(CMO) Chỉ cần gõ từ khoá “vay tiền online” sẽ có hàng loạt ứng dụng đáp ứng theo nhu cầu hiển thị. Các ứng dụng này đều yêu cầu người sử dụng cung cấp một số quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân như thông tin cá nhân về GPS, địa chỉ IP, hình ảnh, danh bạ, lịch sử cuộc gọi, tin nhắn và các thông tin khác.
Trả nợ xong vẫn bị “khủng bố”
Theo phản ánh của anh Trương H.Đ (xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi), do cần tiền gấp giải quyết việc gia đình nên anh lên ứng dụng vay tiền nhanh, vay 2 triệu đồng trong vòng 7 ngày, trả gốc và lãi 3,5 triệu đồng, khi đã thanh toán xong những khoản phí mà ứng dụng đưa ra. Thế nhưng, anh Đ cho biết: "Chỉ vì trả chậm vài tiếng mà bạn bè, người thân đều nhận được tin nhắn tôi là kẻ lừa đảo, nợ tiền... Tôi thấy quá kinh khủng". Trước tình hình đó, anh Đ nhanh chóng tất toán hết khoản nợ và gỡ ngay ứng dụng vay tiền phiền phức đó ra khỏi điện thoại của mình, chặn số lạ trên Zalo để thoát khỏi đeo bám của những người đi đòi nợ, dù đã trả hết số tiền vay cho họ. “Lúc vay, tài khoản tôi chỉ nhận được 1,8 triệu đồng. Tôi có hỏi thì họ nói trừ các loại chi phí trước", anh Đ kể. Chưa hết, do trả chậm 2 ngày, anh Đ bị phạt hơn 200.000 đồng/ngày và cộng dồn vào số tiền 2 triệu đồng vay ban đầu, dù lúc vay được tư vấn phí trả chậm 80.000 đồng/ngày. Sau đó là chuỗi ngày khủng hoảng với gia đình anh Đ, đối tượng cho vay đã "khủng bố" tất cả người thân và bạn bè trong danh bạ điện thoại của anh.
Theo các nạn nhân, nhiều ứng dụng cho vay có điều khoản ràng buộc là người vay phải chấp nhận cho bên vay được quyền truy cập danh bạ điện thoại hay những thông tin liên quan đến người vay để họ làm cơ sở đảm bảo. Do đó, khi bên vay chậm trả lãi, tất cả người thân trong danh bạ điện thoại đều bị gọi hoặc nhắn tin khủng bố và hình ảnh cá nhân bị tuồn ra mạng xã hội với những lời bịa đặt, vu khống. Có những người chỉ cần trả chậm vài giờ là toàn bộ bạn bè, người thân đều nhận được cuộc gọi đe doạ. Ngay cả những ứng dụng không yêu cầu thẩm định người thân, người vay cũng bị khủng bố, truy đuổi cả ngày lẫn đêm qua điện thoại nếu trả lãi sai hẹn, có khi 2 ngày trước khi đến hẹn là đã có hàng chục cuộc gọi hối thúc.
“Các thông tin từ hình ảnh món nợ của tôi lúc nào cũng bị đe doạ đưa lên Facebook. Tôi lầm tưởng với kiểu dịch vụ vay nhanh này có thể giải quyết được phần nào khó khăn tức thời cho mình, đỡ việc đi vay mượn ở ngoài lãi nặng, ai ngờ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Gia đình và người thân tôi phải khổ sở với khoản vay này khi bị quấy rối cả ngày lẫn đêm”, anh Nguyễn K.D (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) bức xúc. Thực tế, đã có nhiều khách hàng sử dụng các loại hình vay tiền qua mạng rơi vào hoàn cảnh tương tự anh D và anh Đ. Đa phần họ, khi được hỏi lại, đều nhìn ra được những kẽ hở của bản thân để bên cho vay lợi dụng. “Các ứng dụng cho vay tiền không cung cấp rõ ràng, đầy đủ cho chúng tôi về các chi phí phát sinh từ khoản vay, mà chỉ đơn giản cung cấp mức lãi suất cho vay, không cung cấp cụ thể về phí tư vấn, phí quản lý hồ sơ..., khi khách hàng vay xong mới vỡ lẽ. Các phí này thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí mà người tiêu dùng phải trả, dẫn đến người tiêu dùng không ước tính được đầy đủ tổng chi phí phải trả khi đi vay. Mặt khác, lỗi một phần do tôi nhẹ dạ cung cấp thông tin liên hệ của người thân, đồng nghiệp, nơi làm việc... dẫn đến việc bị dắt mũi, buộc phải nghe theo mọi yêu cầu của họ”, anh D bộc bạch.
Người vay tiền online phải cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ mới được giải ngân. |
Thông tin cá nhân dễ bị phát tán
Theo đó, để được giải quyết hồ sơ vay tiền, chị Trang Hạ My (Ấp 2, xã Tắc Vân, TP Cà Mau), bạn của chị Lê Thị Kiều Duyên đã phải tải ứng dụng vay tiền về điện thoại di động, ứng dụng này thông báo yêu cầu cho phép truy cập vào danh bạ, hình ảnh, vị trí trên điện thoại để tăng tỷ lệ duyệt hồ sơ đến 99% và giải ngân nhanh chóng. Không nghĩ ngợi gì, chị My nhanh chóng nhấp vào "đồng ý". Để vay được tiền, ứng dụng yêu cầu chị My phải chụp ảnh giấy tờ tuỳ thân và khuôn mặt của mình để đối chiếu. Sau vài thao tác bắt buộc của ứng dụng vay, chỉ mất khoảng 5 phút là chị nhận được tiền về tài khoản. "Thấy việc vay tiền dễ dàng, đặc biệt là lãi suất thấp nên bạn của tôi không nghĩ ngợi gì mà liên tục thao tác để vay tiền. Ai ngờ đó là cái bẫy được giăng sẵn", chị Duyên kể lại. Hậu quả mang đến là tất cả số điện thoại trong danh bạ của chị My, trong đó có chị Duyên, đã bị gọi đến quấy rối liên tục và phát tán hình ảnh bôi nhọ danh dự, uy tín. Ông Lê Chí Thành (cha ruột của chị Duyên) lo lắng: "Giờ gia đình tôi không dám cho con đi làm vì quá sợ, không biết những đối tượng đó có hành động gì làm hại con không, vì với những lời doạ nạt tục tĩu gọi đến mỗi ngày, thông tin của con đã bị phát tán trên mạng xã hội rồi. Muốn báo với chính quyền để giải quyết mà mình không biết đối tượng là ai, số điện thoại thì gọi lại không được".
Chưa đến một tuần, sau ngày các nạn nhân vay được tiền, sẽ có người tự xưng là nhân viên bên các ứng dụng cho vay tiền gọi điện nhắc trả nợ. Sang đến hạn đóng lãi, người gọi điện bắt đầu doạ nạt, khủng bố tinh thần bằng nhiều cách khác nhau để hối thúc trả nợ chẳng kém gì xã hội đen.
Chỉ cần gõ “vay tiền online” sẽ có hơn 20 ứng dụng cung cấp. |
Chị Lê Thị Thuỳ Trang, Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Việc các ứng dụng vay tiền đòi hỏi quyền truy cập sâu vào các thông tin của người sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ thông tin cá nhân người dùng ra ngoài, gây mất an toàn thông tin. Trong khi đó, quy mô hoạt động của các công ty này phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp, do đó năng lực công nghệ, hạ tầng kỹ thuật có thể chưa đảm bảo an toàn, an ninh, cơ chế xác thực khách hàng điện tử vẫn còn tồn tại kẽ hở, tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên tham gia”.
Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đen cảnh báo: “Căn cứ theo các quy định hiện hành, sở sẽ đưa ra giải pháp xử lý. Đối với các ứng dụng liên kết máy chủ ở nước ngoài, sở sẽ phản ánh với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, trường hợp các ngân hàng hay tổ chức tín dụng giới thiệu các gói cho vay trực tuyến theo đúng lãi suất quy định, tuân thủ pháp luật và tiếp cận người tiêu dùng thông qua ứng dụng thì hoàn toàn có thể chấp nhận được. Cho nên, cái gốc vấn đề nằm ở chính hành vi của người sử dụng ứng dụng. Để hạn chế tình trạng mắc bẫy tín dụng đen qua ứng dụng, ngoài việc thông tin, hướng dẫn, cảnh báo..., người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để hiểu rằng, khi vay tiền dù thủ tục có đơn giản cách mấy vẫn cần phải có những ràng buộc để nhân viên tín dụng thu hồi nợ. Không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền mà không cần điều kiện…”./.
Việt Mỹ
Bài cuối: “Bỏ ngỏ” khung pháp lý