ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 4-7-24 21:06:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tầm soát sức khoẻ cho người cao tuổi

Việc quan trọng lại hay... quên

Báo Cà Mau Người cao tuổi thường hay mắc một số bệnh mãn tính, sức khoẻ ngày càng giảm sút và khả năng phục hồi chậm. Do đó, việc tầm soát sức khoẻ định kỳ không chỉ kịp thời phát hiện sớm mầm bệnh mà còn nâng cơ hội chữa trị hiệu quả, giúp duy trì chất lượng cuộc sống hằng ngày.

Thông qua đợt tầm soát sức khoẻ, kịp thời phát hiện các bệnh lý liên quan đến tim mạch, cơ xương khớp, đái tháo đường ở người cao tuổi.

Song hành cùng việc khám chữa bệnh, Phòng Khám - Phục hồi chức năng Minh Hải (Phường 7, TP Cà Mau) còn chú trọng đến công tác an sinh xã hội. Tiến đến chăm sóc sức khoẻ toàn dân, đặc biệt chú trọng đến người cao tuổi, phòng khám vừa phối hợp với UBND Phường 7 khám bệnh và cấp phát thuốc cho khoảng 100 người từ 60 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn phường.

Ðối với người già, hệ miễn dịch suy yếu, cộng thêm tác động từ môi trường bên ngoài nên thường mắc phải các bệnh lý liên quan đến huyết áp, tim mạch, cơ xương khớp, đái tháo đường, các bệnh lý về nội khoa... Ngoài ra, thông qua việc tầm soát sẽ giúp mọi người cải thiện chế độ ăn uống, dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh để duy trì sức khoẻ được tốt hơn.

Bà con được đo huyết áp trước khi đến khám bệnh và tư vấn sức khoẻ.

Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Lễ, Phòng Khám - Phục hồi chức năng Minh Hải, khuyến cáo: “Thông qua thăm khám cũng như tìm hiểu về sức khoẻ của bà con, các vấn đề hay gặp chủ yếu là thoái hoá khớp, tiểu đường. Ngoài tư vấn về sức khoẻ, chúng tôi cũng chú trọng hướng dẫn bệnh nhân không nên lạm dụng và dùng thuốc tràn lan không kiểm soát dễ gây các biến chứng về sau. Bên cạnh đó, hướng dẫn mọi người tập một số động tác về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng nhằm giảm lượng thuốc nạp vào cơ thể. Ở độ tuổi từ 60 trở lên, mọi người nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh; tránh những thức uống, thực phẩm có hại cho tim mạch; không ăn quá mặn hoặc nạp vào cơ thể các chất béo không cần thiết”.

Ông Phạm Thái Hoà, 73 tuổi, ngụ Phường 7, TP Cà Mau, cho biết: “Tôi có bệnh nền, đau nhức xương khớp khi trời chuyển mùa, về đêm hay mất ngủ, gần đây có hiện tượng mắt đổ ghèn, tầm nhìn kém. Tôi mong muốn được khám sức khoẻ định kỳ nhưng điều kiện kinh tế không cho phép, nên tôi rất quan tâm những đợt được hỗ trợ khám, phát thuốc miễn phí”.

Bà Lê Ngọc Tươi, ngụ Phường 7, ở tuổi 63 nhưng sức khoẻ suy giảm nghiêm trọng, kinh tế sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào người chồng đã lớn tuổi, nên với bà Tươi, việc bỏ tiền đi thăm khám bệnh định kỳ rất khó khăn. Bà Tươi bộc bạch: “Những đợt có đoàn về khám sức khoẻ miễn phí, cả tôi và chồng đều đăng ký để lãnh thuốc về uống. Tôi mắc bệnh mất ngủ nhiều năm nay, trí nhớ lại không tốt nên tôi chỉ quẩn quanh trong nhà, không làm ra tiền. Nhờ sự quan tâm của địa phương, những đợt khám tầm soát sức khoẻ tôi đều được ghi tên trong danh sách”.

“Sức khoẻ tôi nay cũng ổn, tuy nhiên xương khớp thường hay đau nhức, mỗi tháng phải đi TP  Hồ Chí Minh để khám bệnh lấy thuốc. Riêng về khám sức khoẻ định kỳ, tôi thực hiện từ 2-3 lần trong năm. Ðã lớn tuổi, bản thân ý thức được sức khoẻ không còn như trước nên tôi chú trọng việc ăn uống, có thời gian cũng tập thể dục nhẹ nhàng. Quan trọng nhất vẫn là giữ cho tinh thần minh mẫn, đó cũng là cách đẩy lùi bệnh tật hữu hiệu”, bà Kỷ Kim Cáo, 80 tuổi, ngụ Phường 7, chia sẻ.

