ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-7-25 20:19:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chân dung thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Cô nữ sinh trường huyện mạnh mẽ

Báo Cà Mau

Với tổng điểm 55,25 (Toán: 8, Văn: 9,25, Sử: 9,75, Địa: 9,25, GDCD: 10, Tiếng Anh: 9), nữ sinh Trần Lê Ngọc Huyền (lớp 12C4, Trường THPT Lê Văn Đẩu, huyện Vĩnh Lợi) đã vượt qua gần 6.400 thí sinh toàn tỉnh để mang vinh quang về cho trường, cho quê hương khi xuất sắc trở thành thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Khi được phóng viên Báo Bạc Liêu liên hệ phỏng vấn, em còn ngỡ ngàng không tin mình là thủ khoa của tỉnh vì cho rằng điểm số không cao như kỳ vọng đã đặt ra.

Trần Lê Ngọc Huyền (thứ ba từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng thầy chủ nhiệm và các bạn trong lễ khai giảng năm học 2022 - 2023.

Khó khăn rèn nghị lực

Nhìn vào gương mặt sáng lúc nào cũng ánh lên niềm vui của Ngọc Huyền, ít ai nghĩ rằng em có một gia cảnh rất khó khăn. Hơn 20 năm qua, cha mẹ em luôn đầu tắt mặt tối với nghề phụ hồ để trang trải cuộc sống gia đình, lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Trên Huyền là anh trai cách em đến 6 tuổi, anh Huyền vừa học xong chuyên ngành Bác sĩ đa khoa (Trường đại học Y Dược Cần Thơ), đang chờ nhận bằng tốt nghiệp. Còn Huyền đang chờ kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 vào chuyên ngành Sư phạm Anh Văn (Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh). Có được “trái ngọt” này, gia đình Huyền và bản thân em đã phải nếm trải nhiều gian khó trong cuộc sống.

Để có tiền lo cho các con ăn học, cha mẹ em đã phải lao động cật lực trên các công trường xây dựng bất kể nắng mưa. Công việc phụ hồ ở quê không ổn định, thu nhập bấp bênh nên nhiều lần cha mẹ em đã tính đến việc đi lao động xa nhà để có thêm thu nhập, nhưng cứ nghĩ cảnh anh em Huyền còn quá nhỏ, cha mẹ em lại không đành lòng. Lây lất cũng đến ngày anh Huyền thi đậu ngành Y đa khoa, Huyền cũng vào lớp 9, vậy là cha mẹ để Huyền ở lại nhà một mình (gần nhà cô ruột) để đi theo làm công trình ở TP. Cần Thơ.

Từ đó, cô bé Huyền bắt đầu cuộc sống tự lập, không có cha mẹ bên cạnh bảo ban hôm sớm, nhưng thương cha mẹ một đời khó nhọc vì anh em mình, Huyền tự nhủ sẽ sống một mình thật tốt, chăm chỉ học tập để trở thành niềm tự hào của cha mẹ.

Nghĩ là làm, sau thời gian nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, thì toàn thời gian còn lại ở nhà Huyền dành hết cho việc học tập, ôn luyện. Cô lớp phó học tập đầy mẫn cán của lớp ngoài việc tích cực hỗ trợ bạn bè giảng giải những bài tập khó, còn vướng mắc trên lớp, thì khoảng thời gian giải lao còn lại ở trường đều chạy đến thư viện đọc sách, tìm hiểu những dạng bài nâng cao ở tất cả các môn.

“Huyền là một học trò rất ngoan, chăm chỉ, chịu khó học tập, tuy có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng lại đầy tự trọng. Chưa bao giờ thầy cô, hay bạn bè cùng lớp nghe Huyền than van bất kỳ điều gì về hoàn cảnh gia đình. Nhiều lúc được trường đề nghị hỗ trợ học bổng, đồng hành trong các hoạt động học tập Huyền còn khiêm tốn từ chối vì muốn nhường phần lại cho những bạn khó khăn hơn… Ở em, chúng tôi thấy được niềm tin, nghị lực vượt khó và một khát khao vươn lên mãnh liệt bất kể hoàn cảnh sống có khó khăn đến mấy”, cô Dương Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Đẩu, nhận định về Huyền.

