Cuối Đông 1974, một mình với chiếc xuồng be tám và cặp chèo đước đồng hành từ Rau Dừa, Xẽo Trê, tôi đi suốt mấy ngày đường, vượt Sông Đốc về xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và xã Lợi An, huyện Châu Thành thời chiến… Đó là chuyến đi thực tế, viết bài “Mùa lúa” và “Chốt trên sông” cho Báo Cà Mau số Xuân Ất Mão 1975.
Cuối Đông 1974, một mình với chiếc xuồng be tám và cặp chèo đước đồng hành từ Rau Dừa, Xẽo Trê, tôi đi suốt mấy ngày đường, vượt Sông Đốc về xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và xã Lợi An, huyện Châu Thành thời chiến… Đó là chuyến đi thực tế, viết bài “Mùa lúa” và “Chốt trên sông” cho Báo Cà Mau số Xuân Ất Mão 1975.
Với những nhân vật chính trong bài viết, còn đọng mãi trong ký ức tôi hình ảnh nhiều bà con thân thuộc trên quê hương - những người trọn đời bám đất, từng vượt qua gian khổ, ác liệt, hết lòng ủng hộ kháng chiến và 40 năm sau ngày giải phóng, nhiều người lớn tuổi năm xưa không còn trên cõi đời này.
Đầm Bà Tường vừa là khu căn cứ kháng chiến vừa là núm sữa nuôi sống bà con vùng này qua những năm chiến tranh gian khổ ác liệt. Ảnh: VÕ AN KHÁNH |
Suốt thời kháng chiến, bà con Nhân dân xã Trần Hợi luôn đẩy mạnh tăng gia sản xuất giống lúa ngắn ngày. Năm ấy, tôi về đây biết được con số diện tích toàn xã sản xuất được 22.000 công lúa thần nông, riêng ở ấp 10 - Cơi Ba giáp Kiểu Mẫu có 430 công. Ðiển hình như chú Hai Dần làm 12 công, chú Năm Ấn làm 7 công. Anh Ba Hậu vừa công tác ấp, vừa tranh thủ làm 5 công, thu hoạch được 130 giạ.
Anh Sáu Hạnh bị thương trong một trận giặc đổ quân kéo ra Rạch Ráng cuối 1969, vết sẹo khuyết tật bàn chân xích xụi làm ảnh hưởng công tác, nhưng anh vẫn khắc phục để ra đồng, làm được 3 công ruộng, giống lúa Xa Mo cho năng suất cao… Anh Quang ở ngã tư Chín Rỗ làm 1 năm 3 vụ lúa thần nông, năm rồi anh diệt được 7.000 con chuột - con số ấn tượng về diệt chuột bảo vệ mùa màng…
Trên đường trở xuống đoạn kinh Cơi Ba, tôi rẽ phải, chống xuồng vô “bùng binh” Cơi Nhì, thăm chị Ba Gấm. Chị Ba vui vẻ, hỏi chuyện rối rít… Em có gặp anh Ba không? Anh Ba công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau… Và tôi cũng vui như chị Ba, chung niềm vui “lúa trúng”…
Trở ra đầu kinh Sáu Thước, tôi dừng lại nhà anh Chín Sang, đoạn bờ kinh Chống Mỹ. Chị Chín, người Bến Tre, bà con với tôi. Anh Chín, gốc người Hoa ở Sài Gòn. Chuyến đầu, tôi theo mẹ vào Cà Mau thăm ba tôi năm 1961, có anh chị Chín cùng đi và trở thành công dân ở kinh Sáu Thước. Cuối năm 1975, mọi người còn cảnh giác bọn giặc đồn Công Nghiệp Giữa biệt kích qua đây. Ðêm ấy, tôi với anh Chín thả xuống ngủ trong căn chòi tránh máy bay của chú Năm Hoặc trên bờ vuông trâm bầu giữa ruộng. Sáng lại, hai anh em lội vô xóm, thăm chú thím Năm, uống cốc nước trà, nghe thím Năm nói vài câu cảm tưởng và thím tặng tôi gói thuốc thơm Ruby Queen.
