Từ Xẽo Trê, tôi chèo vô Biện Tràng và từ Biện Tràng chèo lên một chặng xa lắc, cả chục cây số. Tôi tìm gặp anh em cán bộ, chiến sĩ đội “săn tàu” của tỉnh đang ngày đêm nằm bên công sự trên bờ sông Ðốc, đoạn vàm Cỏ Xước. Ra đời chưa đầy một năm, đơn vị trẻ và những người chiến sĩ trẻ có mặt ở đây đã nhận chìm 16 chiếc tàu sắt giặc, diệt hàng trăm tên, làm chủ hoàn toàn tuyến sông chiến lược này.
Từ Xẽo Trê, tôi chèo vô Biện Tràng và từ Biện Tràng chèo lên một chặng xa lắc, cả chục cây số. Tôi tìm gặp anh em cán bộ, chiến sĩ đội “săn tàu” của tỉnh đang ngày đêm nằm bên công sự trên bờ sông Ðốc, đoạn vàm Cỏ Xước. Ra đời chưa đầy một năm, đơn vị trẻ và những người chiến sĩ trẻ có mặt ở đây đã nhận chìm 16 chiếc tàu sắt giặc, diệt hàng trăm tên, làm chủ hoàn toàn tuyến sông chiến lược này.
Ðêm xuống, tôi nghỉ tại nhà cô Tư Biển trên bờ sông vàm Cỏ Xước. Tôi biết rõ nguồn gốc bà con quê hương xứ xở Bến Tre. Cô Tư là chị ruột của cô Út Cẩm công tác tại Nhà in Trần Ngọc Hy tỉnh Cà Mau. Nghe tôi nhìn, cô Tư vui lắm, xem tôi như cháu ruột của cô. Ðêm này, bầu trời đen kịn. Cô Tư mở chiếc radio nghe báo bão Sóc Trăng, Cà Mau. Dự báo thời tiết như vậy, đến khoảng 5 năm sau, tức vào năm 1980 mới biết đó là áp thấp nhiệt đới. Gió thổi qua từng ngọn cây ào ào, gió lọt vào cửa sổ nhà, lạnh buốt. Mặt sông Ðốc sóng nổi lên cuồn cuộn…
Đoàn cán bộ chờ chuyến vượt sông - con sông rất nhiều đồn bót và tàu chiến giặc tuần tra nghiêm ngặt. Ảnh: VÕ AN KHÁNH |
Sáng lại, trời quang mây, bình thường. Tôi từ giã cô Tư, hỏi đường để trở ra hướng Bàu Phong. Ði trên mảnh đất này mà nhớ chiến công của Tiểu đoàn U Minh 2 vào năm 1970, thời kỳ giặc “bình định” đánh phá ác liệt. Sau gần 5 tháng quân giặc tái chiếm chi khu Rạch Ráng và trước khi xuất hiện bộ đội Ð10 - Trung đoàn 10 trên địa bàn này, Tiểu đoàn U Minh 2 vượt sông Ðốc về xã Trần Hợi và trở qua xã Lợi An, chỉ trong vòng 4 ngày đã diễn ra 3 trận đánh vang dội.
Ðó là trận công đồn Rạch Ruộng, đả viện quân bảo an chi khu Rạch Ráng trên cánh đồng đầu kinh Ðộc Lập ngày 26/2/1970, trận đánh địch đổ quân xuống ngay đội hình ở ấp 10 - giáp So Le, Kiểu Mẫu, bắn rơi 3 chiếc trực thăng ngày 27/2/1970 và trận thứ ba vào đêm ngày 1/3/1970, Tiểu đoàn U Minh 2 tập kích đồn Xẽo Dá do Ðại đội bảo an 518 mới lấn chiếm, diệt và làm bị thương 70 tên, trong đó có tên Vinh đồn trưởng và tên Bi trưởng đoàn “bình định”. Bộ đội ta, có 1 chiến sĩ bị thương chui vô cây rơm cách đồn khoảng 100 m ẩn tránh, được người dân Cỏ Xước hết lòng giúp đỡ. Bà Hai Hùng (má vợ đồng chí Ba Cước) và bà Tư Hợi phát hiện, khiêng người chiến sĩ bị thương bỏ vô thùng phuy chở đến bà Ba Nguyệt cách đó khoảng 10 công đất, chích mũi thuốc khoẻ rồi chở đưa vô vùng giải phóng an toàn. Bà Ba Nguyệt, vợ ông Vũ Phát, cán bộ cách mạng, thời chiến bà lén chế độ cũ làm bảo sanh, y tế tư ở vùng này.
Tôi chống xuồng băng hướng Cái Bát, Bàu Phong, đẩy cây chèo nặng, mặt trời lên cao nên tìm nhà xin nước uống. Tôi ghé lên gian nhà lá giữa đồng, chỉ một mình bà lão ở nhà trên, xóm trống trải, cây lá lưa thưa. Giọng bà mừng rỡ:
- Vô ngồi nghỉ, uống nước một chút rồi hễ đi cháu!
Ðoạn, bà lại bộ ván, lấy bình ly. Rồi bà lấy chuối chín sắp trong dĩa, gọi tôi: “Ăn chuối, uống nước đi cháu. Chèn ơi, còn đi công tác được qua mừng quá”. Bà chỉ vào bàn thờ: “Qua nè, ba đứa con hy sinh thờ 3 lư hương đó!”.
Theo lời bà lão, một con rể và hai người con trai của bà hy sinh đợt Tết Mậu Thân 1968 và thời kỳ giặc “bình định” ác liệt. Bà cầm cục thuốc xỉa trên hàm răng, vừa hỏi tôi:
- Cháu có ảnh Bác Hồ cho qua 1 tấm. Lúc trước qua cũng có hình Bác Hồ. Rồi giặc lại đóng đồn, qua giấu trong lá cờ Mặt trận. Sau đó nhà bị cháy, đồ đạc cháy hết đâu còn gì…
Từ giã bà lão, tôi nhớ mà cảm thấy như còn nợ bà một tấm ảnh Bác Hồ. Tôi tiếp tục chống xuồng đi, vòng quanh trên cánh đồng rồi ra kinh rạch mà tôi không rõ địa danh. Tôi chèo mải miết, tìm nhà bác Chín Vĩ, người Bến Tre, thân sinh anh Ba Hùng. Tôi biết bác Chín năm 1970, lúc tôi công tác chung với anh Ba. Gần một năm sau ngày giặc tái chiếm chi khu Rạch Ráng, bác Chín bằng mọi cách xuống tới nhà anh Ba ở kinh cũ để thăm cháu nội. Mấy năm “bình định” ác liệt, giặc đóng đồn Xẽo Dá, Cái Bát và tứ giăng trên đất Lợi An. Ðến cuối năm 1974, giặc chạy, không còn đồn bót nhưng ở đây là vùng ven, vùng yếu, vùng tiếp giáp, cách thị xã Cà Mau 7 km về phía Nam.
Bác Chín (1916-1976) vóc dáng ốm cao, gương mặt phúc hậu, đức tính hiền, giọng nói nhỏ nhẹ và nét đào hoa, đẹp lão. Bác biết nghề võ nhưng ở đời không mích lòng chòm xóm, bà con. Một ngày cuối năm 1974, khi tìm được nhà, tôi bước lên, chào hỏi:
- Mạnh khoẻ bác Chín ơi!
Nghe gọi đúng thứ, bác Chín rời chiếc võng, đứng dậy, bước ra nhìn kỹ và nhận ra tôi, bác nói nhỏ:
- Ủa, cháu hả?
Tôi “dạ” và hỏi tiếp:
- Bác về đây lâu chưa?
Bác Chín nói:
- Mới về vài hôm. Nhà ở ngoải (kinh Bà Cai) sang lại cho người khác rồi!
