Một buổi sáng, đang ngồi đọc báo bỗng nghe tiếng gõ cửa, tôi vội vàng bước ra. Nam, thằng bạn chiến đấu hồi ở trong B bắt thần xuất hiện làm tôi ngớ ra.
Một buổi sáng, đang ngồi đọc báo bỗng nghe tiếng gõ cửa, tôi vội vàng bước ra. Nam, thằng bạn chiến đấu hồi ở trong B bắt thần xuất hiện làm tôi ngớ ra.
- Chào anh Sáu - anh khoẻ không? Nhân tiện ra đây họp tôi ghé thăm anh.
- Trời đất ơi! Bao nhiêu năm mất hút, tưởng là ông nội quên tôi rồi! Ai về cho cậu biết tôi ở đây mà tìm đó? Thôi vô đây - vô đây! Vợ con mình đi về bên ngoại, ở nhà một mình. Hai đứa tha hồ mà bù khú chuyện trò cho "đã" nghe...
Nữ thanh niên xung phong cán thương qua rừng. (Ảnh mang tính chất minh hoạ). Ảnh: TL |
Hai đứa chúng tôi ở chung đại đội thực binh từ miền Bắc vào, được bổ sung vào Sư đoàn 9 miền Ðông Nam Bộ. Trong trận đánh Cần Ðâm trên lộ 13 năm 1967, cả hai đều bị thương phải vào viện. Sau khi ra viện, mỗi đứa đi về một nơi, từ đó không một lần gặp lại. Hôm nay, gặp nhau biết bao điều tâm sự, câu chuyện cứ trào ra như suối chảy. Hỏi han nhau về đời sống, về vợ con, công việc và ôn lại những kỷ niệm xưa một thời cùng chiến đấu bên nhau. Nhắc đến chuyện hai đứa cùng bị thương và cùng vào viện, bỗng Nam hỏi tôi:
- Anh Sáu đã tìm ra cô thanh niên xung phong có chiếc khăn tay chưa?
Tôi buồn rầu lắc đầu. Và lập tức câu chuyện về chiếc khăn tay hiện về trong tôi mặc dù đã trải qua trên 30 năm về trước. Vào mùa mưa năm 1966, Trung đoàn 2 chúng tôi thuộc Sư đoàn 9 được lệnh phục kích đoàn xe của địch ở Cần Ðâm trên lộ 13. Giữa lúc trận đánh đang xảy ra ác liệt thì một mảnh đạn pháo găm vào đùi tôi. Tôi lảo đảo, cố lê được mấy bước rồi ngất đi vì vết thương ra nhiều máu quá. Tôi được chuyển về Trạm Quân y Trung đoàn. Sau khi sơ cứu, tôi được chuyển ngay đêm hôm đó về Quân Y viện đóng ở bên kia sông Sài Gòn. Cáng thương của tôi do 2 cô nữ thanh niên xung phong phụ trách (lẽ ra phải 4 người để thay đổi cho nhau). Ðêm đó mưa như trút nước. Trời tối đen. Ðường từ tuyến trung đoàn đến Trạm chuyển thương CT.5 rất khó đi.
Ðường rừng lầy lội qua những dốc trơn như mỡ. Mưa mỗi lúc một to, gió ào ào làm những cành cây khô (bị chất độc hoá học huỷ hoại) gãy răng rắc. Thỉnh thoảng lại một tia chớp loé sáng. Tiếng đại bác từ các trận địa dã chiến của giặc chốc chốc lại nổ đoành đoành. Chúng nó bắn vu vơ suốt đêm. Quãng đường chuyển thương phải lội qua con suối nhỏ, qua cầu dây bắc qua sông Sài Gòn, đi thật gian nan. 2 cô lấy ni-lông choàng phủ lên cáng cho tôi, còn bản thân thì ướt sũng, lần từng bước, từng bước mà đi trong đêm mưa. Có lúc trượt chân sắp té lại gượng dậy. Cáng thì nặng, người thì thấp, mỗi khi qua suối lại phải nhón người lên cho khỏi ướt võng. 2 người đi suốt đoạn đường không nghỉ, chốc chốc lại hỏi tôi:
- Anh có bị ướt không? Anh có mệt lắm không? Cố ráng chịu tý chút, sắp đến nơi rồi.
