Chỉ mới bước vào đầu mùa mưa bão nhưng tình trạng trẻ em chết do đuối nước đang tăng. Ðây cũng là lời cảnh báo đối với những bậc làm cha mẹ, đừng chủ quan trong việc chăm sóc, bảo vệ con em mình.
Chỉ mới bước vào đầu mùa mưa bão nhưng tình trạng trẻ em chết do đuối nước đang tăng. Ðây cũng là lời cảnh báo đối với những bậc làm cha mẹ, đừng chủ quan trong việc chăm sóc, bảo vệ con em mình.
Cầm trên tay tấm ảnh duy nhất của đứa cháu ngoại vừa tròn 13 tuổi, ông Lê Văn Cọp, ở ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, đau đớn lặng người. Chuyện xảy ra đã gần 1 tuần nhưng đối với ông nó như chỉ mới hôm qua. Chỉ vì vài phút sơ ý của ông mà đứa cháu ngoại đã vĩnh viễn ra đi.
Những cái chết thương tâm
Ông Cọp nghẹn ngào kể lại: “Hôm đó vào giữa trưa, tôi đang nằm trên võng bên hiên nhà, con bé Hường (Lê Thị Cẩm Hường) cùng một đứa cháu gái nhà đối diện xin đi tắm sông. Sau đó thấy nó lấy dao (đi chặt chuối tập bơi) nhưng tôi cũng không để ý. Nửa tiếng sau tôi mới hốt hoảng đi kiếm, thấy nước đục ngầu ngay con kinh trước cửa nhà, nhảy xuống vớt lên thì cả 2 đứa đã không còn cứu được nữa”.
Ở vùng nông thôn rất dễ xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, bởi các em thường tắm sông khi thiếu sự quan sát, theo dõi của người lớn. |
Cha mẹ ly hôn ngay từ khi mới lọt lòng, mẹ có chồng khác bỏ đi làm ăn xa, cha cũng từ đó mất tung tích, Hường lớn lên bằng tình thương của ông bà ngoại. Dù cuộc sống vất vả, nhưng Hường vẫn chăm ngoan và chịu khó học hành.
Hằng ngày, với công việc ai thuê gì làm đó, ông bà ngoại Hường không ngại khó kiếm tiền nuôi cháu. Ngày Hường mất chỉ có mẹ đến di quan em về Bạc Liêu. Căn nhà cấp bốn ọp ẹp, không lành lặn, bao trùm nỗi đau vô cùng lớn xen lẫn nỗi ray rứt vì sự tắc trách của những bậc làm ông bà, cha mẹ đã vô tâm để xảy ra cái chết thương tâm cho con trẻ.
Hai trường hợp trên chỉ là 2 trong số 12 trường hợp đuối nước vừa xảy ra trong những ngày hè vừa qua. Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LÐ-TB&XH, chia sẻ: “Trong các tai nạn, thương tích ở trẻ em thì tai nạn do đuối nước có tỷ lệ tử vong cao nhất. Ðây là tai nạn thật sự rất nguy hiểm, nhất là vào thời điểm này. Bởi mùa hè, mùa nước nổi, các em thường hay đi chơi, nghịch nước, cộng với sự chủ quan của gia đình nên số lượng trẻ chết đuối có nguy cơ tăng”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đuối nước ở trẻ em, trong đó, ngoài nguyên nhân chủ quan là sự vô ý của người lớn, còn có nguyên nhân khách quan từ điều kiện địa hình sông ngòi chằng chịt, nhiều vùng nước nguy hiểm.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, phổ biến kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước cũng chưa được chú trọng và đi vào chiều sâu. Các em chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết tự bảo vệ mình, nên có nhiều em dù biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước.
Ngoài ra, điều kiện vui chơi giải trí của các em còn thiếu thốn, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa. Vì thế, nghịch nước, tắm sông là những trò chơi gần gũi với các em hơn hết.
Cần sự quan tâm hơn từ nhiều phía
Theo thống kê của Sở LÐ-TB&XH, trong số 12 trường hợp chết do đuối nước, hầu hết các em đều sống với ông bà, do cha mẹ đi làm ăn xa. Như 2 trường hợp ở huyện U Minh: 1 em ở với ông bà nội té sông chết, 2 em tắm sông bị đuối nước nhưng chỉ cứu được 1 em. Hay 3 trường hợp đau lòng ở huyện Năm Căn, cũng vì tắc trách của ông bà, cha mẹ mà 1 em chết do đi chơi gần mé sông, lọt xuống sông, 1 em té ao bùn chết.
Bà Oanh khuyến cáo: “Ðể phòng, chống đuối nước nói riêng và tai nạn, thương tích nói chung cho trẻ trong mùa hè, mùa mưa bão, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền. Mở thêm nhiều lớp dạy kỹ năng bơi và an toàn dưới nước cho trẻ. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền người dân tham gia giao thông đường thuỷ phải mặc áo phao cho trẻ để hạn chế tai nạn đáng tiếc”./.
Bài và ảnh: Hồng Nhung