Vậy là tôi may mắn được gặp bác Chín “mới về vài hôm” ngay nhà đất cũ tại đây. Bác nói thật nhỏ như dè chừng:
- Mầy coi vầy mà làm sao ở được. Ðồn nó đóng sát bên. Nó bắn rát lưng. Dọn đồ đi, nó hổng cho. Hễ xuồng ai ghé lại bến này là nó đuổi. Nó sợ chở đồ nhà tao đi…
Chị Hai (dâu bác Chín) đang ngồi may bên giàn máy may cũng nói:
- Chú ơi, giặc giã làm quá, riết rồi hổng dám ở nhà. Nhà này giao cho du kích ở làm công sự mà bao vây đồn Cái Bát bên góc bờ…
Anh Hai - Bùi Minh Lý (1938), con trai cả của bác Chín, Xã uỷ viên, Trưởng Ban Binh vận xã Lợi An, hy sinh năm Mậu Thân 1968. Chị Hai và các con của chị là Hồng Nga, Hồng Nhiên, Thu Thuỷ, Hồng Thắm sống chung nhà với hai bác Chín. Tôi nhìn chiếc tủ bóng loáng có thủng một lỗ và trên mặt bàn cũng bị thủng lỗ chỗ, bác Chín nói:
- Ðạn nó bắn đó. Xác nhà trước tiêu hết. Nhà này mua của người ta, dỡ về, mới cất lại hồi năm kia.
Bác Chín gọi đứa cháu nội:
- Nhiên, lấy mãng cầu xẻ cho chú bây ăn.
- Lúa khá không bác Chín? Tôi hỏi. Bác cho hay:
- Khá. Nói đáng, nhờ êm mình làm ruộng được.
Cháu Hồng Nhiên bưng ra một dĩa 3 miếng mãng cầu xiêm, mời tôi: “Chú ăn mãng cầu”. Bác Chín gái, cũng người Bến Tre, nhắc gọi tôi mấy bận:
- Bây ăn đi. Ở nhà mới ăn rồi!
Tôi cầm miếng mãng cầu bước ra đằng sau, vừa thưởng thức hương vị chua ngọt, vừa nhìn quanh vườn. Sau nhà bác Chín có nuôi con sáo huýt gió nghe lảnh lót… Ở trong nhà, bác Chín chu đáo “bổ sung” vào bì của tôi một cục thuốc gò và xấp giấy quyến, chăm chút việc nhỏ mà thân tình biết bao…
Khi tôi từ giã, bác Chín thật tâm lý, cầm tiền bỏ vào túi áo tôi thật nhanh. Tôi khó mà từ chối. Trên đường vòng ra Rạch Muỗi, Tân Ðức về Cái Rắn, Rau Dừa, tôi xem lại biết bác Chín cho tôi 500 đồng tiền Sài Gòn cũ.
Thời chiến, mỗi tháng tôi lãnh sinh hoạt phí từ vài chục đồng, đến cuối năm 1974 lãnh gần 200 đồng (tiền Sài Gòn cũ), dành dụm 2 tháng sắm được một bộ đồ vải lin-phăng 2 cal chỉ màu xanh rêu mới toanh… Qua rồi thời niên thiếu, một chàng trai trưởng thành đi công tác được bà con người Bến Tre ở Cà Mau dành tình cảm thương như cháu ruột mà “lì xì” cho tôi có tiền xài Tết - vui quá trong bụng và duy nhất chỉ cái Tết sau cùng chiến tranh kết thúc, kỷ niệm nhớ suốt trong đời…
Chuyến hành trình bằng xuồng chèo năm ấy, tôi vượt sông Ðốc, xuyên vùng ven phía Nam thị xã Cà Mau, ký ức còn sống động một thời kháng chiến. Ngày ấy, tôi đi trong niềm lạc quan, phơi phới và nhớ mãi cảm giác lâng lâng, sung sướng trên chặng đường mùa xuân 1975./.
Nguyễn Minh