Trần Lê Ngọc Huyền dành nhiều thời gian trong ngày để học tập, ôn luyện kiến thức. Ảnh: Đ.K.C

Vững tin chinh phục những tầm cao

Trong khi bạn bè được cha mẹ, người thân lo từng bữa ăn giấc ngủ trong giai đoạn ôn luyện nước rút, thì Huyền tự lập trong tất cả mọi việc. Có hôm, thương cháu học bài khuya, vất vả ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô của Huyền lại thay anh chị mình bù đắp cho cháu những bữa ăn ngon. “Dù cha mẹ, anh trai ở xa nhưng chưa bao giờ em cảm thấy cô đơn, hay buồn tủi vì hầu như ngày nào cha mẹ, anh trai cũng dành thời gian gọi video để hỏi thăm, động viên nhau cùng cố gắng. Em thấy mình tuy thiếu thốn, khó khăn chút ít nhưng vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều hoàn cảnh bên ngoài xã hội”, Huyền cười hiền.

“Áp lực rèn kim cương, khó khăn trui nghị lực”, câu nói này như kim chỉ nam để Huyền từng bước vượt lên gian khó, tự tin chinh phục những tầm cao. Suốt 12 năm đèn sách, Huyền luôn là học sinh xuất sắc, ứng cử viên sáng giá trong các đội tuyển học sinh giỏi của trường, của các cấp học. Huyền từng vinh dự tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2019; đoạt nhiều giải thưởng cao trong kỳ thi học sinh giỏi Toán, Địa lý, Lịch sử các cấp; đoạt giải Nhất Hội thao Giáo dục Quốc phòng - An ninh học sinh THPT lớp 10 cấp tỉnh. Riêng lớp 11, 12 em là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử tham gia kỳ thi cấp quốc gia. Không chỉ vậy, Huyền còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, là thành viên tích cực trong các hoạt động tình nguyện của trường, của địa phương và còn có năng khiếu hát, múa.

Bản thân là học sinh giỏi toàn diện, lại học đều tất cả các môn, trong đó Huyền dành tình yêu lớn cho môn Sử, nhưng cuối cùng cô nàng lại chọn theo Sư phạm Anh Văn. Lý giải về nghịch lý này, Huyền cho biết vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Huyền chọn theo sư phạm để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ. Hơn nữa với đầu ra là Sư phạm Anh em sẽ dễ tìm kiếm cơ hội việc làm ở TP. Hồ Chí Minh và có thể ứng tuyển thêm tại các trung tâm Anh ngữ lớn để có thu nhập ổn định, có thể trả hiếu, lo cuộc sống sung túc cho cha mẹ lúc tuổi già.

Nhìn vào thành tích “khủng” của Huyền, nhiều người sẽ nghĩ chắc nhờ em tất bật ở các lớp học thêm, nhưng với hơn 1 triệu đồng/tháng được cha mẹ gửi việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân em còn phải dè xẻn, thì lấy đâu ra tiền tham gia các lớp học ấy. Cho nên, ngoài các giờ học, ôn chính khóa với thầy cô trên lớp thì còn lại em đều tự học. Bên cạnh thời gian dành cho các môn học chính, môn yêu thích thì từ năm lớp 6, Huyền đã tự rèn cho mình thói quen học tiếng Anh qua mạng. Huyền ưu tiên nghe nhạc, xem phim, các bài giao tiếp bằng tiếng Anh để bản thân thích nghi dần, rồi bắt đầu đến luyện nói, luyện phát âm, ngữ pháp…