Ngoài khám bệnh, mọi người còn được cấp thuốc miễn phí để duy trì sức khoẻ tốt hơn.

Bà Hồ Thị Mộng Tuyền, Giám đốc Phòng Khám - Phục hồi chức năng Minh Hải, cho biết: “Ðây là chiến dịch chăm sóc sức khoẻ lâu dài cho bà con, cũng như định hướng giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về sức khoẻ của bản thân trong thời điểm hiện tại. Trung bình mỗi năm phòng khám sẽ có khoảng 3 chuyến về nguồn để hỗ trợ, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Hiện tại, chúng tôi đã tổ chức 2 đợt, dự kiến đây đến cuối năm sẽ mở các lớp dưỡng sinh miễn phí, phục vụ đối tượng từ 60 tuổi trở lên, duy trì lớp mỗi tháng một lần tại phòng khám. Cũng thông qua đợt tầm soát sức khoẻ tập trung này, mong muốn truyền tải thông điệp đến quý bà con, hãy quan tâm ngay khi sức khoẻ của mình chưa lên tiếng, khi những cơn đau chưa ập đến dồn dập. Quan trọng nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh”./.

 

Nhi Yến

 

Giúp người cao tuổi vui, khoẻ

TP Cà Mau có hơn 23 ngàn người cao tuổi. Xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi là trách nhiệm quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, TP Cà Mau đặc biệt quan tâm chăm lo, tạo điều kiện giúp người cao tuổi được sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ

Vi chất dinh dưỡng là các loại vitamin, khoáng chất, hay còn được gọi là các chất dinh dưỡng vi lượng nói chung và các chất dinh dưỡng đa lượng nói riêng, bao gồm protein, chất béo, carbohydrate.

Ðề phòng cúm gia cầm lây sang người

Tình hình bệnh cúm gia cầm lây sang người ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao. Người dân cần nâng cao ý thức chủ động các biện pháp phòng bệnh.

Nhân lên những "giọt hồng"

“Hiến máu là hành động mang ý nghĩa nhân văn, ngoài ra, theo tôi đó còn là một sự dũng cảm, vì máu là do cơ thể con người sản xuất ra, không một thiết bị máy móc hay một quốc gia nào có thể tạo ra được. Giọt máu cho đi để đổi lấy sự sống của một người, cũng là cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đất nước”, anh Phạm Văn Bằng (sinh năm 1983, ấp Tân Quảng B, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân), điển hình của tỉnh Cà Mau sẽ đến Thủ đô Hà Nội dự lễ vinh danh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024, chia sẻ.

Nghịch lý về chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Cà Mau là một trong những tỉnh có tỷ lệ bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ðiều đó cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, thời gian qua, việc các trạm y tế, phòng khám khu vực xuống cấp, cùng với các phòng khám tư nhân tăng lên, đã kéo theo lượng bệnh ở các cơ sở này giảm mạnh.

Tăng cường các giải pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, bệnh không lây nhiễm là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, là nguyên nhân gây tử vong nhiều hơn tất cả các nguyên nhân khác cộng lại. 

Chọn lựa thực phẩm an toàn

Nói đến thực phẩm an toàn là nói đến những loại thực phẩm “sạch”, không có dư lượng chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật; không có nhiều chất tẩm ướp hay chất bảo quản; được nuôi, trồng ở những nơi có môi trường đất và nước không bị ô nhiễm; thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bảo quản tốt, không gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng trong cả quá trình chuẩn bị chế biến và ngay cả sau khi sử dụng.

8 loại ung thư do thuốc lá

Ung thư đã thật sự trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, bởi ngoài sự tàn phá về sức khoẻ, thể trạng con người, rút ngắn tuổi thọ…, thì sự kiệt quệ về kinh tế không những cho hiện tại mà thậm chí còn có thể kéo dài cho những thế hệ tiếp theo, do chi phí điều trị quá lớn.

Phơi ruốc, cá cơm trên đường - Mất an toàn giao thông và vệ sinh thực phẩm

Ruốc là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc chế biến, phơi ruốc ngay trên đường khiến nhiều người không khỏi bất an về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ngày càng tăng

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm đến 39,5%; trong đó, bệnh mạch máu não (55,4%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (32%), bệnh tim do tăng huyết áp (6,9%) và bệnh tim mạch khác (5,7%). Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam.