(CMO) Anh Lê Pha Lil (32 tuổi, Khóm 12, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) là nhân vật đặc biệt mà khi tiếp xúc tôi không thể biết thông tin gì về anh, nếu không có những “thông dịch” là người thân trong gia đình anh. Khiếm khuyết bẩm sinh, không nghe, không nói được, nhưng bù lại, anh Lil có đôi bàn tay tài hoa và tinh thần, nghị lực mạnh mẽ, không đầu hàng số phận, tạo ra rất nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật tinh xảo, độc đáo.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ba có 7 người con, anh Lil là con trai út. Hoàn cảnh nghèo khó, quê gốc ở tận Bạc Liêu, cả nhà về xứ này thuê đất làm ăn đã mấy mươi năm. Không may mắn, người con thứ ba và con út của bà (là anh Lil) đều bị khiếm khuyết nghe, nói.
Dù vậy, từ nhỏ anh Lil rất kháu khỉnh, năng động. Thấy con hoạt bát nên cha mẹ gửi anh vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái để học chữ, kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Khi đủ tuổi trưởng thành, anh Lil vẫn lạc quan, vui vẻ, tích cực và muốn có công việc làm ổn định để tự kiếm sống và phụ giúp gia đình, báo hiếu cha mẹ, không muốn là gánh nặng hay người vô dụng.
Trong quá trình dạy học, nhận thấy anh Lil rất năng nổ và ham học hỏi, trung tâm đã định hướng giúp anh thực hiện nguyện vọng, gửi anh đến cơ sở điêu khắc gỗ tận Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) để học nghề vào năm 2012. Ðây là bước ngoặt đánh dấu chặng đường mới trong cuộc đời của anh.
Trong quá trình học tại cơ sở 3 năm, anh Lil may mắn tiếp cận được với những thầy giỏi, tận tình chỉ dạy. Anh Lil phát huy khả năng của mình, trở thành học viên nổi trội. Thông thường, những học viên mất 36 tháng thì thầy dạy mới cho ra nghề, riêng anh Lil chỉ mất 30 tháng. Rồi vài tháng sau, anh trở thành thợ chính. Thuở mới học nghề, anh được trả lương 500.000 đồng/tháng, ra nghề được 1,5 triệu đồng. Khi làm thợ chính, anh được trả lương đến 8 triệu đồng/tháng. Cầm đồng lương tự tay mình kiếm được, anh vô cùng sung sướng và trân quý. Cha mẹ anh cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào người con khuyết tật, chỉ mong con khoẻ mạnh và sống vui vẻ. Nghe tin con mình không chỉ có thể tự kiếm sống mà còn có thể gửi tiền về lo cho gia đình, cha mẹ, anh chị em của anh Lil ai cũng mừng rơi nước mắt.
Trong buổi trò chuyện, dù cố gắng giao tiếp với một người còn xa lạ qua những âm thanh ngọng nghịu, nhưng người đối diện có thể cảm nhận được gương mặt anh Lil rạng rỡ, đầy tự hào khi khoe bằng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam với ngành nghề điêu khắc gỗ do Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng vào năm 2018, khi anh 28 tuổi. Những nỗ lực không ngừng của chàng trai trẻ đã được đền bù xứng đáng.
Anh Lê Văn Ðịnh (anh trai của Lil) chia sẻ: “Khi dịch bệnh bùng phát, em tôi khăn gói về quê. Em đặt mua máy móc, dụng cụ đồ nghề trên mạng, ở tận Hà Nội gửi về. Rồi tự đi mua từng khúc gỗ để tiếp tục công việc và đam mê của mình. Nhiều người biết đến tay nghề nên đặt làm theo mẫu hoặc tuỳ ý tưởng sáng tạo. Những tác phẩm như tượng Phật, tứ linh… có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tuỳ theo chất liệu gỗ, kích thước và độ công phu của tác phẩm”.
Ðục, cưa xẻ, chạm trổ…, từ những khối gỗ thô sơ, qua bàn tay của anh Lil tạo nên những đường nét uyển chuyển, những sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ rất đặc sắc, tinh xảo và độc đáo.
Tượng Phật Di Lặc được anh Lil điêu khắc rất có hồn và tinh xảo. |
Ông Vũ Mạnh Phú (Khóm 10, thị trấn Sông Ðốc) một khách hàng đặt anh Lil làm bộ bàn ghế từ gốc cây gỗ còng hơn 30 năm. Sau khi hoàn thành và nhận được sản phẩm, ông Phú rất hài lòng: “Ở vùng này chưa thấy ai điêu khắc, chạm trổ công phu như Lil. Bộ này có giá 5 triệu đồng, thấy đẹp quá, tôi trả Lil 6 triệu đồng”.
Bộ bàn ghế tứ linh anh Lil điêu khắc được khách hàng rất ưng ý. |
Vừa làm việc, vừa trải nghiệm, tích luỹ kinh nghiệm, anh Lil ước mơ mở một xưởng điêu khắc nhỏ của riêng mình và sẽ hỗ trợ những người khiếm khuyết có được cái nghề, vượt qua rào cản mặc cảm, tự ti của bản thân trong cuộc sống.
Bà Ba đưa mắt nhìn vợ chồng anh Lil, xúc động: “Tôi cứ nghĩ con không may khiếm khuyết thì khó mà cưới được vợ, sợ nó sẽ sống cô đơn. Không ngờ tình cờ quen được con dâu (chị Trần Thị Dương) qua mạng xã hội, cũng khiếm khuyết nghe, nói. Con dâu tôi hồi trước làm công nhân may ở Ðồng Nai, may giỏi lắm. Hai đứa đồng cảm đã nên duyên vợ chồng, mới cưới hồi năm rồi. Thấy con kém may mắn mà lại có cái nghề đàng hoàng, có vợ hiền, giỏi giang, tôi mừng lắm”.
Từ một thanh niên khiếm khuyết bẩm sinh, anh Lil đã gặt hái được quả ngọt. Người không được bình thường nhưng anh Lil lại có nghị lực, làm nên những điều phi thường. Kết quả này là dấu ấn, động lực để anh càng thêm tự tin với chính mình và sẵn sàng truyền nguồn cảm hứng, nhiệt huyết, sự tự tin cho những người có hoàn cảnh kém may mắn khác. Như một bông hoa khuyết, khoe sắc theo một cách riêng, đặc biệt hơn, anh Lil còn cho thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Minh chứng rằng, dù là người khuyết tật vẫn có thể thành công, may mắn và còn làm đẹp cho cuộc sống này nếu có hoài bão, ước mơ, nỗ lực phấn đấu và cống hiến cho xã hội./.
Thảo Mơ