“Theo em, kiến thức luôn vô tận, mọi thứ đều phải bắt đầu từ nền tảng, từ những viên gạch đầu tiên nên tất cả đều cần thời gian để rèn luyện từ cơ bản, đến nâng cao. Bởi vậy, đến giai đoạn ôn luyện nước rút hầu như em chỉ hệ thống lại kiến thức đã học, dồn trọng tâm cho những bài tập khó, nâng cao nên không gặp nhiều căng thẳng, áp lực như các bạn. Thành tích hôm nay của bản thân em đạt được không ngẫu nhiên đến từ sự khổ luyện, nỗ lực của bản thân, mà đó còn là sự quan tâm, dìu dắt tận tình, đồng hành xuyên suốt của Ban giám hiệu, thầy cô và đặc biệt là thầy chủ nhiệm Quách Thanh Thế. Em xin tri ân tận đáy lòng mình và mong rằng thành tích của mình sẽ là niềm tự hào của “mái nhà chung”, của thầy cô, cha mẹ”, Huyền bộc bạch.

Chúc cho cô nữ sinh trường huyện mạnh mẽ hơn nữa trong bước tiến mới, tự tin chinh phục những tầm cao và chạm tay đến mơ ước lớn của cuộc đời mình.

Kim Trúc

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngoài thủ khoa là em Trần Lê Ngọc Huyền với 55,25 điểm, thì Bạc Liêu còn có thêm 2 á khoa. Đó là Lê Phạm Tiến Long (Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, TP. Bạc Liêu) với 53,45 điểm và em Tiền Minh Dương (Trường THPT Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) với 53,2 điểm.

 

 

Hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển

Những ngày qua, hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển: Nguyễn Ngọc Gia Bảo (lớp 12 chuyên Hóa) và Lê Trọng Nguyễn (lớp 12C3) đã mang về niềm tự hào cho gia đình, nhà trường và ngành giáo dục Cà Mau khi cùng đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Những người bền bỉ "gieo chữ"

Không chỉ vững chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Lê Thị Anh Thư và cô Lã Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (phường An Xuyên) còn là những tấm gương điển hình về lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò. Mới đây, cả hai vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2025.

Thủ khoa Đất Mũi và hành trình mang ước mơ gửi vào màu áo lính

Võ Trương Gia Huấn, nam sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu (phường Bạc Liêu) không chỉ là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của tỉnh Cà Mau với tổng điểm 37,5 mà còn đồng thời là thủ khoa khối A00 của tỉnh (Toán 10, Lý 10, Hóa 9,75). Phía sau thành tích đáng nể ấy là câu chuyện đẹp của một chàng trai tự học bền bỉ, sống chân thành, và có ước mơ giản dị: “Phục vụ đất nước trong màu áo Quân nhân”.

Thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00, quê Cà Mau

Em là Trần Đức Tài, nam sinh quê hương Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, xuất sắc trở thành thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00 (Toán – Hóa – Sinh) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Là học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Hồ Chí Minh, Đức Tài đạt điểm 10/10 ở cả ba môn, với tổng điểm 30 tuyệt đối.

Cà Mau: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2025 trên 99%

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được công bố vào lúc 8 giờ sáng nay. Năm nay, tỉnh Cà Mau (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,26%, tỉnh Bạc Liêu (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,56%. Tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Cà Mau (mới) đạt 99,37%.

Tỉnh Cà Mau có Tạp chí Khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm

Chiều 15/7, Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Bạc Liêu (tạp chí in và tạp chí điện tử) và bổ nhiệm Tổng Biên tập.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.

Đảm bảo công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 diễn ra thuận lợi

Sau khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, ngành giáo dục Cà Mau giữ ổn định toàn bộ phương án tuyển sinh, không gây xáo trộn để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh.

Phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu năm học mới

Năm học mới đang cận kề, tuy nhiên nhiều trường học trên địa bàn phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng học sinh theo cha mẹ chuyển về khu vực trung tâm hành chính tỉnh Cà Mau ngày càng tăng, dẫn đến lượng hồ sơ nhập học giảm mạnh. Tình trạng này gây khó khăn cho việc tổ chức lớp học, sắp xếp giáo viên và ổn định công tác giảng dạy.