Ðể góp phần chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng theo hình thức lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế xã, phường nhằm phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, làm giảm hành vi gây rối, gây nguy hại, mãn tính, tàn phế cho bệnh nhân tâm thần phân liệt và bệnh động kinh, từ ngày 10/10/1998, Chính phủ đã quyết định đưa Chương trình Phòng chống tâm thần thành Chương trình Mục tiêu Y tế quốc gia bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng (Chương trình). Theo đó, những năm qua, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Bệnh nhân đến đăng ký điều trị ngày càng nhiều; tỷ lệ bỏ trị, bệnh nhân kích động, lang thang giảm hẳn.
- Bác sĩ của "bệnh nhân đặc biệt"
- Chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị hiệu quả
- Việc quan trọng lại hay... quên
Tại tỉnh Cà Mau, ước tính số lượng bệnh nhân tâm thần phân liệt khoảng 5 ngàn người, bệnh động kinh khoảng 3.500 người, bệnh trầm cảm khoảng 10 ngàn người và lượng lớn bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần khác: loạn thần do rượu, rối loạn tâm thần tuổi già, lo âu, loạn thần do sử dụng ma tuý, các chất gây nghiện khác...
Việc triển khai quản lý và điều trị tại cộng đồng sẽ giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Bác sĩ Ðặng Văn Trường, Phó trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng, khống chế được những hành vi nguy hiểm cho xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu của chương trình. Do vậy, Chương trình luôn quan tâm và phối hợp nhịp nhàng giữa điều trị tại nhà và phòng bệnh; kiểm tra, thực hiện tốt phục hồi chức năng; kết hợp và lồng ghép vào mạng lưới y tế chung để khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giúp người bệnh sớm hoà nhập với gia đình và cộng đồng. Tham gia và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác chuyên khoa tâm thần tuyến huyện, thành phố, xã, phường...”.
Chương trình bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng triển khai lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế xã, phường. (Ảnh minh hoạ).
Kết quả triển khai quản lý bệnh tâm thần, lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế xã, phường như khám phát hiện và cấp, phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, bệnh động kinh theo Chương trình 101/101 xã, phường, đạt 100% hằng năm. Ðiều trị ổn định hằng năm trên 80% số bệnh nhân được đăng ký điều trị.
Hoạt động bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng đến cuối năm 2023, tổng số bệnh nhân quản lý điều trị tại cộng đồng 3.880 người, trong đó tâm thần phân liệt 1.721 người, động kinh 1.586 người và các bệnh rối loạn tâm thần khác 149 người. Riêng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần 424 bệnh nhân.
Trong tỉnh hiện có 1 Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tại xã Khánh An, huyện U Minh.
“Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần ổn định từ tỉnh đến tận cơ sở. Người trực tiếp tham gia chương trình nhiệt tình và tích cực. Công tác phục hồi chức năng tâm thần đạt kết quả khả quan, giúp người bệnh sống hoà nhập với gia đình, cộng đồng và có thể lao động tạo ra của cải vật chất, tự nuôi sống bản thân. Người bệnh được chăm sóc, uống thuốc đủ, đều, đúng thì tỷ lệ tái phát thấp rõ rệt”, Bác sĩ Ðặng Văn Trường thông tin thêm.
Hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng là chương trình ý nghĩa, được thực hiện tại tuyến y tế cơ sở và đến tận gia đình người bệnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, làm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Toàn tỉnh có tổng số 126 y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tâm lý lâm sàng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từ tuyến tỉnh đến huyện, xã. Ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều có Khoa Tâm thần. Mỗi huyện có 1 tổ tâm thần nằm trong Khoa Kiểm soát bệnh tật thuộc Trung tâm Y tế huyện, thành phố, có 1-2 người phụ trách tại bàn khám và cấp phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần trong huyện. Mỗi xã có 1 biên chế phụ trách chung cho các bệnh xã hội, trong đó có hoạt động bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng. Khóm, ấp có 1 tổ y tế và 1 tổ cộng tác viên y tế tham gia các chương trình của cộng đồng. |
Quỳnh Anh