Tôi gượng trả lời: Không hề gì - tôi chỉ mệt ít thôi! Chiếc cáng lại tiếp tục đi. Ðược nửa đường, mưa bắt đầu nhẹ hạt rồi trời tạnh hẳn. 2 cô dừng lại gác 1 đầu cáng lên cành cây bên đường, còn đầu kia có chiếc nạng chống. Một cô mở tấm ni-lông ra xem, vừa rọi đèn pin, vừa nói với cô kia:
- May quá! Không ướt tý nào cả mầy ạ!
Nhưng khi cô rọi đèn pin vào phía võng bên chân bị thương thì thấy máu từ vết thương rỉ ra làm ướt đỏ cả một vùng võng, không chút do dự, cô rút chiếc khăn tay trong túi áo buộc vào vết thương cho tôi và khẽ nói:
- Vết thương anh rỉ máu, anh chịu khó đau một tý để em buộc chặt chiếc khăn vào vết thương cho đỡ chảy máu nghe anh.
Tôi nghe rõ tiếng em nhưng mệt quá không trả lời. Tôi nằm yên và cố mở mắt nhìn em, nhưng trong ánh sáng lờ mờ của đèn pin tôi không nhìn được rõ mặt. Tôi chỉ thấy đôi mắt sáng đen, mái tóc xoã ngang vai, cô còn rất trẻ.
Ðến CT.5, 2 cô bàn giao thương binh rồi vội vã quay về trạm phẫu Trung đoàn, chỉ kịp chào:
- Thôi anh về viện. Chúc anh mau lành vết thương để trở về đơn vị.
Tôi chỉ kịp đáp lại: 2 cô đi mạnh nghe...! Cũng chẳng nói được lời cảm ơn và hỏi tên là gì, ở đơn vị nào nữa! Sau nghĩ lại thấy ân hận và hối tiếc vô cùng...
Chiếc khăn đó, sáng hôm sau, được cô y tá thay băng phát hiện rồi đem giặt sạch đưa lại cho tôi. Tay cô trao chiếc khăn, miệng vừa cười, vừa nói: "Anh có chiếc khăn tay người yêu kỷ niệm đẹp thật!". Tôi chẳng biết nói sao. Mặt tôi đỏ bừng vì xấu hổ. Chiếc khăn được tôi giữ kín trong ba lô làm kỷ niệm. Sau ngày ra viện, tôi có dò hỏi tìm cô gái thanh niên xung phong tải thương hôm đó. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh; đơn vị tôi lại được điều đi hoạt động ở địa bàn khác; Mặt trận miền Nam thì rộng, chúng tôi đi khắp đó đây... tìm em như tìm kim đáy biển.
Và từ đó, mỗi lần nghe bài hát "Chiếc khăn tay" của Nhạc sĩ Xuân Hồng cất lên: "Chiếc khăn tay không biết về ai. Nhưng lòng em vẫn tin ở ngày mai"... thì tim tôi lại rạo rực và câu chuyện về chiếc khăn tay lại trỗi dậy trong tôi. Tôi lại tự hỏi: Không biết giờ này em ở đâu và sau ngày toàn thắng em còn sống trở về hay nằm lại mãi mãi cùng núi rừng miền Ðông Nam Bộ.
Giờ đây chiếc khăn tay tôi vẫn còn giữ. Nó là vật kỷ niệm thiêng liêng của cuộc đời tôi./.
(Ghi theo lời kể một chiến sĩ Sư đoàn 9).
Bác sĩ Bùi Đình Đậu, công tác tại Tổng đội TNXP