Trong chuyến hành trình trên mảnh đất phù sa vùng châu thổ Cửu Long, tôi bắt gặp họ - những người hành nghề y với những “bệnh nhân đặc biệt” và trở thành những "bác sĩ đặc biệt”. Dù hoạt động trong môi trường đặc thù, khó khăn nhưng không ai than phiền, thay vào đó là sự quyết tâm, tất cả vì bệnh nhân.
Ông Cao Văn Lợi, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh Cà Mau (Trung tâm), nhắc khéo: “Lâu rồi, chú em không ghé thăm anh!”. Lời nhắc của anh làm tôi chợt nhớ những ánh mắt đăm chiêu trong buổi chiều tà ở xứ rừng U Minh Hạ cách nay 7 năm.
Trước đó, tôi đã từng nhiều lần nán lại rất lâu và chứng kiến cảnh người bệnh bấn loạn đập phá, la hét, kích động... và anh cùng đội ngũ nhân viên, y, bác sĩ tất bật với biện pháp chuyên môn nhằm giảm thiểu thấp nhất sự kích động. “Chú em thấy đó, ở đây luôn có những người không quản ngày đêm gần gũi, tận tâm chăm sóc người mắc bệnh tâm thần bằng sự đồng cảm, kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu”, anh Lợi trần tình.
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh Cà Mau (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau), thời gian qua, ngoài thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân, Trung tâm còn tổ chức dạy nghề cho đối tượng này.
Với nhiều người, nhắc đến bệnh nhân tâm thần, ai cũng mang tâm lý e ngại, lo sợ, nhưng với đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại Trung tâm, lại luôn tâm huyết với nghề, tận tuỵ, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh.
Các bác sĩ thăm khám bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm Tâm thần Quân đội phía Nam, Bệnh viện Quân Y 120.
Ông Cao Văn Lợi cho biết thêm, hiện Trung tâm đang quản lý 423 đối tượng, trong đó, 304 đối tượng có thân nhân, 113 đối tượng lang thang.
Nhân viên và đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm luôn chú trọng chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình, chu đáo, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc bệnh nhân. Hiện tại, Trung tâm còn khoảng 10 đối tượng có biểu hiện thường xuyên lên cơn la hét, không kiểm soát hành vi, được bố trí phòng ở riêng, đề phòng gây sự đánh nhau, gây thương tích. Về chế độ chăm sóc, ăn uống, ông Lợi cho hay: “Khoa Dinh dưỡng luôn đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch chế độ dinh dưỡng. Các món ăn được thay đổi đa dạng. Trung tâm cũng đã hoàn thành công tác sửa chữa lại khu sơ chế và khu bếp phục vụ chế biến bữa ăn cho đối tượng. Viên chức, nhân viên khoa luôn nêu cao tinh thần phối hợp tốt với các khoa trong việc chăm sóc ăn uống, cấp phát khẩu phần ăn cho người bệnh”.
Ngoài ra, các bệnh nhân còn được kiểm tra sức khoẻ định kỳ hằng tháng. Bệnh nhân tâm thần không ổn định được theo dõi thường xuyên; bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh thông thường được khám và điều trị theo y lệnh. Bệnh nhân điều trị ngoại trú được thường xuyên thăm hỏi, khoa quản lý bệnh nhân luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với gia đình, nắm bắt thông tin, tình hình điều trị người bệnh.
Như những người đồng nghiệp ở Trung tâm, đội ngũ y, bác sĩ ở Trung tâm Tâm thần Quân đội phía Nam (Khoa Tâm thần kinh) Bệnh viện Quân Y 120 (Cục Hậu cần Quân khu 9), TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cũng tất bật với hơn 50 bệnh nhân nặng đang lưu trú; hỗ trợ bệnh nhân tái hoà nhập với cộng đồng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Thành Nam đang loay hoay chăm sóc vợ tại Trung tâm Tâm thần Quân đội phía Nam, cho biết, anh vừa chuyển tuyến điều trị cho vợ từ tỉnh Bến Tre lên. Theo lời anh Nam, vợ anh phát bệnh đã nhiều năm, kể từ sau sinh con. Năm nào cũng 1-2 chuyến đưa vợ đến Trung tâm Tâm thần Quân đội phía Nam khám, điều trị. Lần này thì tình trạng nặng hơn: la hét, nói chuyện bâng quơ một mình. Dù vậy, anh vẫn an tâm với sự chăm nom, thăm khám của đội ngũ y, bác sĩ.
Ðại uý, Bác sĩ CKI Dương Văn Thường, Ðiều dưỡng trưởng, Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Quân Y 120, thông tin: “Khoa Tâm thần kinh thực hiện các nhiệm vụ thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Từ đặc thù nhiệm vụ, Ban Chủ nhiệm Khoa luôn quan tâm xây dựng đội ngũ y, bác sĩ phải có nghiệp vụ chuyên môn vững, tận tâm với nghề, tinh thần trách nhiệm cao. Trong đó, nêu cao y đức, rèn luyện y thuật là yêu cầu tiên quyết trong suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, nhân viên”.
Chữa trị cho những bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã khó khăn, vất vả, việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần còn khó khăn bội phần. Bác sĩ Trần Huỳnh Dương cho biết: “Tôi vừa tốt nghiệp y khoa về công tác. Ðược đào tạo, tiếp xúc từ trước nên công việc đảm bảo. Song, nhìn người bệnh tuổi còn trẻ do tâm thần bị kích động hoặc bệnh nhân nữ do ảnh hưởng sinh sản bị bệnh cũng không khỏi chạnh lòng! Từ đó, tôi nguyện cùng đồng nghiệp đảm bảo tốt hơn việc thăm khám, phân loại và điều trị bệnh nhân tại khoa”.
Những bệnh nhân tâm thần thường biểu hiện nhiều cung bậc cảm xúc, khi vui, khi buồn, khi la hét, đâp phá..., tuỳ tình hình bệnh tình khi tăng, khi giảm. Nhưng khi qua cơn, họ trở nên hiền hoà, kể cả thỏ thẻ những lời xin lỗi ngượng ngùng. Thấy bác sĩ thăm khám bệnh nhân buồng bệnh kế bên, chị Yến, trạc tuổi 25, vô tư cười nói. Những lời phát ra tuy không vào đâu, nhưng cũng biểu hiện tâm thái vui vẻ khi cơn bệnh đã qua.
Chia tay 2 địa chỉ chăm sóc bệnh nhân tâm thần, tôi vẫn không ngừng ngẫm nghĩ về cuộc đời, về số phận của những bệnh nhân không may mắn. Ðồng thời, thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn cũng như tấm lòng nhân ái của nhân viên, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý khoác trên mình chiếc áo Blouse. Họ là những "bác sĩ đặc biệt" của những "bệnh nhân đặc biệt"./.
Phong Phú