thiết; đồng thời, thiết lập đường dây nóng của trường (nếu chưa có) để cha mẹ học sinh thuận tiện trong việc liên hệ", ông Dự cho biết thêm.
Ðối với phụ huynh học sinh, ông Dự lưu ý: "Ðặc biệt lưu ý với cha mẹ học sinh, khi phát sinh các vấn đề liên quan đến học sinh, ngoài giáo viên chủ nhiệm hoặc số điện thoại đường dây nóng của trường (đã công khai tới cha mẹ học sinh), cha mẹ học sinh không trao đổi thông tin hoặc thực hiện theo yêu cầu của bất kỳ ai khác, kể cả những người tự xưng là giáo viên, nhân viên trong trường”.
Ðồng thời, sở cũng chỉ đạo các trường rà soát và tăng cường công tác bảo mật thông tin của nhân viên quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh của đơn vị mình phụ trách. Khi phát hiện các vấn đề liên quan phát sinh đối với đơn vị mình quản lý, đề nghị các đơn vị, trường học khẩn trương báo cáo cho cơ quan công an địa phương để phối hợp xử lý đúng quy định của pháp luật./.
Kim Cương