Rời đoạn kinh Sáu Thước, tôi ghé thăm dì Bảy Nhiệm. Thời kháng chiến, dì Bảy nhiệt tình vai trò Hội chị chiến sĩ, từng đi vận động ủng hộ hết mình khi bộ đội về đóng quân, huấn luyện trên dòng kinh Sáu Thước này. Tôi ngồi nghe dì Bảy nói huyên thuyên thời sự:
- Tao dốt nát nói vậy thôi. Chứ thằng Mỹ giàu có mà nó đánh không thắng nước mình, thì đừng nói thằng nào dám… Ngoài sông Ðốc hôm rồi, có mấy chiếc tàu rụ rụ, đêm nào cũng bắn. Chạy lên chạy xuống bị người ra đánh chìm tiêu hết…
Năm ấy, dì Bảy có chuyến về thăm quê hương Bến Tre, vừa mới trở về trong này. Ngồi xe đò qua ngang thị xã Sóc Trăng, nhìn rõ sân bay Sóc Trăng, dì cũng nhớ mà nói:
- Sân bay lúc này cỏ mọc tùm lum, có mấy chiếc đáp đâu!
Nghe mà vui vậy. Khi tôi từ giã, dì Bảy móc tiền đưa tôi, nói:
- Nè, cho hai trăm bỏ theo. Gia đình bây không có trong này.
Tôi ngại, không dám nhận tiền của dì, vội bước thật nhanh ra bến. Dì Bảy cũng bước nhanh theo ra, bỏ tờ giấy bạc xuống sạp xuồng cho tôi 200 đồng (tiền Sài Gòn cũ).
Qua khỏi nhà dì Bảy 2 dây đất, tôi nhìn chú thím Bảy Ðực đang suốt lúa trước sân nhà. Chú thím Bảy nhìn thấy tôi, chú kêu ghé lại nghỉ một lát. Tôi cặp xuồng, lên nhà chú Bảy. Chú kêu ăn cơm rồi hễ đi. Tôi ngồi ăn được chén cơm, nghe chú Bảy gọi thím Bảy:
- Má bây đâu rồi. Có tiền cho cháu nó ít trăm xài Tết.
Tôi lên nhà trên, ngồi uống cốc trà. Thím Bảy để tiền trên bàn, bảo tôi lấy tiền cất vào túi áo, sau đó mới biết thím cho tôi 500 đồng (tiền Sài Gòn cũ). Chú Bảy với ba tôi bà con chung kiến họ ở Bến Tre, chú xem tôi như cháu ruột của chú. Tấm lòng của chú thím Bảy và bà con xóm cuối kinh Sáu Thước, tôi thật khó quên.
Từ nhà chú Bảy, qua khỏi anh Tám Lự, tới nhà chị Ba Bời. Chị Ba đang mua khoai lang của người phụ nữ đang cặp xuồng sát mé bờ. Thấy tôi chèo qua ngang, bỗng chị kêu tôi ghé lại. Chị nói vội:
- Cậu Tám có gởi cho em một ngàn đồng. Chị còn cất đây, đợi gặp em mới đưa.
Hoàn cảnh nghèo, chiến tranh ly tán, má tôi và 3 đứa em tôi cùng một số bà con ở kinh Sáu Thước bị giặc đổ quân gí súng lùa ra chi khu Rạch Ráng chúng mới tái chiếm tháng 10/1969 và tìm cách trở về Bến Tre. Giữa năm 1971, ba tôi rời Sáu Thước xuống kinh Hãng Giữa mở lớp dạy học tại nhà chú Tư Ðược. Năm 1972, một lần công tác qua đây, tôi ghé thăm ba tôi ngay lớp học, nhìn chữ phấn trắng ba tôi viết trên bảng đen sao đẹp quá. Ba tôi bước ra và móc lấy tiền cho tôi mấy trăm đồng (tiền Sài Gòn cũ). Năm 1973, ba tôi rời hẳn Cà Mau và gần 2 năm xa cách, tôi cũng không ngờ ba tôi từ Bến Tre nhớ mà gởi tiền cho tôi dịp Tết Ất Mão 1975.
Một niềm vui thoảng qua, bỗng dưng tôi nghe lòng khoan khoái, đang lúc đôi tay mạnh mẽ, thoải mái đẩy nhịp chèo trên đường qua sông Ðốc, ung dung, thư thả một mình./.
Nguyễn Minh